Giàu đó, mà cũng khó đó
Quảng Ninh nổi tiếng là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, với những cảnh quan đặc sắc như vịnh Hạ Long - kỳ quan thiên nhiên thế giới. Tỉnh có hơn 500 di tích lịch sử và danh thắng, gắn liền với sự nghiệp dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc. Đặc biệt có Yên Tử - nơi khởi nguồn của thiền phái Trúc Lâm; có thương cảng Vân Đồn, một trong những thương cảng sầm uất nhất Việt Nam trong nhiều thế kỷ. Điều này đã khẳng định, Việt Nam là một quốc gia biển từ rất sớm, cha ông ta đã vươn ra biển, phát triển kinh tế biển…
Vùng đất này còn là cái nôi của giai cấp công nhân, là quê hương của phong trào “vô sản hóa”. Đây là nơi đào luyện nên nhiều nhà cách mạng kiên trung, góp phần làm nên khí phách, bản lĩnh, tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” của Đảng, của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam trong lịch sử chống ngoại xâm.
Nhưng một thời gian dài, trong mắt những người đang sống ở mảnh đất này hay với những người nơi khác đến, thì Quảng Ninh là một vùng đất vất vả, khốn khó. Đường đến Quảng Ninh phụ thuộc hoàn toàn vào Quốc lộ 18 xuống cấp nghiêm trọng.
Đường đi thì khó khăn, điện thiếu, lương thực thiếu. Rồi những năm tháng chiến tranh, Quảng Ninh bị tàn phá, kiệt quệ, hạ tầng không có gì. Thậm chí, trong một thời gian dài phải trông chờ vào sự hỗ trợ từ Trung ương về lương thực, thực phẩm, ngân sách.
Bắt đầu công cuộc đổi mới, Quảng Ninh đã biết làm giàu từ than, nhưng cũng vất vả vì than. Mỗi mét lò, mỗi tấn than là mồ hôi, nước mắt, thậm chí còn là sự hy sinh. Than trao cho nhiều mà cũng lấy đi nhiều. Khai thác than càng phát triển, đồng nghĩa với cảnh quan khu vực đó bị ảnh hưởng càng nhiều. Bụi than đã từng là nỗi ám ảnh rất lớn với người dân gần các khai trường hay các khu sàng tuyển tại Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều.
Sự gian khó mà con người Quảng Ninh trải qua đã đi vào tác phẩm của nhạc sỹ Lê Đăng Vệ, người nhạc sỹ của vùng mỏ: “Người đi vào trong lòng đất núi/Làm hòn than góp lửa cho đời/Người đi về nơi ấy sóng gió/Cho tháng ngày nỗi nhớ khôn nguôi”.
Khát vọng vươn lên
Từ một vùng đất biên thùy xa xôi, nơi địa đầu Tổ quốc, với muôn vàn khó khăn thách thức, nhưng bằng truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”, Quảng Ninh đã bứt phá với những thành tựu nổi bật, nâng cao toàn diện đời sống của người dân và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Quảng Ninh hôm nay đã vươn lên, trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc, với 7 năm liền (2016-2022) tăng trưởng 2 con số.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh khi phát biểu tại Lễ khánh thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (ngày 1/9/2022): “Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới”. Không có thành công nào đến là dễ dàng. Chỉ có tư duy đổi mới, hành động quyết liệt, đột phá, hợp lòng dân… thì việc khó mấy cũng làm được và sẽ thành công.
Cách đây 5 năm, Quảng Ninh chưa có đường cao tốc, không sân bay, không cảng biển quốc tế. Nhưng vào ngày 1/9/2018, cầu Bạch Đằng và đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đã được cắt băng khánh thành. Và chỉ 4 năm sau, đúng ngày 1/9/2022, Quảng Ninh đã thông toàn tuyến cao tốc xuyên tỉnh từ cầu Bạch Đằng giáp Hải Phòng ra đến tận cửa khẩu Móng Cái dài 176 km. Tỉnh đã sở hữu số km cao tốc nhiều nhất cả nước. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đây là con đường cao tốc của khát vọng và niềm tin.
“Từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, tuyến đường cao tốc đầu tiên Chính phủ giao địa phương tự huy động các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư, với sự chủ động đề xuất từ Quảng Ninh - một việc làm chưa từng có tiền lệ. Lúc đó, Quảng Ninh còn chưa biết gọi tên đó là đầu tư PPP”, ông Cao Tường Huy, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhớ lại. Năm 2013, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh với Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã nhận định rõ, phải tháo những “nút thắt” về hạ tầng cản trở sự phát triển của tỉnh, theo đó giao thông phải đi trước một bước.
Từ sự tiên phong này, hàng loạt dự án đường cao tốc, sân bay, cảng biển “ngàn tỷ” đã xếp hàng về đích chỉ trong vài năm tiếp theo. Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương có hệ thống giao thông đồng bộ bậc nhất cả nước, đứng đầu danh sách địa phương có chỉ số cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam như đánh giá trong Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022.
Phá bỏ “tư duy nhiệm kỳ”, trên nền tảng 7 quy hoạch chiến lược công bố năm 2013, những mục tiêu lớn được các thế hệ lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thực hiện bài bản với lộ trình và bước đi thích hợp. Các nhiệm kỳ kế tiếp nhau đã thể hiện rõ tinh thần kế thừa, đổi mới, đoàn kết nhất trí, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đột phá để chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh".
Khát vọng của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ chính là hiện thực hóa mục tiêu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp của người Quảng Ninh. Chính vì lẽ đó, nên những quyết sách, những chủ trương, các công trình thực hiện luôn nhận được sự ủng hộ từ người dân. “Sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân”, nhờ đó Quảng Ninh đã tạo nên kỷ lục giải phóng mặt bằng năm 2020, với chiến dịch “30 ngày đêm” giải phóng mặt bằng thi công đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sau điều chỉnh. Gần 1.200 hộ dân ký biên bản bàn giao 527 ha mặt bằng sạch chỉ sau 15 ngày phát động. Hay đó là câu chuyện tại thị xã Quảng Yên - nơi đang có tốc độ xây dựng nhanh nhất tỉnh, trong 3 năm qua (2020-2022), trung bình mỗi năm thị xã thực hiện giải phóng mặt bằng 40-50 dự án, tổng diện tích 2.500-3.500 ha, liên quan đến khoảng 10.000 hộ dân, nhưng không phải thực hiện cưỡng chế.
Để hiện thực hóa khát vọng phát triển, khát vọng thịnh vượng, Quảng Ninh đã chọn “Vay niềm tin, trả lợi ích”. Những năm qua, Quảng Ninh đã biến sự đồng thuận của người dân, sự đồng hành của doanh nghiệp thành những con đường, những công trình giao thông chiến lược, biến những vùng đất từng xa xôi, cách trở thành những “thỏi nam châm” thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, logistics, dịch vụ… “Rút ngắn đường xa”, “mở cửa bầu trời”, “khơi thông cửa biển”, hạ tầng giao thông là cơ sở để kích thích và thu hút dự án đầu tư đến các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT).
KKT ven biển Quảng Yên, KKT Vân Đồn, KKT cửa khẩu Móng Cái, 15 KCN đã và đang là điểm đến của các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, các tập đoàn lớn trong nước… Năm 2022, Quảng Ninh đứng thứ 3 trong top 10 địa phương thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất cả nước.
Quảng Ninh của hôm nay đã vươn lên, trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc, với 7 năm liền (2016-2022) tăng trưởng 2 con số.
Tầm cao mới, tầm nhìn mới
“Tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống vẻ vang và vị thế quan trọng của Quảng Ninh, nâng cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tiếp tục đổi mới tư duy, nếp nghĩ, cách làm để đưa Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, trở thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về các mặt. Phát triển nhanh nhưng phải bền vững; tránh tư tưởng chủ quan, thỏa mãn, nhất là với một tỉnh có tốc độ phát triển bứt phá như Quảng Ninh”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng căn dặn Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Quảng Ninh khi về thăm và làm việc hồi đầu tháng 4/2022.
Khát vọng phát triển toàn diện đã được thể hiện trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Thấm nhuần câu nói “Muốn đi xa, phải đi cùng nhau”, Quảng Ninh bắt tay với Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương ký thoả thuận hợp tác kết nối dựa trên trục cao tốc phía Đông đi qua các địa phương. “Sáng kiến mới này không chỉ phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh liên kết vùng, mà còn có tầm nhìn về xây dựng một mô hình liên kết kinh tế năng động, có định hướng toàn cầu”, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận xét.
Phá bỏ thế “độc đạo”, Quảng Ninh ngày càng trở thành điểm trung chuyển chiến lược trong vùng, xa hơn là trong khu vực Đông Á - Đông Nam Á, ASEAN - Trung Quốc, từng bước phát huy vai trò hạt nhân để đẩy mạnh liên kết trên mọi lĩnh vực.