Khi cổ đông chỉ nhắm đến... phong bì

(ĐTCK) Bên lề hoạt động chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng, hoặc thoái bớt vốn nhà nước đang diễn ra sôi động tại các tập đoàn, tổng công ty, có những chiêu thức kiếm tiền mới của một số nhà đầu tư cá nhân, có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Khi cổ đông chỉ nhắm đến... phong bì

Theo tiết lộ của giới tư vấn cổ phần hóa, thoái vốn ở các công ty chứng khoán, thường đối tượng nhà đầu tư này “canh” thông tin về IPO, thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để tham gia đấu giá, mỗi nhà đầu tư chỉ đăng ký mua chừng 100 cổ phiếu. Nếu nhắm thấy đợt đấu giá có nhiều nhà đầu tư đăng ký tham gia và khối lượng cổ phần đặt mua vượt xa khối lượng chào bán, họ bỏ giá cao hơn giá khởi điểm đáng kể để chắc trúng giá. Trong tình huống ngược lại, họ chỉ bỏ giá bằng đúng mức giá khởi điểm.

“Những tưởng với mức giá trúng cỡ 20.000 đồng/cổ phiếu là cao, nhưng chỉ cần mua được khoảng 100 cổ phiếu để có quyền đi họp đại hội cổ đông hàng năm, họ có cơ hội được nhận bao thư (cơm khách) thì đã lãi lớn. Nhận được 500.000 đồng/lần họp, hàng năm họ lãi tới 25%, còn nhận được 200.000 đồng/lần họp, thì cũng lãi tới 10%...”, Tổng giám đốc một công ty chứng khoán thuật lại “kế sách” của một nhóm nhà đầu tư đang áp dụng.

Với chiêu trên, nhà đầu tư chẳng có tâm ý góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp để cùng phát triển sản xuất - kinh doanh, mà chỉ nhắm đến… cái phong bì.

Đó là chưa kể, khi có nhiều cổ đông tham gia mua số lượng cổ phiếu nhỏ như vậy, doanh nghiệp có thể có trên 100 cổ đông và theo quy định hiện hành, công ty phải đăng ký và tuân thủ các nghĩa vụ là công ty đại chúng, phải thực thi nghĩa vụ minh bạch thông tin. Có những doanh nghiệp né tránh trở thành công ty đại chúng bằng cách giảm số lượng cổ đông dưới 100 người. Nắm được điều này, khi doanh nghiệp có số lượng cổ đông trên 100 người và muốn quay trở lại không phải là công ty đại chúng, các đội nhà đầu tư “lắm chiêu” trên đã gây sức ép bán cổ phiếu giá cao cho công ty, để thêm một kiểu thu lợi nữa.

Dĩ nhiên, nếu ban lãnh đạo doanh nghiệp làm ăn minh bạch, đàng hoàng thì không dễ có “đất” cho các chiêu thức trên “dụng võ”.

Từ những thực tế trên và nhiều đợt bán cổ phần theo lô thành công thời gian qua như phiên đấu giá cả lô 52% cổ phần Khách sạn Kim Liên cuối năm 2015 đã thu về cho Nhà nước 1.000 tỷ đồng, cao gấp 9 lần so với giá khởi điểm là 30.600 đồng/CP, hay phiên đấu giá cổ phần lựa chọn nhà đầu tư chiến lược của CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cuối quý I/2016, mức giá đấu thành công cao nhất đạt 126.000 đồng/CP, cao hơn nhiều so với mức giá đấu bình quân trong đợt IPO của công ty này trước đó, thiết nghĩ, trong thời gian tới, các bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty cần thúc đẩy thoái vốn theo lô như quy định tại Quyết định 41/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Phương án này vừa giúp đẩy nhanh tiến độ thoái vốn, vừa giúp doanh nghiệp tìm được các cổ đông lớn, xứng tầm.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục