Ông Ng Goon-lau chỉ vào chiếc cửa sổ trong căn phòng ngủ nhỏ xíu, tối om - chiếc cửa sổ rất nhỏ và đã được dán kín, mà như lời giải thích của ông, là một nơi hoàn hảo để tự đầu độc bằng khí CO.
"Đó là vì sao nó rẻ", Ng Goon-lau nói. Người đàn ông 66 tuổi với mái tóc bạc đã mua căn hộ nhỏ xíu chỉ 30m2 này sau khi ở đây từng xảy ra hai vụ tự tử, với giá chỉ hơn 1 triệu đôla HK (khoảng 2,9 tỷ đồng) vào năm 2010, thấp hơn 30% so với giá thị trường.
8 năm sau, căn hộ này hiện trị giá khoảng 4,4 triệu đôla HK, ông ước tính.
Được truyền thông địa phương đặt biệt danh "Vua của các căn hộ ma ám", Ng đã nổi danh vì chuyên đầu cơ những "hongza", hay những căn hộ xui xẻo thế này - là những nơi ở từng xảy ra bi kịch, như tự tử. Đôi khi, ông có thể mua được vài căn nhà với giá rẻ hơn thị trường tới 40%.
Tuy thế, giá nhà liên tiếp phá kỷ lục ở Hong Kong trong vài năm gần đây đã đẩy nhiều người đến chỗ coi các căn hộ kém may mắn này là món hời tốt để sang tên, bất chấp quá khứ đau buồn của nó, theo channelnewsasia.
Những căn nhà vận rủi từng thấp hơn giá thị trường 30% vào năm 2013, nhưng giờ chỉ còn thấp hơn 10%, và năm ngoái khoảng cách này còn thu hẹp hơn nữa, Ng cho biết.
"Thị trường giờ thật điên rồ, nhu cầu quá lớn. Mua một căn hộ kém may mắn là một giải pháp rất thực tế để được sở hữu nhà, vì thế cạnh tranh rất khốc liệt", ông nói với Reuters.
Giá nhà tăng liên tục khiến Hong Kong giờ trở thành một trong những nơi có bất động sản đắt nhất thế giới. Một nhân viên dịch vụ lành nghề cần làm việc 20 năm mới đủ tiền mua một căn hộ 60m2 gần trung tâm thành phố, theo báo cáo của UBS tháng 9 năm ngoái.
Chỉ khoảng 20% trong số 1,85 triệu người đang đóng thuế tại đây có thể chi trả cho một căn hộ giá trung bình khoảng 8 triệu đôla HK. Các chuyên gia phân tích giá nhà sẽ còn tăng nữa, khoảng 8-17%.
Ngay cả ông Ng, người đã mua đi bán lại hàng tá căn hộ ma ám từ những năm 1990, và chuyển hóa chúng thành lợi nhuận, cũng không hình dung nổi làn sóng tăng giá này.
Giá nhà cao và thuế đánh nặng trên việc bán đi bán lại đã khiến ông không mua thêm nổi căn nhà nào như vậy trong 6 năm qua.
Hong Kong, dù là một thành phố hiện đại, nhưng người ta vẫn giữ niềm tin cổ truyền, nhất là các yếu tố liên quan đến phong thủy.
Nhiều người tin rằng linh hồn của người tự tử vẫn còn bị nhốt trong căn nhà đó, cố gắng hoàn thành việc họ chưa làm được khi còn sống, quấy nhiễu cuộc sống của người đến sau. Vì thế, các căn hộ này bị coi là kém may mắn. Vì thế, người bán thường giấu kín thông tin này.
"Tôi chẳng sợ chút nào", Jenny Yuen, người từng thuê một trong các căn hộ vận rủi của ông Ng, nơi ở đầu tiên sau khi cô từ đại lục chuyển tới, cho biết. "Ai cũng phải chết. Đó là điều bình thường thôi".