Khép ý định hủy niêm yết LGC: Ván bài của cổ đông lớn CII

(ĐTCK) Bằng sức ảnh hưởng của CII và lá phiếu ủng hộ của cổ đông, nội dung hủy niêm yết đã không được đưa vào chương trình ĐHCĐ của LGC.
Theo một số nguồn tin, CII đang muốn tham gia sâu hơn vào LGC Theo một số nguồn tin, CII đang muốn tham gia sâu hơn vào LGC

Trong trao đổi bên lề ĐHCĐ (24/3), ông Lê Quốc Bình, Chủ tịch HĐQT CTCP Cơ khí điện Lữ Gia (LGC) cho biết: “Khi LGC công bố sẽ đưa nội dung xin hủy niêm yết cổ phiếu LGC vào chương trình ĐHCĐ năm 2012, theo như đề nghị của cổ đông lớn là CTCP Xây dựng cầu đường Bình Triệu (nắm 22,59%vốn), nhiều cổ đông đã phản ứng mạnh mẽ. Họ gọi điện, gửi thư, email đề nghị chúng tôi xem xét lại đề xuất của Bình Triệu. Trước nguyện vọng đó, chúng tôi không thể không lắng nghe”.

Bằng sức ảnh hưởng và lá phiếu ủng hộ, ông Lê Quốc Bình, người đại diện vốn của CTCP Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII) ở LGC (nắm 24,98% vốn) đã góp thêm trọng lượng để các cổ đông biểu quyết không đưa nội dung hủy niêm yết vào chương trình ĐHCĐ của LGC. Đến đây, câu chuyện dừng việc hủy niêm yết đã làm yên lòng cổ đông và trở thành chuyện quá vãng, nhưng với những người quan tâm đến “hậu trường” vụ việc, nhiều thắc mắc vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Trước Tết Nguyên đán vài ngày (16/1/2012), LGC bất ngờ “bỏ bom” thông tin khi công bố, LGC sẽ trình cổ đông xem xét vấn đề hủy niêm yết, theo đề xuất từ cổ đông lớn Bình Triệu. Lý do đưa ra là cổ phiếu LGC thanh khoản quá thấp, việc niêm yết không mang lại lợi ích cho cổ đông.

Thực tế, cổ phiếu LGC được giao dịch rất ít năm 2011 với mức giao dịch trung bình chỉ vài nghìn cổ phiếu/phiên. Tuy nhiên, đặc thù của DN này là cổ đông nội bộ, cổ đông lớn nắm hơn 70% vốn, nên hiện trạng kém thanh khoản là bình thường. Bởi thế, khi LGC công bố ý định hủy niêm yết theo yêu cầu của Bình Triệu vì lý do thanh khoản kém, nhiều nhà đầu tư vẫn không khỏi thắc mắc, động cơ thực sự của ý tưởng này là gì?

Bình Triệu nắm 22,59% vốn tại LGC, trong khi cổ đông lớn nhất của LGC là CII. Bên cạnh đó, CII lại nắm tới 51% vốn (tại thời điểm 31/12/2011) ở Bình Triệu. Như vậy nếu cộng thêm cả vốn góp của Bình Triệu, CII có khả năng chi phối 47,57% vốn LGC, chứ không phải chỉ là 24,98% như con số chính danh sở hữu. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, vì mối quan hệ sở hữu 3 bên chặt chẽ như vậy, nên việc Bình Triệu công khai ý định buộc LGC hủy niêm yết không thể không có sự đồng thuận từ phía CII.

Đây chính là lý do khiến nhiều người cho rằng, việc CII không biết và không nêu rõ thái độ về đề xuất hủy niêm yết LGC của Bình Triệu, chỉ có thể lý giải CII không muốn trực tiếp đánh động dư luận việc này.

Thực tế, hủy niêm yết là đụng chạm quyền lợi cổ đông. Đưa Bình Triệu nói thay, CII sẽ đỡ bị phản ứng từ dư luận. Nếu đề xuất hủy niêm yết LGC vấp phải sự phản đối, CII cũng có cách rút lui trong êm đẹp. Thực tế, câu chuyện hủy niêm yết ở LGC đã khép lại rất nhẹ nhàng. Đến giờ, nhiều người vẫn đinh ninh, CII “vô can” trong đề xuất xin hủy niêm yết LGC.

Theo một số nguồn tin, CII muốn tham gia sâu hơn vào LGC khi đưa người vào nắm giữ chức Tổng giám đốc ở LGC (tháng 9/2011). Tính ra, 2 vị trí chủ chốt nhất ở LGC đều do CII nắm. Cùng đó, CII đã xin ĐHCĐ và được chấp thuận kế hoạch mua vượt 25% cổ phần ở LGC mà không cần chào mua công khai. Nếu việc mua lại thành công, ít nhất CII sẽ gia tăng sở hữu ở LGC lên 51%. Để thực hiện ý định này, nếu LGC hủy niêm yết, CII có thể sẽ dễ dàng hơn khi muốn cải tổ ở LGC, ít nhất là bớt phải tuân thủ những quy định, quy trình xin phép cơ quan quản lý và cổ đông, bớt phải công khai nhiều kế hoạch.

Nhưng CII đã kịp nhận ra rằng, cái lợi từ hủy niêm yết LGC không bằng cái hại nếu để cổ đông và nhà đầu tư bất mãn. CII quyết định dừng câu chuyện hủy niêm yết LGC lại, nhưng nhà đầu tư vẫn tiếp tục dõi theo bước đi mới ở CII trong ý định thâu tóm DN mục tiêu.

Ngọc Thủy
Ngọc Thủy

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,248.64 -1.82 -0.15% 200,111 tỷ
HNX 234.58 0.07 0.03% 1,702 tỷ
UPCOM 91.91 0.34 0.37% 896 tỷ