Vì sao là bò Úc?
Giai đoạn 2012 - 2013, do thiếu nguồn cung bò thịt, giá thịt bò tăng từng ngày. Xuất hiện nhiều hiện tượng gian lận như bơm nước vào thịt bò gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Trước tình hình đó, để ổn định thị trường và đảm bảo nguồn thịt bò ổn định, có chất lượng cung cấp ra thị trường, Vissan đã nhập khẩu bò Úc thông qua Công ty Kết Phát Thịnh về bán thử nghiệm.
Quyết định của Vissan khi đó làm các đối tác cung cấp nguồn hàng trước đó phản ứng rất quyết liệt. Ông Mười nhớ lại: “Có dư luận còn cho rằng, Vissan không ủng hộ bà con nông dân chăn nuôi bò khi để bò ngoại lấn át bò nội. Nhưng thực tế là chăn nuôi bò trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng phát triển”.
Theo thống kê, mỗi ngày thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 4.000 con bò, riêng ở TP. HCM là 600 con bò. Trước đây, các nguồn bò cung cấp ra thị trường được xem là nội địa nhưng thực tế chủ yếu là bò nhập qua biên giới với Lào, Campuchia, Thái Lan…
Tổng đàn bò trong nước khoảng 6 triệu con, nhưng giống bò năng suất thấp, bò thịt chỉ nặng khoảng 250 kg/con so với mức 500 kg/con bò nhập, không đủ đáp ứng tiêu thụ trong nước. Nhìn lại lịch sử, thời Pháp thuộc, dựa trên điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, Pháp đã phân chia Lào và Campuchia nuôi bò, còn Việt Nam phát triển đàn heo. Yếu tố lịch sử này lý giải phần nào vì sao chăn nuôi bò ở Việt Nam không phát triển. Trên thực tế thì nước ta bị hạn chế điều kiện chăn nuôi gia súc lớn như đồng cỏ rộng và nguồn thức ăn tự nhiên.
Kể từ tháng 9 năm 2013 đến nay, Vissan sử dụng hoàn toàn bò Úc để bán trên thị trường. Lý do theo ông Mười vì bò Úc có xuất xứ rõ ràng, được Hiệp hội Xuất khẩu bò của Úc quản lý rất chặt về điều kiện nhập khẩu, chuồng trại, giết mổ phải tuân theo quy chuẩn ESCAS (Exporter Supply chain Assurance system - Hệ thống xuất khẩu theo chuỗi đảm bảo).
“Ông có bao nhiêu tôi mua hết”
Kể từ khi HAGL công bố kế hoạch nuôi bò cùng con số lợi nhuận dự kiến khủng từ bò, dư luận vẫn còn bán tín bán nghi. Còn ông Mười thì cho biết, với tổng đàn 116.000 con bò thịt mà HAGL định nuôi cũng chỉ đủ cung cấp cho Vissan mỗi ngày 50 con bò thương phẩm. Đấy là nuôi theo quy trình nhập bò trưởng thành về vỗ béo, xuất chuồng. Còn nếu phát triển bò từ con giống thì số lượng bò thương phẩm cung cấp còn ít hơn.
Ông Mười kể lại: “Lần đầu tiên gặp ông Đức, tôi nói, ông biết gì về bò mà làm. Nếu ông có bò tôi mua hết. Trước tiên tôi mua của người Việt chăn nuôi bò, nếu nuôi bò mang lại lợi ích kinh tế cho người nuôi và thị trường có nguồn bò giá rẻ hơn nhập khẩu thì tôi tin là không có ai phản đối việc này”.
Ông Văn Đức Mười
Để kiểm chứng khả năng nuôi bò của HAGL, ông Mười đã làm một chuyến khảo sát tại Lào trước khi quyết định tổ chức họp báo để công bố kế hoạch hợp tác với HAGL tiêu thụ bò thịt.
Ông Mười thực sự bị thuyết phục khi chứng kiến khu đất chuyên canh rộng hàng chục nghìn héc-ta trồng cao su, mía đường, ngô của HAGL tại Lào và khu đất trống để chuẩn bị trồng cỏ nuôi bò cũng như chuồng trại đang được xây dựng. “Tôi rất thán phục những gì ông Đức làm và tôi cho rằng, HAGL hay doanh nghiệp Việt Nam nào phát triển được đàn bò đều xứng đáng được xã hội tôn vinh”, ông Mười chia sẻ.
Trong buổi lễ ký kết hợp tác giữa Vissan và HAGL, ông Mười phát biểu: “HAGL là tên tuổi mới trong ngành chăn nuôi nhưng đó cũng là một đơn vị có tiềm năng đầu tư về cả vốn, kỹ thuật và cả một khát vọng cho chương trình tạo sản phẩm cho mình bằng chính lợi thế của mình có. Chúng ta có quyền mong đợi một sự thành công sẽ đến trong tương lai, có ý nghĩa dẫn đường cho một ngành chăn nuôi công nghiệp về bò chất lượng cao, giống mới tiên tiến. Nó không chỉ dành riêng cho HAGL mà nó còn là sự mở lối cho nhiều nhà đầu tư cùng nâng cao sản lượng bò thịt cho Việt Nam, ngay tại đất nước Việt Nam cũng như các vùng thổ nhưỡng thích hợp lân cận”.
Theo kế hoạch đến tháng 6 sang năm, thịt bò “made by HAGL” sẽ có mặt trên thị trường thông qua Vissan. Được biết, Đức Long Gia Lai đã tiếp xúc với Vissan để bàn chuyện hợp tác tiêu thụ bò nhưng hai bên chưa có ghi nhớ chính thức nào. Nhưng ông Mười nhấn mạnh, Vissan sẵn sàng hợp tác với bất kỳ nhà cung cấp nào vì lợi ích của người tiêu dùng.
Vài nét về thị trường thịt bò ở Việt Nam
Nền kinh tế phát triển, nhu cầu tiêu thụ thịt bò ở Việt Nam ngày càng tăng cao, trong khi nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng nên giá thịt bò tăng nhanh so với giá thịt heo (lợn) mặc dù thịt heo được tiêu thụ gấp nhiều lần thịt bò. Năm 1980, thịt bò giá bằng 1/2 thịt heo; năm 1990, thịt bò bằng giá thịt heo và năm 2000, thịt bò giá gấp đôi thịt heo, năm 2010, bằng 3,5 lần giá thịt heo.
Tập quán tiêu thụ thịt bò của người Việt Nam là tiêu thụ thịt nóng. Thịt từ các lò mổ được đưa ra chợ tiêu thụ trong ngày. Người tiêu dùng ít quan tâm đến thương vị của thịt bò.
Trong khi đó ở các nước như Úc, Mỹ là thị trường nhập khẩu bò chính của Việt Nam thì thịt bò được xử lý bằng công nghệ ủ Agein để bò chín sinh hóa, đạt được độ mềm. Theo công nghệ này thì thịt bò phải được bảo quản ở nhiệt độ 6 độ dương từ 14 đến 21 ngày trước khi sử dụng.
Theo Viet Nam Red Meat Report do Meat & Livestock Australia (MLA) thực hiện, tiêu thụ thịt đỏ ở Việt Nam tăng nhanh trong 10 năm qua và nhu cầu tiếp tục tăng mạnh trong 5 năm tới. Năm 2013, Úc xuất khẩu gần 67.000 đầu gia súc cho Việt Nam. Con số nhập khẩu từ biên giới Thái Lào, Campuchia, Thái Lan chính thức và không chính thức thay đổi tùy theo nguồn cung cấp từ 300.000 đến 1 triệu con. Nhu cầu thịt bò nhập khẩu sẽ tăng lên khi các nhà hàng trung cấp theo phong cách châu Âu , Nhật Bản và Hàn Quốc mọc lên ở các thành phố lớn.
Từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2014, Úc xuất khẩu 44.217 đầu gia súc vào Việt Nam là con số kỷ lục theo quý. Còn Mỹ xuất khẩu 662.000 tấn thịt bò vào Việt Nam, giảm 71% so với cùng kỳ năm trước và có xu hướng giảm vì phù hợp với phân khúc cao cấp hơn.
Về giá cả, hiện thịt bò Úc do Vissan nhập và thực hiện giết mổ bán trên thị trường cao hơn bò bình thường (hay còn gọi là bò có nguồn gốc nội địa) khoảng 5%. Giá thịt bò nhập khẩu ổn định trong khi giá thịt bò nội địa thường tăng đáng kể vào dịp Tết.
Quy trình giết mổ, bảo quản thịt bò sau chế biến ở trong nước còn giản đơn. Đã đến lúc Việt Nam cần có các quy định về điều kiện cho các điểm bán lẻ thịt bò như phải có tủ mát bảo quản, giống như một số nước có tập quán tiêu thụ thịt nóng giống như Việt Nam.