Kết quả trên không gây ngạc nhiên khi DTA nằm trong số đông DN rơi vào cảnh ế ẩm phát hành thêm, vì đợt phát hành không may diễn ra lúc thị trường ảm đạm. Đợt phát hành không thành tại DTA (dù được gia hạn đăng ký và nộp tiền mua cổ phiếu lần 2) khiến HĐQT DN này lại phải ra thêm một nghị quyết về việc hủy đợt phát hành và quyết định hoàn trả lại 1 triệu đồng cho nhà đầu tư đã đặt mua 100 cổ phiếu DTA (dù NĐT 100 này sẵn sàng mua). Mặc dù vậy, DTA cũng thông báo, đợi đến khi thị trường thuận lợi sẽ trình ĐHCĐ phương án phát hành mới.
Với động thái kể trên của Ban lãnh đạo DTA, có người hài hước cho rằng, công ty này có thể được xem là DN niêm yết đầu tiên trong lịch sử HOSE chỉ ưa bán sỉ, không thèm bán lẻ. Và chắc hẳn, nhà đầu tư mua lẻ ở trên khó có thể là ông chủ tịch hay bất kỳ ai trong Ban lãnh đạo Công ty. Điều gây thắc mắc là khi đã thông qua phương án phát hành, tại sao không có một thành viên nào trong Ban lãnh đạo DTA đăng ký mua cổ phiếu phát hành thêm? Cổ đông nội bộ còn không mua thì cổ đông nào dám mua? Với các nhà đầu tư bên ngoài, có thể dễ dàng lý giải động thái thờ ơ này do giá DTA trên sàn hiện chỉ ở mức 6.000 đồng/CP, còn trong khoảng trước và sau ngày chốt quyền đến nay cũng chỉ quanh quẩn mức mệnh giá, trong khi giá cổ phiếu phát hành thêm bằng mệnh giá.
Thực tế diễn biến phát hành thêm tại một số DN niêm yết cho thấy, khi DN gặp khó khăn trong việc phát hành, nhiều cổ đông nội bộ đã ra tay can thiệp để đợt phát hành thành công. Chẳng hạn, cách đây hơn nửa tháng, tại CTCP Licogi 16.6 (LCS), trong tổng số 3,9 triệu cổ phiếu chào bán; số lượng cổ phiếu mà cổ đông đã mua chỉ là 1.047 đơn vị, số lượng cổ phiếu lẻ mà cổ đông từ chối mua lên tới 3.898.953 đơn vị. Tuy nhiên, cổ đông nội bộ là công ty mẹ Licogi 16 (LCG) đã “ôm” gần 1,9 triệu cổ phiếu LCS không phân phối hết với giá 12.500 đồng/CP. Điều đáng nói là giá cổ phiếu LCG mua trong đợt phân phối này cao hơn thị giá 19,05% (tại phiên giao dịch ngày 1/7/2011, LCS có giá bình quân 10.500 đồng/CP). Nhờ đó, đợt phát hành đã kết thúc dù không thành công như kế hoạch nhưng cũng không đến nỗi phải hủy bỏ.
Tương tự, một DN niêm yết hoạt động trong lĩnh vực vận tải, cũng để hướng tới một đợt phát hành thêm thành công mà cổ đông nội bộ, ngoài việc mua hết số cổ phiếu phát hành thêm, còn tận dụng các mối quan hệ hiện có để thuyết phục đối tác mua hết số cổ phiếu trong đợt phát hành tăng vốn từ 390 tỷ đồng lên gần 440 tỷ đồng.
Có thể thấy, trong những thời điểm thị trường suy thoái, các đợt phát hành thêm để huy động vốn rất dễ thất bại nếu DN không hiểu tình hình thực tế (đặt giá phát hành cao hơn mệnh giá) và cổ đông nội bộ không tin tưởng vào tiềm lực của chính đơn vị mình.