Thiệt hại nặng nề
Trước đó, ngày 19/2 với nội dung về khảo sát, xem xét về thực trạng phát triển của ngành dịch vụ, du lịch Khánh Hòa, đoàn công tác của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) do Phó tổng cục trưởng Hà Văn Siêu dẫn đầu đã lắng nghe những chia sẻ khó khăn của các doanh nghiệp lữ hành, Hiệp hội du lịch và lãnh đạo địa phương nhằm cùng bàn cách giúp loại hình ngành nghề này vượt qua thách thức, khó khăn hiện nay.
Theo đó, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ước tính quý I, lượng khách du lịch đến Khánh Hòa bị sút giảm hơn 1 triệu lượt khách. Trong đó, khách đến từ Trung Quốc giảm nhiều nhất (giảm hơn 470.000 lượt); khách quốc tế các thị trường khác (giảm hơn 250.000 lượt), khách nội địa (giảm hơn 300.000 lượt).
Theo tính toán chi tiết về tổng thiệt hại mà ngành du lịch Khánh Hòa báo cáo với Tổng cục Du lịch, khách Trung Quốc chi tiêu 743 USD/khách, khách quốc tế từ các thị trường khác 1.141,5 USD/khách. Do đó, nếu dịch Covid-19 kết thúc trong quý I, du lịch Khánh Hòa thiệt hại khoảng 9.000 tỷ đồng trong năm 2020; nếu dịch kéo dài đến hết quý II, con số này có thể tăng lên khoảng 17.000 tỷ đồng…
Trước những khó khăn đó, một số doanh nghiệp, công ty lữ hành đã kiến nghị với lãnh đạo Tổng cục Du lịch và ngành du lịch địa phương về các giải pháp hỗ trợ để giảm thiểu một phần khó khăn hiện nay của doanh nghiệp và tái cơ cấu ngành du lịch.
Ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa kiến nghị Tổng cục Du lịch đề nghị Chính phủ thực hiện chính sách giảm thuế, giảm lãi vay, giãn nợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19; mở rộng việc miễn visa cho khách du lịch…
Chiều 18/2, một chuyến bay chở 350 du khách Nga đã đặt chân tới sân bay Cam Ranh, Khánh Hòa là tín hiệu vui cho địa phương này đón dòng khách du lịch trở lại
Tổng Quản lý khách sạn Ariyana ông Võ Quang Hoàng đề nghị Tổng cục Du lịch hỗ trợ Khánh Hòa có gian hàng ở các hội chợ du lịch quốc tế ở Nga, Ấn Độ sắp tới để quảng bá cho du lịch Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung; kết nối để mở thêm các đường bay quốc tế đến Khánh Hòa nhằm đa dạng thị trường khách.
Ông Lê Văn Sơn, Giám đốc khách sạn Liberty Central Nha Trang, Chi hội trưởng Chi hội Khách sạn kiến nghị Tổng cục Du lịch chủ trì làm việc với: công ty lữ hành, doanh nghiệp hàng không - vận chuyển, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, mua sắm, ẩm thực để xây dựng thành gói kích cầu cho du lịch Việt Nam, cũng như du lịch của từng địa phương.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp, Phó tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết, Tổng cục Du lịch sẽ tổng hợp các ý kiến để kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi hoạt động du lịch.
“Sắp tới, Tổng cục Du lịch sẽ chủ trì làm việc với 5 nhóm: lữ hành, hàng không, cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí, ẩm thực để đưa ra chính sách kích cầu cho du lịch Việt Nam”, ông Siêu chia sẻ.
Chiến lược đa dạng hóa thị trường du lịch
Theo phản ánh của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch tại Khánh Hòa, hiện nay một số doanh nghiệp đã triển khai giải pháp mới để hạn chế thiệt hại như: dồn khách (đối với đơn vị có nhiều cơ sở lưu trú); giảm giá dịch vụ để kích cầu; cho nhân viên nghỉ phép, tận dụng thời gian để đào tạo nâng cao tay nghề, chuẩn bị công tác xúc tiến thị trường mới.
Ông Nguyễn Văn Minh, đại diện Vinpearl Nha Trang cho biết, thực hiện chiến lược đa dạng hóa thị trường khách, Vinpearl đang xây dựng dịch vụ kỳ nghỉ trọn gói (bao gồm cả hàng không) đưa khách từ Nga đến Nha Trang; nghiên cứu các giải pháp kích cầu ở châu Âu, Mỹ.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Việt Nam chia sẻ về điểm đến an toàn tại Việt Nam với du khách Nga tại bãi biển Nha Trang, Khánh Hòa
Đối với địa phương, lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cũng cho hay về các giải pháp mới, như: Xây dựng các gói, chương trình kích cầu có tính đặc thù, cạnh tranh cao để thu hút khách ngay sau khi hết dịch; chuẩn bị nguồn lực, công cụ để triển khai hiệu quả chương trình quảng bá, xúc tiến tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hàn Quốc và Trung Quốc; tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam (roadshow), trong đó tập trung cho các thị trường Ấn Độ, ASEAN, Hàn Quốc, châu Âu…; tổ chức đón các đoàn famtrip; tham gia các hội chợ du lịch quốc tế.
Để nhanh chóng phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế, Sở Du lịch Khánh Hòa kiến nghị UBND tỉnh chủ trì tổ chức buổi làm việc với Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, Vietnam Airlines, Vietjet Air để thống nhất các nội dung công việc, tháo gỡ những bất cập còn tồn tại.
Phó tổng Cục trưởng Tổng cục du lịch Hà Văn Siêu cho biết, giải pháp trước mắt là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang xây dựng kế hoạch truyền thông “Du lịch Việt Nam an toàn”. Trong đó, ngành Du lịch sẽ phối hợp sản xuất các video clip khẳng định du lịch Việt Nam an toàn; mở các chuyên trang, chuyên mục du lịch an toàn trên các ấn phẩm báo chí, truyền hình; xây dựng App về du lịch an toàn ở Việt Nam.
“Ngành Du lịch Khánh Hòa cũng nên chủ động tuyên truyền theo hướng này", ông Siêu nhấn mạnh.