Khi các VIP tăng cường “lướt sóng”

(ĐTCK-online) Gần đây, hiện tượng cổ đông lớn, cổ đông nội bộ và nhà đầu tư tổ chức nước ngoài công bố thông tin "lướt sóng" (cùng mua cùng bán cổ phiếu trong một khoảng thời gian) không còn đơn lẻ. Trên bề nổi, động cơ chính dường như chỉ là chênh lệch giá, nhưng ở phần chìm, sự thật có thể khác…
Các cổ đông nội bộ và người thân nắm rõ thông tin hoạt động của công ty niêm yết hơn bất kỳ ai khác. Các cổ đông nội bộ và người thân nắm rõ thông tin hoạt động của công ty niêm yết hơn bất kỳ ai khác.

Nhà đầu tư lớn nội địa ngụy trang mục đích

Từ ngày 15/12/2010 đến ngày 15/2/2011, CTCP Đầu tư và Xây dựng Sông Đà đăng ký vừa mua vừa bán 5 triệu cổ phiếu OGC của CTCP Tập đoàn Đại Dương. Cũng khoảng thời gian này, một cổ đông lớn khác là CTCP Đầu tư và Xây dựng Bảo Minh đăng ký cùng mua/bán 5 triệu cổ phiếu OGC. Tương tự, từ ngày 22/11/2010 đến 24/1/2011, CTCP Phát triển nhà Daewon - Thủ Đức đăng ký mua 150.000 cổ phiếu PMS (CTCP Cơ khí Xăng dầu) và bán ra 200.000 đơn vị PMS…

Các thông tin "lướt sóng" tương tự mới chỉ xuất hiện khoảng 1 năm nay, nhưng vài tháng gần đây trở nên dày đặc. Dẫn đầu về động thái này phải kể tới các tổ chức tài chính nội địa. Ngày 17/2, Sở GDCK TP. HCM thông báo thông báo Quỹ tầm nhìn SSI (SSIVF) đăng ký giao dịch "lướt sóng" tổng cộng hơn 2,5 triệu cổ phiếu APC, GIL, TMS, thời gian từ 23/2 đến 23/4. Theo thông báo chính thức, mục đích của SSIVF nhằm tái cơ cấu danh mục đầu tư. Ngày 18/2 vừa qua là hạn cuối CTCK Bảo Việt đăng ký "lướt sóng" 400.000 cổ phiếu HVX của CTCP Xi măng Hải Vân. Các thông tin tương tự cũng hay gặp tại nhiều tổ chức tài chính nội địa như Quỹ VFM, Ngân hàng Eximbank, EVN Finnace, PVFC…

Ngoài mục tiêu hưởng chênh lệch giá từ việc "lướt sóng", đâu là động cơ thật sự của động thái này? Với các CTCK, một trong các lý do là “gặt non” lợi nhuận. Qua việc "lướt sóng", CTCK bán đi các khoản đầu tư đang có lãi, ghi nhận lợi nhuận trên sổ sách. Nhưng đây không phải là mục đích duy nhất. Nếu chú ý vào kết quả giao dịch, chẳng mấy khi nhà đầu tư tổ chức thực hiện đúng như công bố. Chẳng hạn, ngày 16/2, CTCP Đầu tư và Xây dựng Sông Đà thông báo đã bán ròng 4 triệu cổ phiếu OGC (mua vào chỉ hơn 81.000 đơn vị). Tương tự, CTCP Đầu tư và Xây dựng Bảo Minh đã bán ra tới hơn 3,1 triệu cổ phiếu OGC, trong khi mua vào 175.000 đơn vị. Còn CTCP Phát triển nhà Daewon - Thủ Đức, dù đăng ký bán nhiều hơn mua (dễ tạo ra liên tưởng tới hoạt động thoái vốn), nhưng thực tế lại mua ròng 87.000 đơn vị. Nhà đầu tư tổ chức luôn bao biện việc giao dịch không như dự kiến bằng lý do "biến động giá không như kỳ vọng". Nhưng gần đây, có vẻ việc công bố cùng mua, cùng bán được dùng để ngụy trang động cơ giao dịch thực sự (phần lớn là thoái vốn).

 

VIP: Nguy cơ trục lợi từ thông tin?

Nhà đầu tư tổ chức mua bán với khối lượng lớn, bất lợi về quy mô nên cần để che dấu hành tung. Nhưng điều khó hiểu là khoảng nửa năm trở lại đây, việc "lướt sóng" cổ phiếu lan dần sang các "yếu nhân" tại DN niêm yết. Mới nhất, ngày 16/2, Sở GDCK TP. HCM thông báo ông Nguyễn Thế Hậu, Phó tổng giám đốc CTCP Ngoại thương và Phát triển đầu tư TP. HCM (FDC) đăng ký bán 50.000 cổ phiếu FDC và mua 60.000 đơn vị, thời gian giao dịch từ ngày 22/2 tới 22/4. Thời điểm hiện tại cũng là quãng thời gian "lướt sóng" của một “yếu nhân” khác tại FDC. Đó là ông Trần Hữu Chỉnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty. Ông này đăng ký mua vào 100.000 cổ phiếu và bán ra 50.000 cổ phiếu FDC (ngày 4/3 tới đây sẽ hết hạn). Còn tại CTCP Nhựa Tân Đại Hưng (TPC), người thân của một thành viên Ban kiểm soát dù chưa có cổ phiếu TPC nào nhưng cũng vừa đăng ký mua/bán 100.000 cổ phiếu trong khoảng thời gian 2 tháng, bắt đầu từ ngày 18/2…

Các cổ đông nội bộ và người thân nắm rõ thông tin hoạt động của công ty niêm yết hơn bất kỳ ai khác. Thậm chí, ở cương vị chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc thì còn có thể quyết định các vấn đề như dự án đầu tư, khoản lợi nhuận hạch toán trong kỳ và nhiều thông tin quan trọng khác. Khá nhiều giao dịch lướt sóng của các VIP tại DN niêm yết thời gian qua "vắt ngang" mùa báo cáo kết quả kinh doanh. Nhiều trường hợp, giao dịch nghiêng về một phía, hết hạn, tỷ lệ sở hữu tăng - giảm đáng kể. Chẳng hạn, mới đây, Sở GDCK TP. HCM công bố kết quả giao dịch "lướt sóng" 300.000 cổ phiếu HDG của ông Cao Trần Đăng, thành viên HĐQT CTCP Tập đoàn Hà Đô. Hết hạn, ông Đăng chỉ mua vào 56.670 cổ phiếu HDG và bán ra 261.610 đơn vị, giảm tỷ lệ sở hữu từ 2,24% xuống 1,23%. Dù luật không cấm nhưng xu hướng các cổ đông nội bộ đăng ký "lướt sóng" chính cổ phiếu công ty, nhìn từ bên ngoài rất dễ liên tưởng tới việc các VIP lướt sóng dựa vào lợi thế tiếp cận thông tin!

 

NĐT nước ngoài: Tìm giải pháp kỹ thuật!

Vừa qua, Templeton Frontier Markets Fund đăng ký mua vào và bán ra lần lượt 355.920 và  237.280 cổ phiếu VSC từ ngày 21/2 tới 21/4. Cuối năm 2010, quỹ này đã đăng ký "lướt sóng" một loạt cổ phiếu DHG, VFG, TTP, DHA, IMP, SCD… Deutsche Bank AG London cũng thường xuyên công bố thông tin mua/bán song song. Mới đây nhất, từ ngày 15/2, tổ chức này đăng ký lướt sóng 12 triệu cổ phiếu DPM, sau khi "lướt" 5,1 triệu cổ phiếu FPT; 1,5 triệu GMD; 3,5 triệu DVD từ cuối năm ngoái. Nhà đầu tư nội địa cũng bắt gặp thông tin tương tự từ Red River Holding, Asiavantage Global Limited, Funderburk Lighthouse Limited…

Đâu là phần chìm trong động thái này của khối ngoại? Ban đầu, mục tiêu chính là giải quyết vấn đề kỹ thuật của TTCK Việt Nam. Từ lâu, một số chức đã nhận các khoản ủy thác đầu tư hay phát hành P- Notes ra bên ngoài. Tại một thời điểm bất kỳ, các nhà đầu tư ở bên ngoài có thể yêu cầu các tổ chức tài chính thanh lý các khoản đầu tư hay P-Notes. Bình thường, tổ chức nước ngoài tìm cách chuyển nhượng cho một nhà đầu tư mới, nhưng nếu không thành công, họ phải bán ra thật sự để cân đối tài chính. Tuy nhiên, họ lại vướng vấn đề kỹ thuật như quy định mỗi nhà đầu tư chỉ được có một tài khoản. Thông tin mua/bán được công bố nhằm giải quyết cho tình huống khó xử trên. Bên cạnh đó, với những lô nhỏ "lướt sóng", không loại trừ khả năng khối ngoại hướng tới mục tiêu hưởng chênh lệch giá hay học tập các nhà đầu tư nội tung hỏa mù trong giao dịch.

Giang Thanh
Giang Thanh

Tin cùng chuyên mục