Thường trực Ban chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa vừa có kết luận sau khi nghe đơn vị tư vấn báo cáo việc lập Điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040.
Theo đó, Thường trực Ban chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa yêu cầu việc Điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Nha Trang phải gắn với định hướng, mục tiêu, tiêu chí để đưa Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Trong đó, Thường trực Ban chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa cho rằng cần làm rõ quy mô tăng dân số gắn với mục tiêu thu hút đầu tư các dự án đô thị, bất động sản lớn, đẳng cấp, khai thác sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất; gắn với phân bố không gian phát triển hài hòa, hợp lý theo hướng mở rộng không gian phát triển về phía Bắc của Thành phố Nha Trang (xã Vĩnh Lương, núi Cô Tiên) kết nối với khu vực phía Nam thị xã Ninh Hòa (đầm Nha Phu) và mở rộng không gian phát triển về phía Tây Thành phố Nha Trang (khu vực đồi núi).
Về đề xuất của đơn vị tư vấn quy định: “Công trình điểm nhấn có hệ số sử dụng đất không quá 20 lần; một số vị trí đặc biệt quan trọng (trong dải đô thị ven biển, trong khu đô thị sân bay Nha Trang, trên đảo Hòn Tre, trên các đảo đô thị trong khu vực đồng trũng phía Nam đường Phong Châu…) thì hệ số sử dụng đất không vượt quá 22 lần”, Thường trực Ban chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa cơ bản thống nhất.
Tuy nhiên, Thường trực Ban chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu kỹ, không lạm dụng và phải lựa chọn, xác định được vị trí cụ thể phù hợp (trong quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết), đảm bảo phát huy hiệu quả và mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.
Việc cập nhật, định hướng phạm vi thực hiện dự án (nhất là các dự án ven đồi núi) vào Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Nha Trang đến năm 2040, Thường trực Ban chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đồng ý về chủ trương và giao UBND tỉnh Khánh Hòa rà soát kỹ các dự án, đảm bảo đầy đủ pháp lý mới cho phép cập nhật vào đồ án.
Về quy hoạch xây dựng và không gian kiến trúc, Thường trực Ban chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa yêu cầu nghiên cứu không chỉ lập quy hoạch xây dựng nhà cao tầng “hướng biển” mà còn quy hoạch nhà cao tầng ven sông (sông Cái, sông Quán Trường); nghiên cứu quy hoạch nhằm khai thác hiệu quả các khu đô thị ở khu vực núi (trừ các khu vực có nguy cơ sạt lở và các khu vực không được phép xây dựng); đồng thời hạn chế tối đa việc lập quy hoạch các khu đô thị (chủ yếu phục vụ việc phân lô, bán nền) không đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đi kèm, không thu hút được người dân đến sinh sống.
Phân lô, bán nền tràn lan tại các vùng ven của Thành phố Nha Trang, Khánh Hòa như huyện Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa, huyện Cam Lâm. Ảnh: P.L |
Trước thời điểm dịch bệnh Covid-19, vấn nạn phân lô, bán nền ở các vùng ven Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa như huyện Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa và huyện Cam Lâm diễn ra sôi động.
Đặc biệt là sau khi tuyến đường Cao Bá Quát - Cầu Lùng (Thành phố Nha Trang) mở ra, kết nối với Quốc lộ 27C đi Thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), tại huyện Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa) trở thành “điểm nóng” về vấn nạn chuyển đất lúa, đất nông nghiệp... sang đất thổ cư, nhất là trước thông tin huyện này đạt đô thị loại IV và sẽ lên thị xã trong tương lai gần.
Văn bản số 104 ngày 16/5/2019 của UBND huyện Diên Khánh thể hiện, trong những năm cuối năm 2018 và đầu năm 2019, do thị trường bất động sản có biến động lớn, Diên Khánh là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng do tác động này. Vì vậy, hồ sơ đăng ký biến động đất đai của người sử dụng đất có yêu cầu đo đạc, tách thửa, chuyển nhượng, chia tách quyền sử dụng đất rất lớn.
Báo cáo giám sát của HĐND huyện Diên Khánh vào tháng 4.2019 cho thấy, diện tích đất chuyển mục đích từ đất lúa sang đất ở trên địa bàn huyện này là rất lớn. Cụ thể, tại các xã Diên An, Diên Toàn, Diên Thạnh, Diên Phú trong các năm 2017, 2018 hơn là 133 nghìn m2. Tuy nhiên, diện tích xây dựng lại chiếm tỉ lệ thấp so với diện tích đã được chuyển mục đích (12,5%), tức là chỉ xây dựng khoảng 17.000 m2.
Ngoài ra, việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong một số vùng dự kiến phân lô, tách thửa chưa được nhà đầu tư thực hiện đúng theo quy định của chính quyền huyện.
Điều đáng nói là dù ồ ạt chuyển đổi mục đích sử dụng đất (nhất là đất lúa, đất trồng cây lâu năm...) sang đất ở, các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và quy hoạch ngành lại không đồng bộ thống nhất, dẫn đến sự chồng chéo, khó khăn trong quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng.
“Cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong các dự án khu đô thị, khu tái định cư và khu dân cư mới hình thành chưa được đồng tư đồng bộ, cấp nước, thoát nước, điện, cây xanh, giao thông nội bộ chật hẹp, có nơi hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân” - HĐND huyện Diên Khánh nêu tại báo cáo giám sát.
HĐND huyện Diên Khánh đề nghị UBND huyện Diên Khánh chỉ đạo các cơ quan, phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường công tác kiểm tra về kiến trúc, xây dựng, tiến độ triển khai dự án và xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng, trong đó có các dự án đã và đang được cấp phép xây dựng trên diện tích đất lúa.
Đáng chú ý, tại huyện Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa... còn xuất hiện nhiều khu đất sau phân lô, tách thửa rồi rao bán như một dự án, khiến người mua ngộ nhận về sản phẩm dự án nhà ở được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Vì lòng tham, các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh bất động sản đổ về các địa phương thu gom đất lúa, đất nông nghiệp rồi làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng và rao bán lại với giá cao để hưởng lợi. Trong khi đó, nhiều người dân sau khi mua đất xong thì bỏ đó mà không tiến hành xây dựng nhà ở, khiến tỉ lệ xây dựng không vượt qua được con số 15% như đã đề cập ở trên.
Hệ lụy lớn từ cấp phép dự án trên núi
Còn nhớ, ngày 5/12/2018, các dự án đào bới, san lấp trên núi đã “đốt nóng” kỳ họp HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VI (nhiệm kỳ 2016 - 2021). Lúc đó, Đại biểu Nguyễn Quốc Thịnh ví von: “Nha Trang lâu nay được cả nước biết đến là thương hiệu phố biển xinh đẹp, nhưng hình như những năm gần đây đang phấn đấu xây dựng thêm thương hiệu nữa. Đó là phố núi”.
Theo ông Thịnh, hiện nay tại Nha Trang có nhiều dự án đã và đang san lấp núi để xây dựng nhà ở, khu đô thị. Ông Thịnh đặt hàng loạt câu hỏi: “Những dự án đó đã được báo cáo đánh giá tác động môi trường hay không; các cơ quan có trách nhiệm đã thẩm tra, có kết luận về báo cáo đánh giá tác động môi trường như thế nào chưa; việc xây dựng nhiều dự án trên núi, giảm tỉ lệ che phủ rừng thì ảnh hưởng gì, góp phần gì vào vấn đề mưa, bão, lụt vừa qua; ý kiến của các cơ quan chuyên môn đánh giá về môi trường của các dự án trên núi chưa?”.
Còn Đại biểu Đoàn Minh Long cho rằng, rất nhiều hộ dân đến chân núi xây nhà tự phát (có nơi xây cả hàng trăm căn), chính quyền địa phương lại không xử lý, nên có một cơn mưa, cơn lũ là mất người, mất nhà cửa. Theo ông Long, tình trạng này trách nhiệm của chính quyền địa phương.
“Nói xử lý thì các đồng chí bảo rất khó. Theo tôi, hội đồng nhân dân cấp xã, huyện có thể họp, lấy phiếu tín nhiệm. Nếu đồng chí chủ tịch xã, phường không hoàn thành tốt nhiệm vụ thì thay người người khác chứ không thể để như thế được”.
Điều xót xa nhất là trong đợt mưa lũ ngày 18/11/2018 tại Nha Trang (Khánh Hòa) cướp đi 21 mạng người, trong đó chủ yếu là do sạt lở núi. Riêng vụ sạt lở núi ở xã Phước Đồng cướp đi 11 mạng người và vụ vỡ hồ bơi vô cực của dự án Khu dân cư cao cấp Hoàng Phú làm 4 người chết, 10 ngôi nhà bị đổ sập... Câu hỏi “những tang tóc, đau thương đó do thiên tai hay nhân tai” là câu hỏi đến nay vẫn bị bỏ lửng.