Khi lòng tin của cư dân đặt nhầm chỗ

(ĐTCK) Bầu ra ban quản trị để đại diện cho quyền lợi của mình, nhưng cư dân nhiều khu chung cư đã đặt niềm tin nhầm chỗ, hậu quả là họ phải đấu tranh với những người do chính mình bầu ra.
Bãi đỗ xe ngoài trời tại N3B. Ảnh: Thành Nguyễn Bãi đỗ xe ngoài trời tại N3B. Ảnh: Thành Nguyễn

Ban quản trị quay lưng với cư dân

Một vụ việc điển hình cho “sự chéo ngoe”, cư dân phải đấu tranh với chính ban quản trị do mình tín nhiệm bầu ra, đó là câu chuyện của các cư dân Dự án The Văn Phú Victoria (quận Hà Đông, Hà Nội).

Trong suốt một thời gian dài, hàng trăm hộ dân của khu chung cư này không biết số tiền quỹ bảo trì chung cư được sử dụng ra sao, vấn đề ô nhiễm nguồn nước kéo dài và không biết bao giờ được khắc phục.

“Quỹ bảo trì lên đến hơn 40 tỷ đồng và hàng loạt nguồn thu khác như bán vị trí quảng cáo, khai thác kinh doanh…, chúng tôi đều không được biết. Không biết Ban quản trị sử dụng ra sao?”, một cư dân bức xúc.

Theo các cư dân, mấy chục tỷ đồng tiền quỹ bảo trì là một số tiền lớn, cư dân mong muốn được biết Ban quản trị sử dụng số tiền này ra sao, gửi ở ngân hàng nào, vì nếu sử dụng tốt, nó sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cư dân.

Ngoài việc không công khai, minh bạch việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì, theo phản ánh của nhiều cư dân The Văn Phú Victoria, khu chung cư có 3 tòa nhà, do đó, nguồn thu từ việc khai thác quảng cáo, dịch vụ là không hề nhỏ. Tuy nhiên, những thông tin này chỉ có Ban quản trị nắm được, người dân hoàn toàn không được biết.

Chính sự mập mờ trong thu chi tài chính đã thổi bùng lên những mâu thuẫn tại chung cư này. Không những vậy, tình trạng ô nhiễm nguồn nước kéo dài đã khiến nhiều cư dân bức xúc.

Theo phản ánh của cư dân The Văn Phú Victoria, trong một thời gian dài, nguồn nước ở đây luôn bị ô nhiễm và chưa được khắc phục. Cụ thể, nước nhiều cặn bẩn, màu nước khi vàng, khi xanh, thậm chí, có hộ dân còn lo ngại bể ngầm chứa nước sinh hoạt bị ngấm nước từ bể phốt qua.

Phải sử dụng nước bẩn trong suốt một thời gian dài, nhưng khi người dân phản ánh đến Ban quản trị để tìm kiếm sự giúp đỡ, hỗ trợ thì lại chỉ nhận được sự bất hợp tác. Thậm chí, khi người dân muốn lấy mẫu nước đi làm xét nghiệm, thì lại bị chính Ban quản trị ngăn cản.

Đối đầu căng thẳng

Một trường hợp khác, các cư dân cũng đang cảm nhận được sự cay đắng từ lá phiếu bầu, lòng tin sơ ý trao nhầm chỗ, đó là dự án nhà tái định cư N3B (quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Theo phản ánh của các cư dân, đã nhiều năm nay, các cư dân của tòa N3B không thấy có các cuộc họp tổ dân phố, họp hội nghị nhà chung cư, các hoạt động thu chi, kinh phí bảo trì được sử dụng ra sao…, người dân đều không được biết.

Anh Tạ Công Thành, cư dân N3B bức xúc: “Việc quản lý, vận hành tòa nhà phải có sự đồng thuận của người dân. Chúng tôi bầu ra Ban quản trị là để phục vụ người dân, xây dựng nếp sống văn hóa khu chung cư. Đằng này, Ban quản trị lại phản bội lòng tin của người dân, tự tung tự tác, lựa chọn các đơn vị vận hành mà không thông qua hội nghị nhà chung cư. Chi tiêu thì không minh bạch, khiến cư dân rất bức xúc”.

Mâu thuẫn ở Chung cư N3B lên đến đỉnh điểm khi vào cuối tháng 5 vừa qua, Ban quản trị tự ý đưa doanh nghiệp ngoài vào tranh quyền vận hành, đuổi bảo vệ đương nhiệm. Sự việc chỉ tạm lắng xuống khi có sự can thiệp của cơ quan công an.

Tuy nhiên, sau sự việc chiếm quyền quản lý, vận hành tòa chung cư không thành, tình hình tại N3B tiếp tục căng thẳng. Sự việc tiếp tục bị đẩy lên cao trào khi mới đây, nhóm người lạ mặt liên tục xuất hiện, đe dọa và hành hung người dân.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, anh Trung Hiếu, chủ căn hộ 508, Chung cư N3B cho biết, đã gần nửa tháng nay, từ sau vụ chiếm quyền vận hành không thành, nhóm người lạ mặt thường xuyên xuất hiện tại chung cư. Họ mua đồ, tụ tập, tổ chức ăn uống ngay tại chung cư. Trong đó, có người còn mặc đồng phục bảo vệ, có người không và tự nhận quyền quản lý tòa nhà. Không những vậy, họ thường xuyên gây gổ, đe dọa và hành hung người dân, làm cư dân rất lo lắng.

“Mới đây, nhóm người này còn dùng xẻng đánh dân, hay hắt cả cốc nước ngọt vào mặt dân. Thậm chí, họ còn hành hung cả với cư dân là người khuyết tật, khiến các cư dân của tòa N3B rất hoang mang”, anh Hiếu bức xúc.

Câu chuyện ở N3B cũng là một điển hình về tranh chấp cư dân - ban quản trị. Vấn đề nổi cộm cũng lại là việc quản lý, sử dụng nguồn quỹ bảo trì. Đặc biệt, việc lựa chọn đơn vị quản lý vận hành tòa nhà.

Theo phản ánh của các cư dân N3B. Trước vụ việc hồi tháng 5, đã có 2 lần Ban quản trị chung cư tự ý lựa chọn đơn vị quản lý vận hành mà không hề thông qua hội nghị nhà chung cư. Cứ sau mỗi lần đề xuất không thành, Ban quản trị lại tìm kiếm một đối tác khác dù đơn vị vận hành hiện tại đang được nhiều người dân tín nhiệm.

Đã một thời gian dài, tại Chung cư N3B không hề diễn ra các cuộc họp, việc lựa chọn đơn vị vận hành, minh bạch thu chi không được thực hiện, bởi cả Ban quản trị và cư dân không tìm được tiếng nói chung. Người dân mong mỏi có hội nghị nhà chung cư để cất lên tiếng nói nhưng không được, Trưởng ban quản trị thì cáo ốm, vắng mặt thời gian dài, Phó ban quản trị, kiêm Tổ trưởng Tổ dân phố số 45 (phường Nhân Chính) thì không đối thoại và lẩn tránh người dân…

Ngoài ra, do là chung cư tái định cư xây dựng từ lâu, N3B không có hầm đỗ xe, nên phần lớn xe của người dân đều phải gửi ngoài sân, câu chuyện xung quanh việc giữ hay bỏ bãi đỗ xe cũng là một mối quan tâm lớn của người dân (hiện người dân đang được gửi xe ngoài các sân bãi, quanh khu chung cư).

Trước diễn biến căng thẳng tại N3B, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, bà Nguyễn Thị Nhung, Chủ tịch UBND phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) cho biết, các thông tin liên quan đến vụ việc Chung cư N3B đã được đưa lên trên cổng thông tin điện tử của phường Nhân Chính. Theo đó, phía phường Nhân Chính nhận định: Thời gian qua, tại tòa nhà N3B, Khu đô thị N, Trung Hòa - Nhân Chính phát sinh một số sự việc mất đoàn kết nội bộ giữa Ban quản trị, đơn vị quản lý mới với một số cư dân của tòa nhà trong quá trình tổ chức tiếp nhận bàn giao hạ tầng tầng 1 và xe máy của cư dân để phục vụ công tác quản lý vận hành nhà chung cư theo quy định; các mâu thuẫn trên, nguy cơ tiềm ẩn phát sinh điểm nóng về mất an ninh trật tự tại tòa nhà.

UBND phường Nhân Chính cũng đã yêu cầu Ban quản trị tổ chức hội nghị nhà chung cư để giải quyết các khúc mắc, mâu thuẫn tồn tại với một số cư dân. Khi chưa tổ chức họp để làm rõ mâu thuẫn, thông tin đến cư dân theo quy định của pháp luật, đề nghị tạm dừng việc bàn giao phần tầng 1, xe máy cư dân và phần diện tích chung riêng trong tòa nhà. Giao Công an phường tăng cường nắm bắt tình hình để đảm bảo an ninh trật tự tòa nhà, kịp thời báo cáo lãnh đạo phường khi có sự việc xảy ra.

Tranh chấp cư dân - ban quản trị xảy ra chủ yếu quanh vấn đề quản lý, sử dụng quỹ bảo trì, lựa chọn đơn vị quản lý, vận hành tòa nhà. Ít nhiều nguồn cơn đều đến từ sự thiếu chủ động chia sẻ thông tin của các ban quản trị. Đây có lẽ cũng là bài học kinh nghiệm mà các ban quản trị cần nhìn nhận và có cách ứng xử phù hợp, nhất là khi đã lựa chọn phụng sự cộng đồng, nhận được sự tín nhiệm của người dân.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Thành Nguyễn
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục