Khi Chính phủ muốn trực tiếp nghe dân nói

Từ ngày 4/4, người dân có thể trực tiếp phản ảnh, kiến nghị tới Chính phủ qua địa chỉ nguoidan.chinhphu.vn.
Chính phủ muốn nghe người dân góp ý.
Chính phủ muốn nghe người dân góp ý.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ảnh, kiến nghị này được thiết lập nhằm đẩy mạnh sự tương tác giữa Chính phủ với người dân. Qua đó, Chính phủ sẽ kiểm soát được mức độ hài lòng của người dân đối với hoạt động của bộ máy công quyền.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, người điều hành trực tiếp hệ thống này cũng cho hay, cơ quan hành chính nhà nước các cấp sẽ tiếp nhận, trả lời những phản ảnh, kiến nghị của người dân theo từng lĩnh vực, đồng thời tiếp thu những đề xuất, sáng kiến cải cách thủ tục hành chính để xây dựng hệ thống hành chính nhà nước thống nhất, hiệu quả hơn.

Ông cũng khẳng định: “Bộ ngành, địa phương nào trong trách nhiệm của mình mà không trả lời, sẽ phải báo cáo Thủ tướng”!

Cách làm này được kỳ vọng sẽ tạo sự kết nối giữa người dân với Chính phủ, để Chính phủ gần dân, hiểu dân hơn. Qua đó cũng sẽ đo được mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với bộ máy của Chính phủ bằng một bộ chỉ số nhất định - Chỉ số hài lòng của dân.

Chỉ số hài lòng của dân, hiểu theo góc độ quản lý nhà nước là mức độ hoàn thành công việc của cơ quan công quyền mà dân đã giao phó, đã ủy quyền theo hiến pháp và pháp luật. Cụ thể là mức độ đáp ứng yêu cầu của dân trong lĩnh vực dịch vụ công.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Cán bộ cách mạng là công bộc, là đầy tớ của nhân dân”. Gọi là “công bộc” vì anh là cán bộ nhà nước, làm việc công để phục vụ nhân dân - những người đã tin tưởng bầu cho mình.

Bác còn dặn: “Người làm việc cho dân phải cần - kiệm - liêm - chính - chí công - vô tư”. Tức là phải “phục vụ dân chứ không phải để đè đầu cưỡi cổ dân”, không để dân phàn nàn.

Việc mở cổng tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân và doanh nghiệp qua mạng intenet thể hiện sự thay đổi lớn trong nhận thức của cơ quan công quyền về quyền làm chủ của dân, cũng như những khó khăn trên thực tế trong giải quyết tình trạng khiếu nại, tố cáo của công dân mà các cơ quan chức năng gặp phải, khi những qui định về “ khiếu nại vượt cấp”, “ khiếu nại nặc danh”… vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Sự chân thành, cầu thị trong việc xem xét, giải quyết thông tin nhân dân phản ánh, nếu được thực hiện bằng tất cả lương tâm, trách nhiệm của người công bộc, tất sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho đất nước, là một cách để giữ “tiếng thơm” cho Chính phủ.

Vì vậy, người dân mong chủ trương này sẽ là “nói thật, làm thật và làm có trách nhiệm”. Tránh tình trạng “phong trào” như đã từng xảy ra khi lãnh đạo một số bộ ngành, địa phương, có dạo cũng đua nhau mở hộp thư điện tử, công khai số điện thoại, chơi Facebook, lập đường dây nóng… nhưng rồi đường dây ấy đã nguội ngay sau khi thiết lập, hộp thư điện tử thì năm thì mười họa mới vào, Facebook chẳng mấy khi dùng…

Chỉ khi nào người dân nhìn thấy được sự chân thành trong cách xử lý thông tin của đội ngũ công chức, thì lúc ấy, họ mới có những lời góp ý chân thành với Chính phủ.

“Thuốc đắng dã tật”, một ý kiến chưa hài lòng của dân dù được phản ánh trực tiếp với cán bộ cơ sở hay qua mạng intenet; dù là phản ánh với đại biểu ở HĐND hay ở Quốc hội, đều là những liều thuốc quý giúp chính quyền các cấp soi lại mình trong việc thực thi nhiệm vụ mà nhân dân tin tưởng giao phó.

Theo Vietnamnet

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục