Khánh thành và khai mạc Lễ hội Đền A Sào

Hôm nay (10/3), tại Khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Đình, Đền, Bến Tượng A Sào (xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) tổ chức khánh thành và khai mạc Lễ hội truyền thống Đền A Sào thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày (10 - 12/3).
Lễ hội Đền A Sào góp phần đưa Thái Bình trở thành một điểm đến du lịch tâm linh hấp dẫn Lễ hội Đền A Sào góp phần đưa Thái Bình trở thành một điểm đến du lịch tâm linh hấp dẫn

Từ một đại bản doanh tích trữ binh lương…

A Sào có tên gốc là A Cảo, một vùng đất nằm ven sông Hóa (nay thuộc xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình). Một vùng đất cổ, hội tụ khí thiêng sông biển, địa thế hiểm yếu, nên đã được Triều Trần chọn làm thái ấp của Phụng Càn Vương Trần Liễu, thân phụ của Trần Quốc Tuấn).

Năm 1258, khi quân dân nhà Trần tiến hành cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ nhất, Trần Quốc Tuấn mới 18 tuổi, nhưng đã được phong tước Thượng vị hầu và được Triều đình giao về trấn thủ đất A Sào.

Trước khi diễn ra cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ hai, vua Trần đã cùng Trần Quốc Tuấn về vùng đất hai bên sông Hóa (Thái Bình và Hải Phòng) tổ chức xây dựng một phòng tuyến thế trận thủy chiến.

Khi đó, A Sào đã trở thành địa danh với ý nghĩa là “cái ổ, cái tổ” của nhà Trần. Theo sử sách ghi chép lại, Trần Quốc Tuấn được triều đình giao trọng trách xây dựng lực lượng quân sự cùng hệ thống kho tàng tích trữ binh lương. Nhân dân khắp vùng ùn ùn mang thóc gạo mong được góp công, góp của cùng Triều đình đánh giặc. Đến mức, các kho ở Mễ Thương, kho nào, kho nấy đầy ắp, phải làm thêm nhiều kho khác. “Thực túc binh cường”, hệ thống kho lương thảo, vũ khí ở A Sào đã trở thành hậu cứ vững chắc cùng với Long Hưng (Hưng Hà) tạo nên tiềm lực hậu cần to lớn cho đại binh nhà Trần đủ sức kháng chiến đánh tan giặc Nguyên - Mông.

Sau hơn 700 năm, nơi này vẫn còn khắc ghi các dấu tích kho lương gắn liền với các làng xã, như làng Mễ Thương (kho gạo), A Mễ (nơi để gạo của nhà Trần), Đại Nẫm (kho thóc lớn), làng Am Qua (kho gươm)...

… đến cuộc chia tay lịch sử trào nước mắt

A Sào không chỉ gắn liền với cội nguồn, với nhiều chiến tích trong sự nghiệp quân sự của Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, mà còn lưu giữ cuộc chia tay lịch sử.

Bến Tượng xưa thuộc địa phận A Sào nằm bên bờ sông Hoá, nơi đặt đồn binh tích trữ quân lương của Hưng Đạo Đại Vương. Năm 1288, một lần xuất quân đánh quân của Ô Mã Nhi trên sông Bạch Đằng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ ba, Voi chiến của Trần Quốc Tuấn bị sa lầy bên bờ sông Hóa. Nhân dân đã mang gỗ, tre, rơm, rạ, có hào kiệt tháo cả nhà gỗ lim cùng bè mảng tìm cách cứu Voi chiến, nhưng không kéo Voi lên được. Trong khi đó, thế trận quá khẩn trương, nên chủ tướng Trần Quốc Tuấn đành nuốt nước mắt lên thuyền vượt sông đánh giặc.

Voi chiến ứa nước mắt nhìn chủ tướng, kêu rống lên thảm thiết rồi từ từ chìm vào lòng đất. Tiếc thương Voi chiến đạo nghĩa, Hưng Đạo Đại Vương đã tuốt gươm chỉ xuống dòng sông, hét lên thề rằng: “Nếu trận này không thắng giặc Thát, ta thề không trở lại bến sông này nữa”.

Hưng Đạo Đại Vương cùng quân dân nhà Trần đã thực hiện được lời thề sinh tử đó, đánh bại giặc Nguyên - Mông hung hãn, bảo vệ giang sơn gấm vóc Đại Việt. Hưng Đạo Đại Vương đã cho đắp mộ Voi nơi bến sông và nhân dân đã lập miếu thờ. Từ đó, bến sông có tên là Bến Voi, Bến Tượng. Rồi nhân dân A Sào đã tạc tượng Voi bằng đá thờ tại bến sông.

Đây là cuộc chia tay có một không hai trong lịch sử bao cuộc kháng chiến chống ngoại xâm oanh liệt của dân tộc ta, đầy tính nhân văn, thấm đẫm tình người giữa một chủ tướng và một “chiến sỹ đặc biệt” - Voi chiến trung thành. Cuộc chia tay đã trở thành một huyền thoại tâm linh thiêng liêng gắn liền với di tích Bến Tượng có một không hai.

Đầu tư xây dựng di tích quốc gia

Với những giá trị lịch sử - văn hóa có một không hai đó, ngày 14/4/2011, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã cấp bằng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia cho Khu di tích Đình, Đền, Bến tượng A Sào.

Ngày 7/10/2011, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 1991 phê duyệt tổng thể quy hoạch Khu di tích, với tổng diện tích 31,7 ha. Trong đó, di tích Đền A Sào 0,67 ha; di tích Bến Tượng 1,65 ha; sân lễ hội 1,56 ha; di tích Gò đóng yên 0,11 ha; bãi đỗ xe 2,28 ha; khu vực cây xanh, công viên 10,56 ha; xây dựng công trình dịch vụ 0,6 ha; hệ thống giao thông đường trục chính, đất ruộng, mặt nước, đất tái định cư, vỉa hè, đường bộ... 14,21 ha.

Ngày 27/4/2012, UBND tỉnh Thái Bình đã quyết định xây dựng khu Đền, gồm nhà Tiền tế, 2 nhà Giải Vũ, toà Đại Bái và Hậu Cung chồng diêm 2 mái, Lầu chiêng, Lầu trống, hồ phong thủy, Nghi Môn và các công trình phụ trợ, với tổng vốn đầu tư 41 tỷ đồng. Công ty cổ phần Nhân Bình là đơn vị vinh dự được xây dựng công trình lịch sử này.

Công trình được khởi công ngày 13/8/2012 và hoàn thành ngày 28/12/2013. Công trình được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, cùng với sự thành tâm công đức của các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp gần xa. Như tòa Đại Bái, Hậu Cung, trang trí nội thất và nhiều đồ thờ cúng cùng lư hương, cây đèn, đỉnh đồng ở sân Đại Bái, chiêng trống, bàn thờ, cây xanh, cây cảnh... là của các nhà hảo tâm công đức.

Cùng với Đền A Sào, các tuyến đường giao thông về A Sào đã được đầu tư xây dựng, như tuyến ĐH76 nối dài từ xã Quỳnh Minh về A Sào; ĐH72 với mặt đường rộng 8 m từ xã An Khê, An Đồng về A Sào rồi đi An Cầu, An Ninh, An Bài ra Quốc lộ 10; đường ra Bến Tượng, đường điện cao áp, vỉa hè, cây xanh, bãi đỗ xe.... Tất cả đã cơ bản hoàn thành để phục vụ lễ hội.

Ông Phạm Tiến Thao, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ cho biết, Dự án Di tích Bến Tượng đã được phê duyệt, với tổng nguồn vốn dự kiến 82 tỷ đồng, gồm tượng đồng Trần Hưng Đạo cao 9,7 m, đặt trên bệ cao 7 m mô phỏng tư thế đứng chỉ tay xuống sông cùng lời thề bất hủ khi chia tay Voi chiến; nhà trưng bày hiện vật; khu dịch vụ; sân quảng trường; hệ thống cây xanh, cây cảnh...

Ông Thao cũng cho biết, họ Trần tại TP.HCM đang kêu gọi các nhà hảo tâm và bà con công đức xây dựng di tích Bến Tượng, mà trước hết là đúc pho tượng đồng Hưng Đạo Đại Vương.

Trong khi đó, di tích Đình (Mễ Thương thắng tích), khu phủ đệ, sân lễ hội, khu điều hành, nhà trưng bày cũng đang trong giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng (trong năm 2014 và những năm tiếp theo). Các công trình này dự kiến được hoàn thiện vào năm 2016.

Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng lãnh đạo tỉnh Thái Bình, huyện Quỳnh Phụ trồng cây tại Đền A Sào

Lễ hội A Sào

Hàng năm, vào ngày 10/2 âm lịch, tương truyền là ngày sinh của Hưng Đạo Đại Vương, dân làng A Sào mở hội tế lễ Đức Thánh Trần và Lễ hội làng A Sào.

Đây là một trong những lễ hội lớn nhất vùng. Theo lệ xưa, mọi nghi thức trong lễ hội này đều theo nghi thức quốc gia, Triều đình thường cử các quan về hành tế và thường có bánh giày - loại bánh mà nhân dân trong vùng đã gói hàng ngàn, hàng vạn chiếc làm lương thực cho đoàn quân vượt sông Hóa đi đánh giặc năm xưa.

Lễ hội A Sào năm nay diễn ra rất long trọng trong 3 ngày, với nhiều hoạt động phong phú cả phần lễ và phần hội. Sáng 10/3, có màn trống hội và biểu diễn vở chèo “A Sào hiển Thánh”; chiều lễ rước bộ, buổi tối truyền hình trực tiếp lễ khai mạc lễ hội và cắt băng khánh thành Đền A Sào trên kênh VTC14 - Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC. Ngày 11/3, tổ chức thi đấu pháo đất, bóng chuyền, cờ tướng, tế lễ của 16 đội tế nữ quan, nam quan và chương trình ca nhạc đặc biệt do các ca sỹ nổi tiếng biểu diễn. Ngày 12/3, tiếp tục diễn ra các trò chơi dân gian đậm nét văn hóa lúa nước sông Hồng, như thi bơi chải, thi giã bánh giày, múa kéo chữ...

Lời nhắn gửi tới muôn phương

Cùng với di tích các lăng mộ Vua Trần ở Tam Đường Hưng Hà, sự kiện khánh thành Đền A Sào và tới đây là di tích Bến Tượng, di tích Đình (Mễ Thương thắng tích) thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn sẽ góp phần lưu giữ, tôn vinh những sự kiện, hình ảnh của một giai đoạn lịch sử hào hùng, tinh thần “Sát Thát” của Triều đại Nhà Trần, với chiến công 3 lần chiến thắng lẫy lừng trước quân xâm lược Nguyên - Mông hung hãn của thế kỷ thứ XIII.

Khu di tích A Sào sẽ là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, khẳng định sức mạnh của dân tộc ta trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm. Đình, Đền, Bến tượng A Sào sẽ trở thành một chân kiềng trong 3 di tích: Chùa Keo - Vũ Thư (di tích quốc gia đặc biệt), Khu lăng mộ các vua Trần - Hưng Hà (di tích quốc gia) và cùng với hàng ngàn di tích khác đưa Thái Bình trở thành một điểm du lịch tâm linh hấp dẫn trên con đường du lịch tâm linh vùng châu thổ sông Hồng.

Với giá trị và ý nghĩa to lớn đó, việc tiếp tục đầu tư xây dựng, tân tạo, trùng tu hoàn chỉnh Khu di tích Đình, Đền, Bến Tượng A Sào cần được các cấp, các nhà hảo tâm và khách thập phương xa gần chung tay góp sức để Khu di tích đúng tầm vóc của một di tích lịch sử văn hóa quốc gia - nơi tưởng nhớ Hưng Đạo Đại Vương, “Đức Thánh Trần”, Anh hùng dân tộc và là một trong 20 vị tướng huyền thoại của nhân loại.

Lã Quý Hưng(baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục