Khi “cá mập” thành sao

(ĐTCK) “Dòng tiền thực tế không thực sự mạnh và quá nhỏ so với quy mô phản ánh trên báo cáo tài chính. Tăng trưởng đột biến về tài sản dựa vào kỹ thuật kế toán hoán đổi cổ phiếu để sáp nhập DN”. Đó là nhận xét của giới chuyên môn về một trong những DN đang nổi đình đám trên TTCK hiện nay.
Có những phiên, khối lượng giao dịch của một số mã cổ phiếu đạt hàng chục triệu đơn vị Có những phiên, khối lượng giao dịch của một số mã cổ phiếu đạt hàng chục triệu đơn vị

Có nhiều nhận xét cụ thể hơn về sức khỏe tài chính của DN nêu trên, như số dư tiền và các khoản có thể chuyển đổi nhanh thành tiền thấp. Thuyết minh trên báo cáo tài chính cho thấy, số lượng giao dịch và quy mô lớn được thực hiện với một số bên liên quan, nhưng dòng tiền không thể hiện. Giá trị tài sản được phản ánh tăng vọt theo giá trị định giá, trong khi DN không tiến hành khấu hao bất động sản đầu tư. 

Làm giá kiểu truyền thống

Như ĐTCK số 146 đã đề cập trong bài viết “Cá mập và chiêu trò săn mồi”, việc “làm giá” cổ phiếu, hay nói một cách hoa mỹ là sử dụng các biện pháp kỹ thuật để tạo thanh khoản, đỡ giá cổ phiếu hiện đã trở thành kỹ nghệ đỉnh cao trên thị trường và được thực hiện rất bài bản. Một môi giới giàu kinh nghiệm chia sẻ, hiện tượng đẩy giá cổ phiếu lên hay xuống diễn ra như cơm bữa.

Khi muốn đẩy giá, bên mua thường “quét” hết ba mức giá đặt bán hiển thị trên bảng điện tử để hiện ra khối lượng bán ở các mức giá thấp. Khi không thấy có dấu hiệu bên bán tiếp tục đặt lệnh để che giá, bên mua có thể quét hết lệnh còn lại và đặt thêm lệnh lớn để tạo ra dư mua lớn.

Trường hợp dìm giá bằng cách bán ra thì cũng tương tự, mục đích của việc dìm giá cổ phiếu xuống là để sau đó mua vào với khối lượng lớn hơn, với giá rẻ hơn. Đó là cách làm truyền thống. 

Kỹ thuật làm giá được “nâng cấp”

Giờ đây, hành vi làm giá cổ phiếu được thực hiện ở cấp độ cao hơn rất nhiều, đơn cử kỹ thuật mà DN niêm yết nọ thực hiện để “làm đẹp” bản thân trong mắt các nhà đầu tư. Không chỉ tạo ra hình ảnh hấp dẫn cho DN, yếu tố được các nhà đầu tư bám sàn quan tâm hàng đầu hiện nay là tính thanh khoản cũng được “đầu tư” một cách khó có thể tưởng tượng.

Có những phiên, khối lượng giao dịch của một số mã cổ phiếu lên tới hàng chục triệu cổ phiếu/phiên, thậm chí trong một phiên giao dịch, họ mua bán đến 50% lượng cổ phiếu của một DN. Đây là điều chưa từng xảy ra trên TTCK Việt Nam và rất hiếm xảy ra trên các TTCK khu vực và thế giới.

Nhiều nhà đầu tư trên thị trường truyền tai nhau rằng, đội lái đứng sau những cổ phiếu như vậy rất mạnh. Có những phiên, giá trị giao dịch lên tới vài trăm tỷ đồng mà vẫn duy trì được thường xuyên. Họ có tiềm lực tài chính thực sự? Không hẳn vậy, “cây gậy” margin và tín dụng cho vay chứng khoán cả chính thức và phi chính thức thời gian qua có thể là những bệ đỡ tài chính cho các nhóm cá mập này.

Cấp độ của những chiêu trò còn cao đến độ, có sự xuất hiện của giới đầu tư nước ngoài, thể hiện qua những bản ghi nhớ rót hàng chục triệu USD để mua cổ phần của DN Việt Nam, với giá cao hơn nhiều so với thị giá đang giao dịch trên sàn.

Theo cựu chủ tịch một DN niêm yết, trên thị trường có những quỹ đầu tư mang mác đến từ những nước phát triển, nhưng thực tế là dạng “tay không bắt giặc”.

Họ thỏa thuận với DN, đưa ra những thông tin và cam kết có lợi cho việc nâng giá cổ phiếu, song cũng tận dụng chính chiêu làm giá đó để “ăn thịt” nhà đầu tư và DN Việt Nam. Bản thân DN của ông được một quỹ đầu tư ngoại đặt vấn đề “hợp tác” và ông đã sang tận trụ sở của họ tại Mỹ để trao đổi, tìm hiểu. Song đến phút chót, sau khi đặt lên bàn cân mọi yếu tố, ông quyết định không đặt bút ký vào bản ghi nhớ.

Tuy nhiên, vẫn quỹ đầu tư đó, trong thời gian gần đây, không ít DN niêm yết đã “chịu chơi”. Có phải lãnh đạo DN “ngây thơ”, không có đủ thông tin về đối tác? Câu trả lời là không. Vị cựu chủ tịch DN trên cho hay, trước khi quyết định “chơi game”, lãnh đạo cao nhất của DN “chịu chơi” đó đã gặp ông và hỏi tường tận mọi thông tin mà ông có thể chia sẻ về đối tác nước ngoài. 

Lợi nhuận kếch sù

Đích đến của những chiêu trò hay nói một cách văn vẻ hơn là chiến thuật của DN và đội lái là gì? Đó là đem lại những khoản lợi kếch sù cho đội lái, cổ đông lớn, lãnh đạo DN và đôi khi là vận mệnh của chính DN. Những nhà đầu tư bám sàn chắc chưa quên được “siêu phẩm” PVA của CTCP Dầu khí Nghệ An cách đây 4 - 5 năm.

Trong các cuộc gặp mặt nhà đầu tư do CTCK tổ chức, với sự tham gia của lãnh đạo PVA, những thông tin hào nhoáng như lợi nhuận có thể đạt 400 tỷ đồng, gấp 10 lần năm trước, đã và đang ký kết hàng loạt dự án lớn… được lãnh đạo DN đưa ra. Kết quả, giá cổ phiếu tăng chóng mặt, lên tới hơn 100.000 đồng/CP. Trong thời gian đó, cổ đông lớn là Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí bán ra hàng chục triệu cổ phiếu PVA, chủ tịch và các lãnh đạo DN khác cũng bán ra, thậm chí còn “bán chui” vì sợ lộ mặt…

Cựu chủ tịch một DN niêm yết có cổ phiếu từng xuất hiện trong “thực đơn” của các đội lái cho biết, ông và gia đình chẳng dại gì tham gia làm giá cổ phiếu, vì đó là hành vi vi phạm pháp luật, mà chỉ hỗ trợ cho các đội lái khi họ đặt vấn đề. Hỗ trợ ở đây là “vẽ” ra một số kế hoạch về hoạt động DN trong tương lai, thỏa hiệp để một số chiêu trò thông tin và thủ thuật kế toán mà đội lái tư vấn “làm đẹp” sức khỏe DN…

Kết quả của sự hợp tác trên: từ dưới mệnh giá, thị giá cổ phiếu tăng vùn vụt, vượt đầu 3, thanh khoản từ vài chục nghìn đơn vị một phiên lên tới vài triệu đơn vị một phiên. Vào những phiên giá cổ phiếu tạo đỉnh, vị chủ tịch và gia đình đã chớp thời cơ, bán ra một lượng lớn cổ phiếu, thu về khoản lợi nhuận gấp cả trăm lần so với lợi nhuận đạt được khi lao tâm khổ tứ cho sản xuất - kinh doanh. 

Nhu cầu “được” làm giá?

Thực tế, có những DN, những cổ phiếu được gán mác “làm giá”, sau một thời gian, DN thu được nhiều lợi ích như giá cổ phiếu tăng mạnh gấp vài lần so với giá chào sàn, phát hành cổ phiếu tăng vốn thành công, thậm chí M&A các công ty khác, thu hút nhiều nhà đầu tư mới, hoạt động kinh doanh được cải thiện. Khi chiêu trò được đẩy thành chiến lược và ông chủ DN cũng như các nhóm cá mập sử dụng các biện pháp kỹ thuật hút - xả thành công, hỗ trợ đắc lực cho bài toán tăng vốn, tăng quy mô, DN trở thành “sao” trên TTCK.

Cách đi tắt như vậy đang được coi là con đường nhanh nhất đến thành công đối với nhiều lãnh đạo DN niêm yết khác. Tổng giám đốc một CTCK cho biết, không ít lãnh đạo công ty niêm yết đặt vấn đề với bộ phận tư vấn của công ty ông là làm sao để DN cũng có thể áp dụng những chiêu trò trên thành công? Nếu như trước đây, các “đội lái” phải đến gặp lãnh đạo DN để đặt vấn đề “bắt tay”, thì nay nhiều lãnh đạo DN chủ động gặp các nhóm môi giới chuyên nghiệp để cùng thực hiện “thổi giá” cổ phiếu.

Những trường hợp giá chứng khoán bị “thổi” như vậy phản ánh lợi nhuận của một số người, nhưng cũng phản ánh những rủi ro, thiệt hại của một số người khác. Câu “danh ngôn” sau rất đúng trong trường hợp này: “Tiền bạc không tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên mất đi trên TTCK, mà nó chỉ chuyển giao từ nhà đầu tư này sang nhà đầu tư khác mà thôi”. Rõ ràng, khi “cá mập” đắc lợi, sẽ có nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại và họ mất niềm tin vào thị trường, rời bỏ thị trường. Đó là chưa kể đến việc huy động được vốn một cách dễ dàng, DN có thể sử dụng sai mục đích, kém hiệu quả, gây thất thoát, mất vốn. Sự phát triển bền vững của TTCK chắc chắn bị ảnh hưởng.  

Một môi giới chứng khoán chia sẻ: “Làm giá” không phải dễ dàng thực hiện được, mà đòi hỏi nhiều kỹ nghệ. Trong quá khứ, nhiều đội lái đã phải nếm mùi thất bại, thường rơi vào hai trường hợp. Thứ nhất, dù nhóm cổ đông đã thương thảo với lãnh đạo DN, nhưng vì mâu thuẫn quyền lợi giữa lãnh đạo DN và đội lái, không tìm tiếng nói chung dẫn đến việc “một bên xây, một bên phá” và cuối cùng, cổ phiếu rơi vào trạng thái mất kiểm soát. Thứ hai, do các bên không lường trước được yếu tố thị trường, khi thị trường diễn biến quá xấu thì dù DN có đưa tin tốt cũng không đỡ được, rốt cuộc là vẫn do các đội lái tự mua bán với nhau mà không “dụ” được nhiều nhà đầu tư bên ngoài tham gia. Trên thực tế, không ai có thể thắng được thị trường, mà phần lớn là phải nương theo thị trường.

Thế Phong - Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục