Khi các ông lớn “bắt tay”

(ĐTCK) Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) mới đây ký thỏa thuận hợp tác toàn diện nhằm thiết lập sự hợp tác giữa ba bên.
SCIC có thể phối hợp cùng EVN đầu tư vào một số dự án mà EVN đang thiếu vốn hoặc cần vốn để đẩy nhanh tiến độ. SCIC có thể phối hợp cùng EVN đầu tư vào một số dự án mà EVN đang thiếu vốn hoặc cần vốn để đẩy nhanh tiến độ.

Trước đó, SCIC cũng đề xuất với Chính phủ cho phép hợp tác với Tập đoàn Điện lực (EVN) triển khai đầu tư một số dự án điện trọng điểm. EVN, Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, Tổng công ty Thép Việt Nam cũng đã có những thỏa thuận tương tự. Xu hướng liên kết, phối hợp được dự báo sẽ phát triển mạnh giữa các tập đoàn, tổng công ty nhằm tận dụng nguồn lực của nhau và tạo ra những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Theo biên bản thỏa thuận giữa Vinalines, SCIC và Lilama, 3 tổng công ty sẽ cùng nhau nghiên cứu hợp tác đầu tư xây dựng và khai thác Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (Khánh Hoà), Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng); thành lập công ty cổ phần vận tải biển nhằm tận dụng thế mạnh của mỗi bên và đáp ứng nhu cầu hàng hóa của các đối tác trong và ngoài công ty cổ phần; thành lập công ty cổ phần để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất vỏ container. SCIC sẽ tìm kiếm và giới thiệu đối tác chiến lược trong và ngoài nước, có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm trong các lĩnh vực kinh doanh mà các bên có hoạt động đầu tư. Ngoài ra, các bên sẽ thực hiện việc góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp thành viên khi thực hiện cổ phần hóa hoặc thành lập mới các công ty của nhau.

Trong văn bản gửi Chính phủ, SCIC xin phép đầu tư vào các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng điện. Nếu được chấp thuận, SCIC sẽ phối hợp cùng EVN đầu tư vào một số dự án mà EVN đang thiếu vốn hoặc cần vốn để đẩy nhanh tiến độ. SCIC đề nghị được hợp tác với EVN trên nguyên tắc EVN và SCIC chiếm ít nhất 51% vốn góp trong các dự án điện đang triển khai và đã đi vào hoạt động. Mục đích của phương thức hợp tác này là đảm bảo tỷ trọng chi phối của Nhà nước trong một số dự án trọng điểm, trong khi vẫn tạo điều kiện giải phóng vốn cho EVN.

Ông Trần Văn Tá, Tổng giám đốc SCIC giải thích về sự cần thiết hợp tác “là nhà đầu tư tài chính thì nhất thiết phải gắn với nhà đầu tư chuyên ngành, những lĩnh vực mà SCIC quan tâm bao gồm giao thông vận tải, năng lượng, cơ sở hạ tầng và chúng tôi đang tìm kiếm sự hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty”. Không chỉ có năng lực tài chính, SCIC có mối quan hệ đối tác rộng với các quỹ đầu tư, ngân hàng. Ông Tá cho hay, hiện SCIC có danh mục đối tác bạn hàng của gần 200 tổ chức, doanh nghiệp lớn của nhiều quốc gia, vì thế SCIC có thể thực hiện việc thu xếp, huy động vốn, tìm kiếm đối tác chiến lược... cho các dự án. “Sự hợp tác sẽ mở ra những cơ hội để phát huy thế mạnh, đưa dự án khai thác hiệu quả, nhất là khi hoạt động đầu tư trên thế giới đang gặp khó khăn nhất định”, ông Tá nói.

Đề cập đến xu hướng mới này, ông Phạm Hùng, Tổng giám đốc Lilama cho biết, hoạt động đầu tư đang hết sức khó khăn. Đơn cử như năm nay, Lilama đặt mục tiêu doanh thu 20.000 tỷ đồng, tăng 3.000 tỷ đồng so với năm ngoái, nhưng đến thời điểm này có thể khẳng định, cố gắng lắm may ra năm nay Lilama mới thực hiện được bằng mức năm ngoái, nhiều khả năng không bằng.

Khả năng, trình độ của những người thợ lắp máy Lilama đã được chứng minh trong hầu hết công trình lớn khắp Việt Nam, song có giỏi đến đâu về kỹ thuật mà không có vốn thì cũng chịu. Các nhà đầu tư như chúng tôi đang rất bí về vốn”, ông Hùng giãi bày.

Hiện Lilama có 8 nhà máy cơ khí ở miền Bắc và miền Nam, 2 nhà máy tôn mạ màu lớn nhất Việt Nam có thể cung cấp cho nhà máy container trong tương lai với chi phí thấp, bên cạnh đó hàng năm đội tàu của Vinalines đều phải đưa ra bảo dưỡng, sửa chữa ở nước ngoài chi phí không ít, trong khi các nhà máy cơ khí Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi kết hợp đóng mới và sửa chữa tàu.

Những lợi ích của mô hình “ba cây chụm lại” theo lời Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn là rất lớn và đây cũng là mong muốn của cơ quan quản lý nhằm khắc phục điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam, phần nhiều hoạt động manh mún, kém về hợp tác kinh doanh. Ông Tuấn cho biết, cơ quan quản lý sẽ hỗ trợ ở mức tối đa về khuôn khổ pháp lý để doanh nghiệp hoạt động. Quan trọng hơn đây đều là những doanh nghiệp nòng cốt của Nhà nước, vì vậy dù có là vốn vay thì cũng là Nhà nước vay, do đó yêu cầu giám sát tính hiệu quả của các dự án phải được đặt lên hàng đầu.   

Thuỷ Anh
Thuỷ Anh

Tin cùng chuyên mục