
VN-Index tiến gần đến điểm đáy
Dò đáy để mua vào cổ phiếu là cơ hội của giới đầu tư hiện nay trên TTCK, khi mà giá cổ phiếu được đánh giá là quá rẻ so với giá trị thực của nó. Trên quan điểm phân tích cơ bản, chuyên gia kinh tế Kris Bartkus tìm điểm đáy bằng những yếu tố kinh tế và TTCK bên ngoài ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam. Theo ông Bartkus, trong thời gian qua, sự chuyển động của TTCK Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi 2 yếu tố tác động chính đó là tình hình xuất khẩu của Việt Nam và sự lên xuống của TTCK Mỹ. Chính vì bị tác động bởi 2 yếu tố này, mà điểm đáy sẽ xuất hiện khi TTCK thế giới phục hồi và xuất khẩu của Việt Nam tăng lên.
Như vậy, đến thời điểm hiện nay, dù thị trường có những phiên lên điểm, nhưng đáy của VN-Index vẫn chưa xuất hiện và cơ hội đầu tư chỉ dành cho NĐT dài hạn vào cổ phiếu của những công ty mà tiêu thụ chủ yếu là thị trường nội địa. Mặc dù ông Bạch dự đoán rằng, đến tháng 4 - 5, khả năng TTCK Việt Nam sẽ có sóng để NĐT lướt tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn, nhưng NĐT sẽ lướt thế nào khi phương thức thanh toán T+3 chỉ giải quyết gỡ gạc được những cổ phiếu tồn đọng đang ở mức giá cao.
Để giữ chân NĐT trong thời điểm hiện nay, các CTCK đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo với các chủ đề như: cơ hội đầu tư trong thời kỳ khủng hoảng, đầu tư vào đâu, đầu tư như thế nào? Tuy nhiên, những quan điểm được đề cập cũng chỉ để tham khảo, bởi xu hướng chung của NĐT hiện nay vẫn là tìm kiếm điểm đáy, điểm bật lại của thị trường để mua vào lướt sóng hoặc kiếm những cổ phiếu giá rẻ dưới mệnh giá để hưởng cổ tức cao hơn lãi suất ngân hàng. Nhiều NĐT cho biết, tìm kiếm cơ hội đầu tư hiện nay thật là khó. Cổ phiếu của những công ty tiềm năng, làm ăn có lãi như: VNM, FPT, ACB… thì giá vẫn cao so với mặt bằng chung. Cổ phiếu có giá trên dưới mệnh giá (10.000 đồng) thì chủ yếu là cổ phiếu nhỏ, tình hình kinh doanh bấp bênh.
Tổ chức đầu tư lớn “án binh bất động”
Những đợt phục hồi trước đây trên TTCK Việt Nam chủ yếu là do sự mua vào một cách chuyên nghiệp của các tổ chức đầu tư lớn. Nếu so sánh tình hình chung giữa đợt tuột dốc xuống còn 130,90 điểm (năm 2003) của VN-Index thì đợt giảm giá năm 2008 - đầu năm 2009 chứa đựng nhiều khó khăn hơn, mặc dù VN-Index hiện vẫn ở mức trên 245 điểm. Có thể mọi người cho rằng, như vậy là quá bi quan, nhưng trên thực tế thì tình hình năm 2003 có nhiều yếu tố thuận lợi hơn hiện nay.
Thứ nhất, xét về phân tích cơ bản. Hầu hết công ty niêm yết vào năm 2003 hoạt động kinh doanh bình thường. Hai đầu tàu REE, SAM đều có kết quả kinh doanh khá tốt, lợi nhuận dương. Tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng ổn định và tăng trưởng khá cao. Còn trong đợt rớt giá hiện nay, mặc dù có nhiều phân tích dự đoán về sự phục hồi sau cuộc khủng hoảng, nhưng không ai dám chắc sự phục hồi sẽ diễn ra trong năm nay hay trong thời điểm nào. Danh sách công ty niêm yết làm ăn thua lỗ ngày càng nhiều và trở thành chuyện bình thường trên thị trường.
Thứ hai, xét về yếu tố cung - cầu. Giá trị vốn hóa trước đây trên thị trường rất nhỏ, chỉ gần một chục cổ phiếu niêm yết, giá lại rất thấp. Vì vậy, chỉ cần một vài tác động của các tổ chức đầu tư lớn nước ngoài đến sức cầu là giá cổ phiếu có thể đảo chiều, đi lên mạnh mẽ, nhất là những cổ phiếu như REE, SAM, GMD... Hiện nay, quy mô thị trường lớn hơn rất nhiều, nên rất khó để tác động đến xu hướng giá. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm cho nhiều tổ chức đầu tư không thể huy động được thêm vốn hoặc phải bán ra cổ phiếu để thu vốn về. Hơn nữa, tổ chức đầu tư đều là những nhà đầu tư lâu dài, lợi nhuận chủ yếu từ sự tăng trưởng của các công ty, do đó họ còn nắm giữ một lượng cổ phiếu rất lớn, lượng tiền mặt không còn nhiều. Do thị trường rơi quá sâu, lại quá lâu, nên lượng thua lỗ của NĐT là rất lớn.
Để thị trường quay lại mức ngưỡng cũ đòi hỏi sự trợ sức của các tổ chức đầu tư lớn. Điều này lại phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới hiện nay. Vì vậy, để tránh “cơn bão” hiện nay, mỗi NĐT tự biết mình phải làm gì, bởi mỗi lĩnh vực đầu tư đều có cơ hội và rủi ro riêng của nó.