Khát lao động, doanh nghiệp chỉ phục hồi 50-70% công suất

(ĐTCK) Nhiều nhà máy ở phía Nam vẫn đang thiếu lao động sau làn sóng “bỏ phố về quê” vì dịch bệnh vừa qua, lúc này đang rất cần những giải pháp cấp bách để bổ sung nguồn nhân lực.
Đang cần nhiều nỗ lực từ cả cơ quan quản lý, các doanh nghiệp để "kéo" người lao động trở lại sản xuất. Ảnh: Internet.

Chưa thể hồi phục sản xuất 100%

Theo Ban Quản lý các Khu Chế xuất, Khu Công nghiệp TP.HCM, tính đến đầu tháng 11, hơn 1.340/1.400 doanh nghiệp tại các Khu Công nghiệp, Khu Chế xuất của Thành phố đã có thông báo phục hồi sản xuất với hơn 216.000 người lao động đăng ký hoạt động trở lại, đạt 75% so với thời điểm trước dịch.

Tuy vậy, do các doanh nghiệp vẫn đang phải thích ứng từng bước theo bộ tiêu chí sản xuất an toàn của thành phố nên các nhà máy, xí nghiệp vẫn chưa hoạt động sản xuất 100% công suất mà chỉ phổ biến đạt 50 - 70% công suất.

Thiếu hụt lao động đang là nguyên nhân chính khiến các nhà máy, xí nghiệp chưa thể trở lại trạng thái bình thường như trước đây.

Đánh giá về việc thiếu hụt nguồn nhân lực phục vụ sản xuất sau làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, ông Nguyễn Duy Tuyên, Bộ phận Tư vấn đầu tư Công ty cổ phần Long Hậu cho rằng, tình trạng người lao động rời thành phố về quê có 3 nguyên nhân chính là mất việc; lo ngại về sức khỏe (lo lắng bị nhiễm bệnh, nhất là tỷ lệ phủ vắc-xin còn thấp thời gian trước) và chỗ ở (thuê nhà trọ gần chỗ làm việc, với không gian chung chật hẹp khả năng lây nhiễm chéo cao).

Trên thực tế, nhiều chủ doanh nghiệp và các chủ đầu tư khu công nghiệp đang thực hiện nhiều giải pháp, nỗ lực để “kéo” người lao động quay lại làm việc.

Báo cáo nghiên cứu của Ban điều hành Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam (VISA) khi thực hiện trên 109 nhà máy, xí nghiệp đã gọi tên đến 22 khó khăn, trong đó có 4 khó khăn chính mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt, đó là: thiếu hụt nguyên liệu, nhân lực; thiếu cơ sở vật chất; khó khăn bán hàng và tài chính.

Giải pháp cấp bách và dài hạn

VISA cũng đề xuất nhiều giải pháp cấp bách để tháo gỡ tình trạng này, trong đó, riêng với câu chuyện nguồn nhân lực đã có nhiều vấn đề nổi cộm như: thí điểm “3 tại chỗ Xanh” cho một số người lao động đi làm từ nhà (người lao động thuộc nhóm thí điểm sẽ ký cam kết với nhà máy bằng văn bản chỉ di chuyển giữa nhà và công ty, tuân thủ 5K cũng như các yêu cầu phòng dịch khi ở nhà);

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xem xét cơ chế (hoặc trình xin ý kiến Quốc hội để ban hành cơ chế) cho phép doanh nghiệp sau thời gian giãn cách được chủ động bố trí thời gian làm thêm của người lao động có thể hơn 40 giờ/tháng để giải quyết các công việc gấp, tồn đọng;

Tạo thuận lợi linh hoạt cho phép doanh nghiệp có thể duy trì lao động 30% - 50% - 70% - 100% công suất so với trước dịch bệnh ở nhiều kịch bản khác nhau, địa phương khác nhau (kèm theo cam kết và kế hoạch phòng dịch cụ thể của doanh nghiệp).

Riêng với vấn đề xét nghiệm và phòng chống dịch tại chỗ, VISA cho rằng, Bộ Y tế, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp cần cung cấp kit xét nghiệm SARS-CoV2 kháng nguyên, khẩu trang y tế, bao tay y tế... với giá sản xuất để các nhà máy chủ động tự xét nghiệm nhằm giảm chi phí; Ủy ban nhân dân các tỉnh, CDC địa phương có nguồn lực sẵn sàng hỗ trợ nhanh chóng khi nhà máy xét nghiệm phát hiện F0.

Bên cạnh đó, hình thành mô hình CDC Khu công nghiệp để hỗ trợ y tế cho nhà máy; Ủy ban nhân dân các tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp cho phép xét nghiệm SARS-COV2 mẫu gộp để giúp nhà máy giảm chi phí xét nghiệm, phối hợp với y tế địa phương hỗ trợ công tác xét nghiệm cho các nhà máy, thu gom mẫu theo định kỳ...

Về lâu dài, theo VISA, cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó, Bộ Thông tin Truyền thông, Ủy ban nhân dân các tỉnh nơi lao động thường trú hỗ trợ tuyên truyền vận động lao động quay trở lại nhà máy sau dịch bệnh để giúp nhà máy phục hồi sản xuất, giảm chi phí tuyển dụng và đào tạo.

Người lao động là hạt nhân cần hỗ trợ

Trao đổi cùng phóng viên, đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) cho biết, doanh nghiệp cũng đã phối hợp cùng Ban Quản lý các khu công nghiệp, các khách thuê để thực hiện đánh giá về nguồn nhân lực sau dịch, từ đó, đề ra các giải pháp để đưa người lao động quay trở lại nhà máy, xí nghiệp.

IDICO cũng thành lập Ban hỗ trợ xử lý Covid-19 nằm trong các khu công nghiệp để thực hiện phần việc này. Mục tiêu là tìm mọi cách để đưa người lao động quay trở lại phục vụ sản xuất sớm nhất có thể.

Còn với Khu công nghiệp Long Hậu, chủ đầu tư cho biết, khả năng cao là mức thâm hụt lao động từ nay đến cuối năm vẫn ở mức cao. Để khắc phục tình trạng này, Long Hậu cũng đang phối hợp cùng các doanh nghiệp xúc tiến chương trình tìm kiếm “Ứng viên xanh”, hỗ trợ kết nối người lao động và doanh nghiệp, tìm người lao động, tìm việc cho người lao động. Đến nay, đã có 90% lao động trong khu công nghiệp Long Hậu được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin.

Với chương trình “Ứng viên xanh”, Long Hậu sẽ ghi nhận nhu cầu và tiêu chuẩn tuyển dụng, hỗ trợ phỏng vấn sàng lọc ứng viên, hướng dẫn ứng viên cách phòng dịch trong doanh nghiệp, kiểm soát các rủi ro dịch bệnh từ ứng viên bằng cách kiểm tra qua nhiều tiêu chuẩn (nơi ở, tiêm vắc-xin, nguy cơ tiếp xúc…). Qua đó, các doanh nghiệp có thể tìm được số lượng lớn ứng viên an toàn, chất lượng, đa ngành nghề với chi phí tuyển dụng thấp, tiết kiệm thời gian, nhân lực trong khâu phỏng vấn và tuyển chọn ứng viên.

Về phía người lao động, chương trình sẽ hỗ trợ phỏng vấn online, qua đó chọn lọc và kết nối ứng viên đến các doanh nghiệp đang có nhu cầu phù hợp. Điều này giúp người lao động nhanh chóng tìm và nhận việc ngay tại các doanh nghiệp đa ngành nghề trong khu, thu nhập hấp dẫn và đặc biệt là tiết kiệm thời gian tìm việc.

Trong giai đoạn đầu triển khai, chương trình “Ứng viên Xanh” sẽ hỗ trợ các ứng viên hiện đang sinh sống tại Khu lưu trú Khu công Long Hậu (khu nhà ở dành cho chuyên gia và người lao động trong khu, hiện đang là khu vực xanh). Trong giai đoạn tiếp theo, chương trình sẽ mở rộng đối tượng tham gia bao gồm tất cả người lao động đang có nhu cầu tìm việc tại khu công nghiệp thông qua các kênh tuyển dụng: fanpage tuyển dụng khu công nghiệp Long Hậu…

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục