Khan hiếm nguồn cung căn hộ nội đô

(ĐTCK) Dù có giá đắt đỏ, nhưng những dự án tại các quận nội thành cũ của Hà Nội luôn được săn đón. Tuy nhiên, với quỹ đất hạn hẹp, cùng với việc bị khống chế chiều cao, số lượng căn hộ, nên nguồn cung căn hộ chung cư nội đô Hà Nội đang rất khan hiếm.
Nội đô Hà Nội hiện còn ít dự án chung cư cao tầng. Ảnh: Dũng Minh Nội đô Hà Nội hiện còn ít dự án chung cư cao tầng. Ảnh: Dũng Minh

Vài năm gần đây, người mua nhà đang có xu hướng chuyển ra ngoài khu vực trung tâm thành phố để an cư do cơ sở hạ tầng giao thông phát triển, trong khi giá nhà ở tại các dự án ngoại vi mềm hơn nhiều so với các dự án trung tâm. Tuy nhiên, có một phần nguyên nhân nữa là khách hàng không dễ tìm được dự án ưng ý ở trung tâm.

Anh Trung, giám đốc một doanh nghiệp tư nhân trên đường Tôn Thất Tùng (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, khi mới ra trường, do điều kiện không cho phép, anh lựa chọn mua một căn hộ tái định cư tại quận Cầu Giấy. Sau gần chục năm, với số vốn tích lũy, anh muốn tìm mua một căn hộ cao cấp rộng rãi và tiện nghi hơn, nhưng với điều kiện cũng phải gần chỗ làm để tiện đi lại. Vì vậy, anh không tìm kiếm các dự án ngoại thành, dù sản phẩm ở các khu vực này khá đa dạng, từ biệt thự, nhà liền kề đến cả căn hộ cao cấp nhiều tiện ích.

Tuy vậy, trong suốt hơn 1 năm qua, anh gần như không tìm được dự án nào ứng ý, bởi nguồn cung gần như đã cạn kiệt. Các căn hộ rao bán trên mạng chủ yếu là từ các chung cư cũ cải tạo với mức giá khá cao nhưng chất lượng kém và thiếu thốn tiện ích. Còn tại các chung cư cao cấp mới thì gần như không ai rao bán, một phần do các chung cư này chủ yếu là người mua để ở thực nên họ không muốn bán, nếu có thì giá bán cũng rất “chát”.

Không chỉ anh Trung, nhiều người có thu nhập cao cũng có nhu cầu mua nhà tại khu trung tâm để ở, hoặc như một kênh để giữ tài sản. Trong đó, khu vực những quận nội thành cũ như Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, hay phía Bắc quận Hai Bà Trưng được quan tâm nhiều hơn cả.

Lý giải về sức hút này, theo các chuyên gia bất động sản, ngoài thuận tiện về mặt đi lại, giao thương, thì khu vực trung tâm Hà Nội cũng là nơi tập trung nhiều tiện ích xã hội như bệnh viện lớn, trường học chất lượng cao, trung tâm thương mại, trung tâm tài chính, văn hóa.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản cho biết, với nhu cầu hiện tại, chung cư nội đô nếu biết cách làm sẽ rất hút khách, dù giá đắt đỏ. Tuy nhiên, hiện phần lớn các quỹ đất đẹp, lớn đều đã được xây dựng, chỉ còn những mảnh với diện tích vừa phải. Trong khi đó, triển khai dự án trung tâm bị hạn chế chiều cao và số lượng căn hộ để giảm sức ép dân số trung tâm, nên phải làm rất khéo mới có thể có lãi.

Ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, dân số tăng nhanh đóng vai trò đặc biệt then chốt,  làm phá vỡ định hướng quy hoạch chung. Năm 2030, dân số nội đô của Hà Nội dự kiến là 7 triệu người, đến năm 2050 là 10 triệu, nhưng bây giờ, dân số Thủ đô đã ngang con số dự tính của năm 2030. Do đó, áp lực dân số đang rất lớn, nhất là ở khu vực nội đô khi năng lực đầu tư hạ tầng ra vùng ngoại vi chưa đáp ứng để giãn dân.

Tuy nhiên, ông Vinh cũng khẳng định, việc cấp phép thêm xây chung cư trong khu lõi nội đô lịch sử là không có. Thành phố chỉ tiến hành cải tạo lại 17 khu chung cư cũ, còn vùng phát triển bên ngoài vành đai II, tức từ sông Nhuệ trở ra, đã nằm trong quy hoạch phát triển được tính toán.

Theo ghi nhận của Báo Đầu tư Bất động sản, một số dự án trung tâm Hà Nội mở bán mới thời gian qua có chiều cao khá thấp và số lượng căn hộ không nhiều.

Cụ thể, dự án Núi Trúc Square của Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển đô thị Mê Kông tại số 17 Núi Trúc (Ba Đình) với khoảng 7 tầng nổi, 68 căn hộ; dự án Hoàng Cầu Skyline của Geleximco tại 36 Hoàng Cầu (Đống Đa) với 19 tầng (4 tầng thương mại).

Cá biệt, dự án chung cư nội đô mới nhất có chiều cao vượt trội là Hongkong Tower, 343A Đê La Thành (Đống Đa) là gồm 2 tòa có chiều cao tới 27 tầng và 23 tầng với khoảng 260 căn hộ.

Theo Báo cáo của Sở Quy hoạch kiến trúc, trong khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội hiện có khoảng 308 công trình cao tầng (nhóm 1) hiện hữu hoặc đã được cấp phép xây dựng và đang thi công (70 công trình được xây dựng hoặc cấp phép xây dựng từ thời điểm sau Quy hoạch chung đến nay). Khoảng 205 dự án công trình và tổ hợp công trình (nhóm 2) đang xem xét theo các quy hoạch, trong đó có 30 dự án cải tạo, xây dựng chung cư, tập thể cũ.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Ninh Việt
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục