Khi doanh nghiệp "ngại" lên báo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong điều kiện bình thường, việc khai thác thông tin trên thị trường bất động sản vốn chẳng dễ dàng, thì nay càng trở nên vất vả hơn khi thị trường gặp khó.
Báo chí với các doanh nghiệp là mối quan hệ cùng phát triển. Báo chí với các doanh nghiệp là mối quan hệ cùng phát triển.

Từ đầu năm 2022 tới nay, thị trường bất động sản rơi vào cảnh trầm lắng khi doanh nghiệp thiếu vốn, dự án tắc pháp lý, còn người mua “ôm” tiền chờ tín hiệu khởi sắc hơn. Khó khăn kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm mạnh nhân sự, thậm chí tạm thời đóng cửa để nghe ngóng tình hình.

Khó khăn là thế, song không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng chia sẻ câu chuyện của mình ra công chúng, nếu có thì cũng chỉ là những thông tin rất chung chung. Cũng dễ hiểu cho tâm lý “tốt khoe, xấu che” này, bởi chẳng ai muốn nói cho cả thiên hạ biết là mình đang gặp khó khăn, kinh doanh thua lỗ, thay vào đó phải luôn thể hiện doanh nghiệp đang kinh doanh bình thường nhằm “lấy điểm” với khách hàng, đối tác.

Bởi vì lý do tế nhị ấy mà lãnh đạo nhiều doanh nghiệp ngại tiếp xúc với báo giới, trong trường hợp bất đắc dĩ phải trả lời phỏng vấn thì cũng không quên nhắc: “Doanh nghiệp chia sẻ để báo chí nắm thông tin, chứ đừng đưa tên cụ thể doanh nghiệp vào nhé”.

Không chỉ các thành viên thị trường, việc tiếp cận nguồn tin từ các cơ quan chức năng cũng gian nan hơn, bởi tâm lý cán bộ ngại tiếp xúc với báo chí khá phổ biến ở nhiều bộ ngành, địa phương, đặc biệt trong bối cảnh thị trường biến động khó lường như hiện nay, dẫn đến việc báo chí gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn thông tin chính thống. Song, dưới áp lực thường xuyên có bài cập nhật về tình hình thị trường, về doanh nghiệp, dự án, cũng là trách nhiệm công việc, người viết phải linh động và khéo léo tiếp cận để có thông tin viết bài.

Còn nhớ cách đây không lâu, giám đốc truyền thông một tập đoàn bất động sản lớn gọi điện “trách” người viết, bởi những chia sẻ về tình hình dự án của doanh nghiệp chỉ là “câu chuyện” giữa hai anh em, không muốn xuất hiện trên mặt báo vì bất lợi cho doanh nghiệp, dù thông tin ấy không sai.

Không khó hiểu khi các doanh nghiệp thường giữ tâm lý “phòng thủ” với báo chí. Bởi hiện nay, bên cạnh đồng hành và chia sẻ với doanh nghiệp, cũng có một số cơ quan báo chí, phóng viên, nhà báo chỉ “bới lông tìm vết”, tìm mọi cách “soi” lỗi của doanh nghiệp để viết bài, gây áp lực. Thậm chí, có trường hợp doanh nghiệp không vi phạm, nhưng qua cách viết lập lờ, thiếu rõ ràng có chủ đích của phóng viên, nhà báo để gây nghi ngờ cho công chúng về doanh nghiệp.

Chưa kể, còn có một số nhóm phóng viên, nhà báo thường xuyên chia sẻ các thông tin tiêu cực của doanh nghiệp rồi tìm đến liên hệ viết bài. Nếu doanh nghiệp “biết điều” thì được “bỏ qua”, ngược lại các thông tin xấu về doanh nghiệp sẽ tràn ngập mặt báo. Nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách để gặp gỡ “nhờ” các phóng viên không lên bài, nhưng khi “xử lý” xong phóng viên báo này thì ngay lập tức cả loạt phóng viên các cơ quan báo chí khác tìm đến khiến lãnh đạo doanh nghiệp rất mệt mỏi.

“Trong quá trình kinh doanh, việc doanh nghiệp đôi lúc mắc sai sót là khó tránh. Nhiều phóng viên, nhà báo khi biết về vụ việc có liên hệ và sau khi nghe giải thích đã chia sẻ với doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng có trường hợp tìm đến không phải trên tinh thần lắng nghe, chia sẻ, mà là để bới lông tìm vết. Điều này dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp rất ngại, thậm chí là sợ báo chí”, người từng phụ trách truyền thông cho một doanh nghiệp địa ốc đầu ngành chia sẻ.

Dẫu có lúc “cơm không lành, canh chẳng ngọt”, nhưng báo chí với doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh. Báo chí tiên phong trong lĩnh vực thông tin - văn hóa, doanh nghiệp tiên phong trên mặt trận kinh tế. Do đó, dễ hiểu việc báo chí tập trung phản ánh tình hình hoạt động của doanh nghiệp và ngược lại. Không chỉ vậy, báo chí còn là “cánh chim báo tin vui” khi doanh nghiệp đạt được thành tựu, là nơi chia sẻ khi doanh nghiệp gặp khó khăn, cũng là nơi “đánh trống kêu oan” mỗi khi doanh nghiệp gặp oan sai.

Việt Dũng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục