Khát vọng vươn tầm

(ĐTCK) Làm chủ công nghệ và mở rộng đầu tư ra nước ngoài đang là xu hướng nổi bật tại các doanh nghiệp đầu ngành.
Vinfast là một trong những doanh nghiệp Việt tiêu biểu thực hiện chiến lược vươn khơi.

Làm chủ công nghệ

Nếu như giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế thế giới, doanh nghiệp Việt Nam thường chọn liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài để xây dựng nhà máy, hoặc nhập khẩu máy móc, thiết bị và thuê đơn vị nước ngoài về vận hành, chuyển giao công nghệ thì những năm gần đây, làn sóng tự chủ công nghệ ngày càng diễn ra mạnh mẽ.

Đầu năm 2024, Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase, mã BWE) đã đưa vào vận hành lò đốt kết hợp phát điện, với tổng vốn đầu tư lên tới 471 tỷ đồng (19,4 triệu USD), dự án đốt rác phát điện với công suất 5 MW.

Đáng nói, dự án đốt rác phát điện hoàn toàn do đội ngũ kỹ thuật của Biwase tự nghiên cứu, thiết kế, lắp đặt và vận hành.

Điều này vừa tiết kiệm chi phí đầu tư cho Công ty vừa đảm bảo vận hành được dây chuyền ngay khi đi vào hoạt động và mở ra cơ hội sớm xây dựng thêm các dự án đốt rác phát điện trong tương lai nhờ có thể hiệu chỉnh theo vị trí và điều kiện tại từng khu vực cụ thể - điều không dễ thực hiện trong điều kiện nhập khẩu nguyên lô dây chuyền như trước đây.

Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Biwase cũng tiết lộ, Công ty đang lên kế hoạch đầu tư nhà máy đốt rác phát điện thứ hai, công suất phát điện 12 MW, công suất đốt rác sinh hoạt lên tới 500 tấn/ngày, tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Trong đó, Công ty đã lựa chọn được Công ty Cnim Martin (Đức) cung cấp thiết bị lò đốt theo yêu cầu của Biwase.

Tương tự, sau nhiều năm phải nhập khẩu máy móc, nhận chuyển giao công nghệ sản xuất bia từ các chuyên gia nước ngoài để xây dựng 26 nhà máy sản xuất bia, gần đây, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã khai trương Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển ngành bia Sabeco (SRC).

Công nghệ sản xuất bia do Trung tâm nghiên cứu, phát triển có chất lượng tương đương tiêu chuẩn quốc tế nhưng vốn đầu tư chỉ bằng 1/3 so với nhập khẩu công nghệ nước ngoài.

Theo Sabeco, nhờ sự ra đời Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển ngành bia Sabeco, các nghệ nhân nấu bia của Tổng công ty có môi trường thuận lợi hơn để thử nghiệm, sáng tạo ra các sản phẩm bia mới.

Ông Lâm Du An, Phó tổng giám đốc Sabeco phụ trách kỹ thuật và sản xuất Sabeco chia sẻ: “Con người là hạt nhân trong bất kỳ ngành nghề nào và ngành bia cũng không phải ngoại lệ. SRC là nơi các kỹ sư trẻ được học hỏi kinh nghiệm của các nghệ nhân nấu bia đi trước, đồng thời phát huy sự sáng tạo, sự tự tin và giúp Sabeco có thể chọn được những con người thực sự có tài”.

Nỗ lực vươn ra biển lớn

Không chỉ vươn tầm trong công nghệ sản xuất, nhiều doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực bước ra thị trường rộng lớn hơn. Tham vọng này không chỉ có ở các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng hóa tiêu dùng.

Trong lĩnh vực xây lắp, Công ty cổ phần Coteccons (mã CTD) cũng dẫn đầu xu hướng xuất khẩu dịch vụ xây dựng ra nước ngoài thông qua hai chiến lược chủ đạo: Đi cùng với các khách hàng hiện hữu đầu tư ra nước ngoài như trường hợp thực hiện xây dựng dự án của VinFast tại Ấn Độ; chủ động tìm kiếm thị trường tiềm năng thông qua trực tiếp đấu thầu, liên doanh đấu thầu hoặc mua bán - sáp nhập (M&A) các công ty xây dựng ở nước sở tại để tham gia đấu thầu.

Doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực vươn ra thị trường thế giới.

Tháng 10/2023, Coteccons Constructions Inc, công ty thành viên của Coteccons được thành lập phục vụ cho mục tiêu đầu tư ra nước ngoài với vốn điều lệ 5 triệu USD (khoảng 125 tỷ đồng).

Tháng 3/2024, Công ty đã thành lập văn phòng đại diện tại Indonesia. Tại đại hội đồng cổ đông thường niên, diễn ra vào tháng 10/2024, Chủ tịch Coteccons chia sẻ, hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã bắt đầu mang lại hiệu quả cho Công ty.

“Các dự án xây dựng Coteccons tham gia bắt đầu mang ngoại tệ về cho Công ty. Coteccons đi chậm mà chắc. Đây là thời gian Công ty xây dựng nền tảng vững chắc khi tham gia thị trường nước ngoài. Vì vậy, Coteccons không muốn nóng vội trong giai đoạn mở đầu”, ông Bolat Duisenov, Chủ tịch Coteccons nhấn mạnh.

Trong ngành xây dựng, không chỉ Coteccons mà Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã HBC) cũng quyết tâm mở rộng hoạt động ra nước ngoài, dù tình hình kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn.

Trong đó, năm 2024, Xây dựng Hoà Bình cho biết đã nhận được thư dự định giao thầu 5 dự án nhà ở xã hội tại Kenya, với tổng mức đầu tư 72 triệu USD. Đây là bước đầu cho định hướng xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp sang nước ngoài.

Công bố kế hoạch chi tiết từ năm 2023 - 2028, ông Lê Văn Nam, Tổng giám đốc Xây dựng Hòa Bình cho biết, Công ty sẽ khôi phục vị thế trong vòng 3-5 năm tới, tăng quy mô vốn chủ sở hữu trên 10.000 tỷ đồng và đẩy mạnh thị trường nước ngoài, hướng tới mục tiêu Top 50 công ty xây dựng trên thị trường quốc tế.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình từng chia sẻ, việc xuất khẩu dịch vụ xây dựng ra nước ngoài ngoài việc mang lại nguồn thu từ dịch vụ xây dựng còn kéo theo xuất khẩu các sản phẩm, chuỗi dịch vụ cung ứng liên quan như vật liệu xây dựng rất lớn, mang lại nguồn lợi lớn cho quốc gia.

Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục