Khi ngân hàng...nuôi nợ

Để thoát khỏi cảnh "trở đi mắc núi, trở lại mắc sông", một số NHTM quyết định tiếp tục "nuôi" nợ.
Khi ngân hàng...nuôi nợ

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rút cục đã cho phép các ngân hàng thương mại (NHTM) được cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm nợ. Đổi lại, NHTM phải điều chỉnh lãi suất cho vay các khoản cũ xuống theo mức hiện hành.

 

Khi ngân hàng phải nuôi nợ

Cho vay đảo nợ chỉ là cách làm đẹp các con số. Trong khi tín dụng không tăng, nhiều khoản nợ cũ cũng không thu hồi được, ngân hàng vẫn không thể dừng huy động vốn, không trả lương nhân viên hay đóng cửa chi nhánh...Vì những điều đó khác nào đóng cửa, giải thể ngân hàng. Để thoát khỏi cảnh "trở đi mắc núi, trở lại mắc sông", một số NHTM quyết định tiếp tục "nuôi" nợ. Hiểu một cách đơn giản là ngân hàng sẽ tiếp tục cho khách hàng vay thêm vốn để hoàn thành dự án, hoàn thành sản phẩm để có thể tiêu thụ được, trả nợ cho ngân hàng. Vấn đề ở chỗ, làm thế nào để xác định được khách hàng nào vẫn còn khả năng sống để hà hơi tiếp sức. Nếu xác định không đúng, ngân hàng sẽ mất cả chì lẫn chài.

Xét trong những khoản cho vay của nhiều NHTM thì bất động sản và những khoản cho vay liên quan đến bất động sản chính là những món nợ khó thu hồi vốn nhất hiện nay. Vậy liệu việc tiếp tục cho khách hàng vay vốn để hoàn thành dự án, rồi bán nhà, gom tiền trả nợ cho ngân hàng có khả thi? Có lẽ BIDV là ngân hàng có nhiều câu trả lời nhất cho vấn đề này. Vì, một lần nữa họ tiếp tục tiên phong trong tuyên bố sẽ cơ cấu lại nợ cho khách hàng, đẩy mạnh cho vay liên quan đến bất động sản (năm 2011, tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng này là trên 271 ngàn tỷ đồng, trong đó cho vay kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 9%). Giờ chưa thể đánh giá hiệu quả cách làm này của BIDV, nhưng rõ ràng chính sách này tác động không nhiều đến thị trường bất động sản. Sau nhiều chính sách của NHNN như nới cho vay liên quan đến bất động sản và nay là cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay... phản ứng của thị trường bất động sản vẫn rất mờ nhạt.

 

NHNN: mục tiêu nào cũng quan trọng?

Theo Quyết định số 780/QĐ-NHNN của NHNN, các khoản nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá hoạt động sản xuất - kinh doanh của khách hàng có chiều hướng tích cực và có khả năng trả nợ tốt sau khi điều chỉnh nợ, gia hạn nợ… sẽ được giữ nguyên nhóm nợ như đã được phân loại trước khi điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ. Thống đốc NHNN cũng yêu cầu, trên cơ sở khả năng tài chính và chính sách khách hàng của tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các hợp đồng tín dụng xuống theo mức lãi suất cho vay hiện hành, nhất là đối với các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động.

Quyết định này mở lối cho các NHTM nuôi nợ như đã nói ở trên, trở thành cái phao cứu sinh cho các ngân hàng và doanh nghiệp. Đó cũng là chính sách hướng đến mục tiêu giảm lãi suất của NHNN như đã tuyên bố. Thế nhưng, việc cho phép các NHTM giữ nguyên nhóm nợ sau khi đã cơ cấu lại nợ là quyết định tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì đây là sự thay đổi căn bản so với quy định trong Quyết định 493/QĐ-NHNN về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro. Theo Quyết định 493, những khoản nợ được cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ lần đầu, được miễn giảm lãi… sẽ bị xếp vào nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn, phải trích lập dự phòng rủi ro 20%). Chiểu theo quy định này, các món nợ của NHTM có nguy cơ bị đẩy dần xuống nhóm dưới, khiến khoản trích lập dự phòng rủi ro của NHTM tăng, làm giảm thu nhập của họ. Với Quyết định 780, việc phân nhóm nợ của các NHTM đã được nới hơn trước. Vì thế, việc phân loại nợ vốn gây nhiều tranh cãi, nay sẽ càng khó phân định cho rõ ràng. Các NHTM phải "chế biến" để nợ xấu không cao, không chỉ vì vấn đề trích lập dự phòng rủi ro mà còn vì nếu nợ xấu vượt ngưỡng 3%, họ sẽ bị NHNN đánh tụt hạng, giảm tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, ảnh hưởng đến uy tín, khả năng được cấp phép mở chi nhánh, triển khai các sản phẩm dịch vụ mới… của ngân hàng.

Quyết định 493 được ban hành năm 2005, được sửa đổi, bổ sung lần đầu tiên năm 2007. Cho đến nay, đây vẫn là văn bản pháp lý cơ bản trong việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng. Dự thảo văn bản thay thế Quyết định 493 đã được đưa ra từ lâu, nhiều lần góp ý, chỉnh sửa. Nhưng cho đến nay nó vẫn tiếp tục là một dự thảo. Dự thảo gần đây nhất vừa được đưa ra trung tuần tháng 4/2012, với những điểm sửa đổi rất căn bản. Có thể nói, Quyết định 780 về phân loại nợ như một phép thử trước khi NHNN chính thức ban hành một văn bản hoàn toàn mới về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng trong điều kiện, bối cảnh kinh doanh mới.

Mục tiêu trước mắt của NHNN là mỗi quý giảm 1% lãi suất, bỏ trần lãi suất huy động và mục tiêu then chốt trong năm nay là kiềm chế lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Song, mục tiêu xuyên suốt và nhiệm vụ hàng đầu của NHNN lại là đảm bảo an toàn hệ thống. Như vậy, xét cho cùng dù có là chính sách nào đi nữa NHNN cũng phải đảm bảo hệ thống tổ chức tín dụng hoạt động an toàn và hiệu quả. Chính sách nào cũng có tính hai mặt, có được và mất. Nhưng những quyết sách này của NHNN trong lúc này là quyết đoán hay mạo hiểm?

 

Theo báo cáo tài chính quý I/2012 của các NHTM,

nợ xấu đang gia tăng chóng mặt. Tại Vietcombank, trong khi tổng dư nợ cho vay khách hàng giảm 1.195 tỷ đồng thì nợ lên tới 5.873,4 tỷ đồng, tăng 40,69% so với thời điểm 31/12/2011, khiến tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này lên mức 2,84%. Nợ xấu của VietinBank đã tăng từ 2.165 tỷ đồng cuối năm 2011 lên 5.176,7 tỷ đồng (tăng 139%) chỉ sau 3 tháng. Còn tại ACB, quý đầu năm 2012, tổng dư nợ cho vay khách hàng chỉ tăng chưa tới 1,8%, nhưng nợ xấu lại tăng tới 38,8% (1.212,5 tỷ đồng). 60% nợ xấu của ngân hàng này có liên quan đến bất động sản. Nợ xấu của Eximbank cũng tăng 14,5%, từ 1.202,9 tỷ đồng lên 1.377,2 tỷ đồng và SHB tăng 18,17%, lên 769,8 tỷ đồng…

 

Theo dự thảo Thông tư về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro,

nợ vẫn được chia thành 5 nhóm (gồm cả định tính và định lượng); tỷ lệ trích dự phòng rủi ro không thay đổi. Nhưng các khoản tín dụng phải phân loại nợ mở rộng hơn, bao gồm cả nợ đã bán, nợ mua và khoản mua trái phiếu doanh nghiệp. Tỷ lệ khấu trừ tối đa các tài sản đảm bảo cơ bản không thay đổi, nhưng có phân biệt rõ hơn về chứng khoán: Chứng khoán do doanh nghiệp phát hành được niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán: 65%. chứng khoán chưa được niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán, giấy tờ có giá khác do doanh nghiệp, tổ chức tín dụng phát hành: 20%.


DDDN

Tin cùng chuyên mục