Khát vọng chinh phục sao Hỏa của CEO Boeing

(ĐTCK) Tại sự kiện sáng tạo What’s Next được tổ chức ở Chicago (Mỹ) mới đây, ông Dennis Muilenburg, Tổng giám đốc (CEO) của Boeing đã có một phát biểu gây sốt: “Tôi tin chắc rằng, người đầu tiên đặt chân lên sao Hỏa sẽ đến đó bằng một tên lửa của Boeing”.
Mục tiêu mà Muilenburg hướng tới không chỉ là đưa Boeing “vượt mặt” Space X
Mục tiêu mà Muilenburg hướng tới không chỉ là đưa Boeing “vượt mặt” Space X

Tuyên bố trên được đưa ra vào thời điểm chỉ một tuần sau khi tỷ phú Elon Musk tiết lộ về kế hoạch chinh phục sao Hỏa tại Hội nghị quốc tế hàng không vũ trụ lần thứ 67 tại Guadalajara (Mexico). Như vậy, có thể thấy Boeing đang muốn “tuyên chiến” với Space X của Elon Musk, trong bối cảnh xu hướng đầu tư cho các chuyến bay thương mại vào vũ trụ đang trở nên phổ biến và Space X đang đe dọa đến nhiều công ty lớn trong cùng lĩnh vực bằng việc cung cấp những chuyến bay vào không gian với chi phí thấp hơn.

Giống như SpaceX, Boeing cũng đang tập trung xây dựng các khu thương mại không gian gần trái đất, để việc thám hiểm vũ trụ trở nên đơn giản hơn trong tương lai. Hiện tại, Boeing đã ký kết nhiều hợp đồng liên bang với nguồn đầu tư hàng chục tỷ USD cho hệ thống tên lửa đẩy Space Launch System (SLS) của NASA. Theo trang tin ArsTechnica, NASA sẽ chi khoảng 60 tỉ USD để phát triển và phóng tên lửa đẩy SLS, trước khi hướng đến mục tiêu đưa từ 4 đến 6 người lên sao Hỏa vào cuối thập niên 30 của thế kỷ 21. Đây là khoảng phí đầu tư chưa bao gồm chi phí tàu vũ trụ, hệ thống cư trú trong không gian sâu cũng như vật dụng sử dụng trên bề mặt của sao Hỏa. Boeing và SpaceX đều là những công ty thương mại đầu tiên mà NASA lựa chọn để chuyên chở các phi hành gia lên Trạm không gian Quốc tế.

Trong cuộc chiến chinh phục vũ trụ, lợi thế của Boeing là ở thâm niên lâu đời. Boeing đã đầu tư vào công nghệ vũ trụ trong hàng chục năm qua và là đối tác chính của NASA kể từ ngày thành lập. Boeing cũng chính là hãng cung cấp bộ phận đốt giai đoạn 1 của tên lửa Saturn V, thứ đã đưa các phi hành gia Mỹ đặt chân lên Mặt trăng; đồng thời cũng là một trong những nhà thầu thi công chương trình tàu con thoi và tham gia rất nhiều công đoạn trong việc xây dựng trạm không gian quốc tế ISS.

Song, mục tiêu mà Muilenburg hướng tới không chỉ là đưa Boeing “vượt mặt” Space X. Ngay từ khi nhậm chức CEO của Boeing hồi tháng 7/2015, Muilenburg đã ấp ủ và trình làng nhiều dự án tham vọng trong mục tiêu chinh phục vũ trụ của mình.

Tháng 9/2015, Muilenburg công bố kế hoạch mở dịch vụ du lịch vào vũ trụ bằng tàu CST-100 Starliner. Dự án hiện vẫn đang nằm trong giai đoạn nghiên cứu triển khai. Tàu vũ trụ CST-100 được thiết kế nhằm mục đích đưa các phi hành gia của NASA lên trạm vũ trụ quốc tế, cũng như đưa các hành khách lên trải nghiệm cảm giác không trọng lực. Quá trình phát triển, thử nghiệm tàu CST-100 được thực hiện tại Trung tâm vũ trụ NASA, Florida. Tàu vũ trụ Starliner nằm trong chuỗi dự án được tài trợ bởi NASA để đưa các phi hành gia Mỹ lên trạm vũ trụ quốc tế, qua đó tăng gấp đôi hiệu quả nghiên cứu tại đây.

Mẫu tàu CST-100 đầu tiên đang được Boeing tiến hành lắp ráp và đưa vào thử nghiệm trong thời gian sớm nhất. Chuỗi các thí nghiệm đối với dự án Starliner sẽ kéo dài tới cuối năm 2017 và kết thúc bằng thí nghiệm hủy chuyến bay. Thông qua đó, Boeing có thể đánh giá được tàu vũ trụ mới của mình đã sẵn sàng cho một chuyến du hành vũ trụ hay chưa.

Ông Liam Bailey, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu toàn cầu Knight Frank, từng đưa ra nhận định: “Một vài năm trước, không gian vũ trụ chỉ là chút niềm đam mê riêng, thì hiện nay, nó đã được nhìn nhận nghiêm túc như một cơ hội đầu tư thương mại”. Cùng quan điểm đó, CEO Muilenburg của Boeing cũng cho rằng, tương lai của sáng tạo sẽ không chỉ là về công nghệ, mà còn về lợi ích ứng dụng kinh tế.

CEO Muilenburg là người có mối quan tâm lớn đối với ngành hàng không vũ trụ. Không chỉ là lãnh đạo cấp cao tại Boeing, vị CEO 52 tuổi này còn giữ nhiều vị trí quan trọng khác tại các hiệp hội hàng không và vũ trụ. Ông là một thành viên của Hiệp hội Công nghiệp không gian vũ trụ (AIA), ủy viên của Ủy ban điều hành AIA, hội viên Hội đồng quản trị Bảo tàng Chiến tranh thế giới II và nhiều hiệp hội khác.

Mai Thảo (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục