Khát vọng bứt phá

(ĐTCK) Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để có mức tăng trưởng hai con số, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ là yếu tố then chốt.
Áp dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh có thể giúp doanh nghiệp tăng trưởng theo cấp số nhân. Áp dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh có thể giúp doanh nghiệp tăng trưởng theo cấp số nhân.

Đổi mới sáng tạo để thực hiện chiến lược “Go global”

Năm 2025, Việt Nam đứng trước ngưỡng cửa lịch sử quan trọng, thời điểm hội tụ sức mạnh đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình.

Đây không chỉ là khát vọng, mà còn là sứ mệnh nhằm xây dựng một Việt Nam hùng cường, phát triển toàn diện và hội nhập sâu rộng với thế giới.

Trong đó, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là động lực quan trọng hàng đầu để đổi mới phương thức quản trị quốc gia, sản xuất hiện đại, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước phát triển giàu mạnh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh: “Chúng ta chỉ có vượt qua thách thức nếu dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm”.

Để thực thi sứ mệnh này, cộng đồng doanh nghiệp đóng một vai trò quan trọng, bởi doanh nghiệp có lớn mạnh, phát triển thì nền kinh tế mới phát triển. Do đó, đòi hỏi các doanh nghiệp cũng phải đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Thực tế, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong nước đã tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, bước ra thị trường thế giới để tạo dư địa phát triển.

Chẳng hạn, trong năm 2024, Công ty cổ phần Phương tiện điện thông minh Selex (Selex Motors), start-up trong lĩnh vực sản xuất xe máy điện thông minh tại Việt Nam, đã lần đầu tiên đưa sản phẩm xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Cụ thể, Selex Motors xuất khẩu mẫu xe máy điện Selex Camel cùng hệ sinh thái, hạ tầng đổi pin, chia sẻ năng lượng sang thị trường Philippines.

Ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên, CEO Selex Motors cho biết, Công ty thường xuyên nhận được sự quan tâm, tìm hiểu của nhiều đối tác, quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Hiện tại, trong nước Selex Motors là đối tác của Grab, Be, Lazada, Sơn Hà…

Lợi thế lớn nhất của Selex Motors trong sản xuất xe máy điện là đã xây dựng được hệ sinh thái xe máy điện tối ưu cho giao vận đầu tiên ở khu vực. Trong đó, giải pháp đổi pin độc đáo với công nghệ bản quyền giúp giải quyết triệt để vấn đề bất tiện trong sạc pin.

Thay vì sạc pin mất 3-8 tiếng thì khách hàng có thể đổi pin đã hết, lấy pin đầy tại các trạm đổi pin của Selex. Quá trình đổi pin chỉ mất chưa đến 2 phút. Mạng lưới đổi pin của Selex Motors là mạng lưới đổi pin dùng chung đầu tiên ở Đông Nam Á.

Với công nghệ bản quyền, pin của Selex có thể tương thích và sử dụng bởi khoảng 70% xe máy điện trên thị trường. Do đó, mạng lưới đổi pin của Selex Motors có thể được chia sẻ và dùng chung bởi khách hàng sử dụng xe của các hãng khác nhau.

Trong khi đó, Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post, mã chứng khoán VTP) đã vươn xa toàn cầu khi là doanh nghiệp logistics duy nhất tại Việt Nam đầu tư vào Myanmar, Cambodia, Lào - 3 thị trường đầu tiên trong hành trình VTP “Go global”.

Mục tiêu của Viettel Post là xây dựng hạ tầng logistics xuyên biên giới, kết nối giữa ASEAN - Việt Nam - Trung Quốc, giúp tối ưu hóa thời gian và chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp Việt.

Trước đó, Viettel Post đã chủ động nghiên cứu, phát triển và làm chủ công nghệ logistics toàn trình thông minh tại Việt Nam, với các giải pháp tiên tiến như hệ thống robot tự động, quản lý kho và vận tải thông minh.

Hiện tại ở trong nước, Viettel Post là một trong các công ty chủ chốt trên thị trường chuyển phát nhanh, cùng với Giao hàng nhanh, BEST Express Vietnam, Giao hàng tiết kiệm, J&T Express (Vietnam), Kerry Express (Vietnam), Nasco Logistics, Nhất Tín Logistics, Nin Sing Logistics (Ninja Van), Swift247 và VNPost.

Trong lĩnh vực sản xuất, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại TNG cho biết, TNG đã ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số từ rất sớm, nhờ đó đã nâng cao năng suất, tối ưu chi phí, duy trì đà tăng trưởng mỗi năm.

Kinh tế Việt Nam sẽ có tăng trưởng tốt về dài hạn với lĩnh vực công nghệ. Công nghệ là lĩnh vực giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng theo cấp số nhân, thay vì tăng trưởng theo lao động hay từ nguồn vốn đầu tư.

Ông Trịnh Hà - Chuyên gia tài chính độc lập

Năm 2024, TNG ước đạt lợi nhuận 315 tỷ đồng, vượt 44% so với cùng kỳ năm 2023 và vượt 2% kế hoạch năm. Công ty đã ký sẵn đơn hàng mới tới tháng 6/2025 với tiềm năng tăng trưởng tích cực. Nắm thế mạnh về sản phẩm, công nghệ, nâng cao năng suất, TNG tiếp tục chinh phục khách hàng khó tính tại các thị trường Mỹ, Pháp, Đức…

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp như TNG đã đặt yếu tố ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo lên hàng đầu để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Công nghệ giúp kinh tế bứt phá

Ông Trịnh Hà, chuyên gia tài chính độc lập nhận định, kinh tế Việt Nam sẽ có tăng trưởng tốt về dài hạn với lĩnh vực công nghệ. Công nghệ là lĩnh vực giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng theo cấp số nhân thay vì tăng trưởng theo lao động hay từ nguồn vốn đầu tư.

Nhiều dấu hiệu cho thấy, Chính phủ đã tập trung vào thu hút các loại hình đầu tư về công nghệ cao như hợp tác với NVIDIA và tăng cường hỗ trợ Viettel xây dựng nhà máy sản xuất chip đầu tiên của Việt Nam… Đây là dấu hiệu tích cực, giúp Việt Nam tránh được sự giảm sút trong các ưu thế cũ gần đây như chi phí lao động, chi phí năng lượng, hay các lợi thế khác.

“Việt Nam cũng có thể nhận được nguồn chuyển giao công nghệ, cũng như các hỗ trợ tốt hơn từ Mỹ trong sản xuất và khai thác. Những cơ hội này có thể đưa nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ hơn”, ông Hà nhấn mạnh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đã tiếp xúc, làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như Qualcomm, Google, Meta, LAM Research, Qorvo, AlChip... Các tập đoàn này có kế hoạch cụ thể chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam, phát triển các trung tâm nghiên cứu, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam. Việt Nam hiện có 174 dự án vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD.

Theo TS. Lương Văn Khôi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp đã tăng lên gần gấp đôi so với 10 năm trước. Năm 2025, nền kinh tế Việt Nam được nhận định chắc chắn có sự bứt phá về tăng trưởng

Trong việc ứng dụng công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) ảnh hưởng rất lớn tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Xét tại lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, AI giúp dự đoán xu hướng thị trường và cải thiện trải nghiệm khách hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hoá chuỗi cung ứng.

AI được dự đoán sẽ đóng góp tới 15.700 tỷ USD cho GDP toàn cầu vào năm 2030. Do đó, việc sử dụng AI là một trong những yêu cầu cấp bách phải thực hiện đối với mọi quốc gia, doanh nghiệp.

Ngoài động lực từ chuyển đổi số, việc 63 tỉnh, thành phố triển khai đồng loạt quy hoạch trên cơ sở khai thác tiềm năng lợi thế…, cũng sẽ là yếu tố đóng góp cho tăng trưởng trong thời gian tới.

“Một khi ứng dụng AI để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, không có nhiều hoài nghi về tốc độ tăng trưởng hai con số”, TS. Lương Văn Khôi dự báo.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục