Khi “khủng long” dầu khí chuyển mình

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các công ty dầu khí quốc gia (NOC) đang bước vào quá trình chuyển đổi năng lượng và đây là một trong những lý do tạo nên cú sốc giá dầu từ năm 2021 tới nay.
Việc giảm đầu tư thăm dò, khai thác mới là một trong những nguyên nhân quan trọng đẩy giá dầu lên cao. Việc giảm đầu tư thăm dò, khai thác mới là một trong những nguyên nhân quan trọng đẩy giá dầu lên cao.

Các công ty dầu khí quốc gia thường được ví như những con khủng long, với kích thước to lớn, di chuyển chậm chạp và không có khả năng tiến hóa. Thậm chí, nhiều người còn tin rằng, các công ty này sẽ bỏ qua quá trình chuyển đổi năng lượng hoặc tham gia muộn vào tiến trình này.

Tuy nhiên, một số công ty, nhất là các công ty có sản lượng khai thác giảm và trữ lượng thu hồi nhỏ hơn đang có kế hoạch trở thành nhà cung cấp năng lượng đa dạng. Hai công ty có kế hoạch chuyển đổi đầy tham vọng là Ecopetrol (Colombia) và Petronas (Malaysia).

Ecopetrol đẩy mạnh điện năng lượng tái tạo

Ecopetrol có chương trình chuyển đổi tham vọng nhất trong số các NOC ở khu vực Mỹ Latinh. Các mục tiêu chuyển đổi năng lượng của Ecopetrol được liên kết với các mục tiêu khí hậu quốc gia.

Theo kịch bản kinh doanh thông thường, Colombia đặt mục tiêu giảm phát thải nhà kính 51% vào năm 2030. Chính phủ nước này muốn mở rộng sang lĩnh vực năng lượng tái tạo (không bao gồm thủy điện) lên 12% công suất phát điện vào cuối năm nay. Ecopetrol hiện được giao nhiệm vụ để đạt mục tiêu trên.

Động lực thứ ba cho chiến lược chuyển đổi của công ty này là áp lực của nhà đầu tư đại chúng. Các nhà đầu tư trong nước muốn hãng tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi và bảo vệ cơ sở doanh thu của mình, song họ cũng yêu cầu

Ecopetrol áp dụng các mục tiêu khí hậu tham vọng hơn.

Vào tháng 3/2021, Ecopetrol là NOC đầu tiên ở khu vực Mỹ Latinh đặt ra mục tiêu không phát thải ròng carbon.

Theo đó, Công ty đặt mục tiêu cắt giảm 25% lượng khí thải trong phạm vi 1 và 2 vào năm 2030 so với mức của năm 2019; đạt mức độ trung hòa carbon cho phạm vi 1 và 2 vào năm 2050. Ecopetrol là một trong số ít NOC có mục tiêu phát thải phạm vi 3 (Scope 3 emissions).

Hãng đặt mục tiêu cắt giảm một nửa lượng phát thải trong phạm vi 1, 2, 3 vào năm 2050.

Ngoài ra, hãng còn có kế hoạch loại bỏ tình trạng bùng phát khí đốt thường xuyên vào năm 2030, thực hiện các chương trình phát hiện và sửa chữa rò rỉ để cắt giảm khí thải metan, đồng thời tìm cách tiết kiệm năng lượng hơn trong các hoạt động của mình.

Công ty có kế hoạch bổ sung từ 400 - 500 MW công suất năng lượng tái tạo vào năm 2024, chủ yếu từ các dự án năng lượng mặt trời. Hãng cũng đặt mục tiêu phân bổ từ 7 - 8% chi tiêu cho năng lượng carbon thấp trong giai đoạn 2022 - 2024. Ecopetrol cũng dành sự quan tâm đến năng lượng địa nhiệt và năng lượng gió, cũng như sản xuất hydro “xanh”.

Năm 2021, Ecopetrol đã mua lại 51,4% cổ phần công ty truyền tải điện Interconexion Electrica SA (ISA) với giá 3,7 tỷ USD. ISA điều hành các tài sản truyền dẫn (cũng như đường dây viễn thông) ở 4 quốc gia, bao gồm Colombia, Peru, Brazil và Chile, mở ra khả năng truyền tải xuyên biên giới nhiều hơn và giúp quá trình tích hợp năng lượng tái tạo ở Colombia diễn ra suôn sẻ.

Chiến lược chuyển đổi của Ecopetrol dường như đã phát huy hết thế mạnh của mình và chủ động hơn so với các công ty dầu khí nhà nước khác trong khu vực. Nhưng chiến lược cũng kéo giãn nguồn lực của công ty dầu khí quốc gia của Colombia.

Petronas theo đuổi mục tiêu Net-Zero

Petronas là công ty dầu khí quốc gia đầu tiên ở khu vực châu Á công bố mục tiêu không phát thải ròng carbon phạm vi 1 và công ty dầu khí này cũng ngày càng quan tâm đến lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Là một công ty hoàn toàn thuộc sở hữu nhà nước, Petronas không phải đối mặt với áp lực liên quan đến khí hậu từ các nhà đầu tư tư nhân, song nguồn tài nguyên hạn chế và những thách thức dài hạn đối với khí đốt đã thúc đẩy công ty thay đổi chiến lược.

Theo đó, hãng đặt mục tiêu giảm cường độ phát thải để vẫn duy trì vị thế là nhà cung cấp LNG cạnh tranh, vừa đa dạng hóa cơ sở doanh thu bằng cách chuyển sang năng lượng tái tạo và hydro.

Giống như Ecopetrol, Petronas cũng dựa vào các biện pháp giảm sự bùng phát khí đốt, rò rỉ khí metan và cách sử dụng năng lượng hiệu quả để giảm cường độ phát thải. Petronas cũng đã chia sẻ ý tưởng về quản lý phát thải khí metan với các NOC khác ở khu vực Đông Nam Á.

Là một nhà sản xuất LNG quan trọng, Petronas đặt mục tiêu cắt giảm lượng khí thải từ các cơ sở hóa lỏng. Dự án LNG Canada (nơi Petronas nắm giữ 25% cổ phần) sẽ được cung cấp nguồn thủy điện sạch và Petronas đang tìm hiểu các phương án để cung cấp thủy điện cho dự án phức hợp Bintulu LNG ở Malaysia.

Vào năm 2018, Petronas đã thành lập một đơn vị kinh doanh khí và năng lượng mới để mở rộng sang lĩnh vực năng lượng tái tạo và thu gom, lưu trữ, tái sử dụng carbon.

Hãng đã mua lại công ty Ấn Độ Amplus Energy Solutions (chuyên cung cấp các giải pháp lưu trữ pin và năng lượng mặt trời) vào năm 2019. Petronas đặt mục tiêu nâng công suất năng lượng tái tạo lên 3.000 MW vào năm 2024 (từ 762 MW công suất hiện tại).

Hãng đang lên kế hoạch phát triển hydro, khám phá tiềm năng cho các dự án hydro và amoniac “xanh” ở Malaysia và phát triển hydro “xanh” ở Canada. Năm ngoái, NOC này thông báo sẽ phân bổ 9% chi phí đầu tư cho năng lượng tái tạo trong giai đoạn 2021 - 2025.

Đây là những bước đầu cho kế hoạch chuyển đổi của Petronas. Hãng có một số công ty con được niêm yết và đòi hỏi phải dịch chuyển theo xu hướng của ngành. Những điều này cũng cho thấy rằng, các công ty hoàn toàn thuộc sở hữu nhà nước có thể áp dụng các chiến lược chủ động.

Tác động đến thị trường năng lượng thế giới

Câu chuyện của Ecopetrol và Petronas cũng cho thấy sự phức tạp của quá trình chuyển đổi năng lượng đối với các công ty nhà nước. NOC là những tổ chức độc nhất, vai trò và trách nhiệm của họ có thể khác nhau, nhưng hầu hết đều có nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên đất nước, mang lại doanh thu cho ngân sách, bảo vệ an ninh năng lượng và cung cấp đầu vào để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Quá trình chuyển đổi lâu dài khỏi nhiên liệu hóa thạch sẽ làm phức tạp tất cả các nhiệm vụ này.

Cuối năm 2021, các chuyên gia từ Deloitte và Reuters Events đã thăm dò ý kiến của 2.800 doanh nhân trên thế giới để tìm hiểu thái độ của họ đối với quá trình chuyển đổi năng lượng và sự sẵn sàng của các công ty trong việc giảm lượng khí thải CO2. Đại diện của các công ty công nghiệp, bao gồm cả lãnh đạo cao nhất, cũng như các nhà phân tích và tư vấn khí hậu đã tham gia của cuộc khảo sát trên.

Giới chuyên gia đánh giá, ngày càng có nhiều công ty tuân thủ chính sách khử carbon trong năm 2022. Sự đồng thuận ngày càng tăng của giới khoa học về thực trạng ấm lên toàn cầu, cùng với những dấu hiệu rõ ràng của biến đổi khí hậu đã thúc đẩy hành động giảm phát thải.

Các chuyên gia đi đến kết luận rằng, các nhà máy điện gió và điện mặt trời cùng với hệ thống lưu trữ năng lượng sẽ giúp khử 90% carbon trong ngành công nghiệp điện.

Tuy vậy, sự tăng trưởng nhanh chóng về nhu cầu đối với các nguồn năng lượng trên thị trường thế giới và những cú sốc về giá vào năm 2021, giá khí đốt giao ngay tại thị trường EU trong tháng 12/2021 đã lên tới 2.200 USD/1.000 m3 chứng tỏ rằng, quá trình chuyển đổi năng lượng đang diễn ra với chi phí năng lượng tăng lên.

Trong tình hình như vậy, không thể dựa vào các nguồn năng lượng tái tạo để thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch, nếu không duy trì các hợp đồng cung cấp dài hạn nhiên liệu truyền thống.

Minh Đức (PVN)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục