Theo ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Thống kê Nông, lâm nghiệp và thủy sản (Tổng cục Thống kê), khu vực nông nghiệp đang khẳng định vai trò bệ đỡ của nền kinh tế mỗi khi gặp khó khăn.
Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư đang tác động mạnh tới nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, tăng trưởng của khu vực nông nghiệp 6 tháng đầu năm có đạt được mục tiêu đặt ra không, thưa ông?
Ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Thống kê Nông, lâm nghiệp và thủy sản (Tổng cục Thống kê) |
Tăng trưởng của khu vực nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 3%, thấp hơn 0,34 điểm phần trăm so với chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và thấp hơn 0,46 điểm phần trăm so với kịch bản được cập nhật vào đầu quý II/2021.
Nhưng tôi cho rằng, kết quả này là rất ấn tượng. Bởi, bối cảnh Nghị quyết số 01/NQ-CP đặt ra là về cơ bản, thế giới kiểm soát và đẩy lùi được Covid-19; còn khi cập nhật kịch bản tăng trưởng vào đầu tháng 4/2021, Việt Nam đã khống chế được làn sóng Covid-19 lần thứ ba và chưa lường trước được làn sóng Covid-19 lần thứ tư ập đến với mức tàn phá vô cùng nặng nề.
Đạt được tốc độ tăng trưởng 3% trong 6 tháng đầu năm nay, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 (tăng 2,54%), khu vực nông nghiệp đã đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung của cả nền kinh tế (dự kiến đạt 5,8%).
Nông nghiệp Việt Nam đang hướng tới phát triển bền vững, song trên thực tế, sản xuất nông nghiệp vẫn trông cậy khá nhiều vào “mưa thuận, gió hòa” và phụ thuộc vào thị trường thế giới. Ông có thể phân tích rõ hơn về vai trò và những đóng góp của ngành nông nghiệp đối với nền kinh tế?
Thiên nhiên, khí hậu biến đổi thất thường và ngày càng cực đoan, nên sản xuất nông nghiệp đang từng bước được cơ cấu lại để thích ứng. Ví dụ, để thích ứng với tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán, chúng ta đã thu hẹp diện tích trồng lúa, đi cùng với tăng năng suất; đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả và hoạt động chăn nuôi… Vì thế, mặc dù diện tích trồng lúa giảm liên tục, nhưng sản lượng lương thực không chỉ tăng đều hàng năm, mà còn gia tăng sản lượng lương thực chất lượng cao phục vụ hoạt động xuất khẩu…
Ngành nông nghiệp đang thực hiện tái cơ cấu sản xuất bằng việc giảm nuôi trồng các loại sản phẩm có giá trị thấp, tập trung vào các loại sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường thế giới. Đặc biệt, mấy năm gần đây, mặt hàng rau quả của Việt Nam đã và đang chinh phục thị trường thế giới. Mùa vải năm nay đã chứng minh rất rõ điều này.
Chúng ta đang tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ; từng bước chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Thủy sản phát triển bền vững hơn cả về nuôi trồng và khai thác; điều chỉnh cơ cấu nuôi hợp lý, phát triển các vùng nuôi tôm, cá tập trung, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường; phát triển đánh bắt phù hợp, gắn với công nghệ khai thác, bảo quản, chế biến hiện đại. Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản phát triển nhanh cùng với ứng dụng công nghệ mới để giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản liên tục tăng, thị trường tiêu thụ được mở rộng, đặc biệt là sản phẩm rau quả. 6 tháng đầu năm nay, dự kiến kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt khoảng 2,1 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020.
Như vậy, khu vực nông nghiệp không hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường thế giới cũng như thiên nhiên, thời tiết, thay vào đó, đã chủ động thích ứng để đóng góp ngày càng nhiều hơn vào GDP và khẳng định vai trò bệ đỡ mỗi khi nền kinh tế gặp khó khăn.
Hiện nay, khi mà giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trên thị trường thế giới tăng cao, gây áp lực rất lớn đến mặt bằng giá cả trong nước, nếu các mặt hàng nông nghiệp chủ đạo như gạo, thịt lợn, thịt gia cầm, thủy hải sản không giảm, sẽ gây áp lực rất lớn đến chỉ số giá tiêu dùng, tác động mạnh đến đời sống của người dân cũng như hoạt động sản xuất - kinh doanh của cả nền kinh tế.
Nhưng sản xuất nông nghiệp cũng đang chịu áp lực rất lớn, do giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, khiến giá thành tăng và làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường, thưa ông?
Chính vì vậy, chúng tôi đã đề xuất kiểm soát và bình ổn giá thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm và thủy sản. Cụ thể, các cơ quan hữu quan cần khẩn trương rà soát và điều chỉnh thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng đối với nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi; khuyến khích doanh nghiệp nội địa tham gia thị trường sản xuất thức ăn chăn nuôi để giảm độc quyền và hành động “làm giá” của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo tôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan vào cuộc thanh tra, kiểm tra và kiểm toán về hạch toán giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi và tỷ lệ lợi nhuận. Phải xác định xem yếu tố nào là nguyên nhân chính khiến giá thành thức ăn chăn nuôi cao, qua đó xem xét việc áp giá trần và xác định mức giá trần đối với giá thức ăn chăn nuôi; kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá và niêm yết giá của các công ty chế biến thức ăn chăn nuôi và các cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi, do thức ăn chăn nuôi thuộc Danh mục mặt hàng bắt buộc kê khai giá theo Nghị định số 177/2013/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, cần xem xét việc đưa nhóm hàng “thức ăn chăn nuôi” vào danh sách các mặt hàng bình ổn giá thay cho nhóm sản phẩm “thuốc bảo vệ thực vật”.