Áp lực giá nhà tăng nhanh
Theo ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán, căn hộ chung cư là phân khúc được giao dịch sôi nổi trong thời điểm đầu năm 2024 cả trên thị trường sơ cấp và thứ cấp. Nguồn hàng sơ cấp mới tiếp tục khan hiếm, mà chủ yếu đến từ các đợt mở bán tiếp theo của các dự án cũ như Khai Sơn City, Le Grand Jardin (Long Biên), Wisteria, Moonlight (Hoài Đức), GS6 thuộc Vinhomes Smart City (Nam Từ Liêm)…
Giá chào bán khá cao, dao động từ 50-60 triệu đồng/m2, nhưng thanh khoản tích cực khi sức mua được duy trì đều đặn. Đơn cử, bảng hàng của dự án Moonlight đã được bán hết toàn bộ; dự án Khai Sơn City đã bán hết 3 tòa K1, K2, K3, nguồn hàng của 3 tòa còn lại là K5, K6, K6A đã bán được trên 50%; hay như dự án Wisteria mới mở bán nhưng duy trì tốc độ bán hàng khoảng chục căn mỗi ngày…
Trên thị trường thứ cấp, giá bán căn hộ cũng đang chứng kiến đợt tăng mạnh từ sau Tết Giáp Thìn, mức tăng trung bình đạt 10% so với thời điểm tháng 12/2023 tại hầu hết các dự án như Sudico Mỹ Đình, The Manor, Vinhomes Smart City, The Nine, Andland Lake View, The Terra, Homecity, Thăng Long Number One… Giao dịch được thực hiện với mặt bằng giá mới và đáng nói là tại nhiều dự án thứ cấp có nguồn cung hữu hạn, đi vào vận hành ổn định, quỹ căn chuyển nhượng rất hạn chế, gần như căn nào được chủ gửi bán thì đều nhanh chóng tìm được khách mua.
Anh Hoàng Minh (31 tuổi, Hà Nội) - kỹ sư xây dựng chia sẻ với người viết rằng, có ý định mua chung cư từ tháng 5/2023, nhưng chần chừ mãi không xuống tiền do thấy thị trường bất động sản gặp khó khăn nên nghĩ rằng giá nhà sẽ hạ nhiệt, thế nhưng giá không những không giảm, mà còn liên tục tăng.
“Rốt cục, sang đầu năm 2024, do nhu cầu cấp bách, vợ chồng tôi đã chốt mua một căn hộ diện tích 75 m2, 3 phòng ngủ với giá hơn 2,8 tỷ đồng (chưa bao gồm thiết bị nội thất) bên Long Biên, cao hơn gần 1 tỷ đồng so với dự tính ban đầu. Để mua căn hộ này, chúng tôi phải vay thêm gần 1,2 tỷ đồng, nhưng bù lại lãi vay ưu đãi chỉ 8,7%/năm, thấp hơn đáng kể so với mức 14%/năm ở thời điểm hỏi mua trước đó”, kỹ sư trẻ này cho hay.
Ở trong hoàn cảnh tương tự, anh Ngô Tuấn (35 tuổi, Hà Nội) đã mua một căn hộ diện tích 70 m2 tại một dự án ở Hà Đông. Căn hộ này được anh tìm hiểu từ đầu năm 2023, nhưng với kỳ vọng “bắt đáy” nên không xuống tiền ngay. Đến nay, dự án đó đã được môi giới chào giá tới 2,9 tỷ đồng, tăng mạnh so với lúc mới tìm hiểu.
“Sốt ruột với giá nhà tăng phi mã nên tôi quyết định mua, cho dù chênh lên so với dự tính khoảng 500 triệu đồng. Tôi cũng đã tìm hiểu một số dự án khác ở quận Nam Từ Liêm và nhận thấy nhiều căn đã tăng 400-500 triệu đồng, thậm chí cao hơn chỉ sau một năm, nhưng lựa chọn sinh sống ở khu vực Hà Đông cho gần nơi làm việc”, anh Tuấn chia sẻ thêm.
Đà tăng chưa dừng lại
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng tại các đô thị lớn đang kéo theo nhu cầu về nhà ở tăng vọt, trong khi quỹ đất để phát triển dự án dần cạn kiệt, nguồn cung nhà ở liên tục sụt giảm do tình trạng dự án chậm triển khai bởi vướng pháp lý và khó tiếp cận nguồn vốn. Cộng hưởng với giá trị đất đô thị tăng thêm khi hạ tầng giao thông, dịch vụ công cộng được nâng cấp… đã và đang thúc đẩy giá chung cư liên tục đi lên.
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, đối với nhà ở thương mại, trong năm 2023, cả nước có 67 dự án được cấp phép mới với quy mô khoảng 24.993 căn; 71 dự án hoàn thành xây dựng với quy mô 29.612 căn; 197 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Tính đến nay, có 854 dự án đang triển khai xây dựng, quy mô khoảng 402.570 căn, tập trung chủ yếu ở miền Bắc với 394 dự án, quy mô khoảng 237.993 căn. Đáng chú ý, hàng nghìn dự án trên khắp cả nước bị chậm tiến độ do vướng mắc pháp lý cũng như thiếu vốn. Đây nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở hiện nay.
Còn ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hội đồng quản trị GP-Invest cho hay, giá căn hộ chung cư tại nhiều dự án đã tăng gần 80% trong 4 năm qua. Khó tiếp cận tín dụng ngân hàng, thủ tục pháp lý phức tạp, các vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời… là những nguyên nhân chính khiến các dự án nhà ở chậm triển khai, dẫn đến ách tắc nguồn cung.
“Nếu tình trạng này còn kéo dài thì giá căn hộ chung cư sẽ còn tăng trong năm 2024. Muốn chữa ‘căn bệnh’ tăng giá nhà thì phải nhanh chóng gia tăng nguồn cung cho thị trường, tức là phải nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc pháp lý dự án”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Thực tế, trong cả 2 cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng thương mại… nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các dự án nhà ở do Chính phủ thực hiện mới đây, lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản đều mong muốn Chính phủ và các địa phương đẩy nhanh hơn nữa quá trình tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý cho các dự án, giúp tăng nguồn cung nhà ở ra thị trường.
Trong khi đó, nhiều ngân hàng thừa nhận, việc nhiều dự án gặp vướng mắc pháp lý nhưng chậm được tháo gỡ là lý do khiến ngân hàng khó cho vay, kể cả với người mua nhà, cho dù biết đây là kênh hấp thụ vốn lớn nhất. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng tăng chậm thời gian qua.
Bà Phạm Thị Miền - Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn xúc tiến đầu tư của VARS nhận định, trong ngắn hạn, giá căn hộ tại trung tâm các thành phố lớn sẽ tiếp tục tăng, nhất là tại các phân khúc bình dân và trung cấp khi vấn đề gỡ pháp lý cho các dự án còn chậm.
Theo bà Miền, với bối cảnh hiện tại, phải đến giữa năm 2025 - khi các luật mới điều chỉnh thị trường bất động sản có hiệu lực và thẩm thấu, nguồn cung nhà ở mới dần được cải thiện, nhất là phân khúc nhà ở xã hội.
Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, 3 địa phương dẫn đầu cả nước về mục tiêu hoàn thành nhà ở xã hội trong năm nay là Bắc Ninh, Bình Dương và Hải Phòng. Trong đó, Bắc Ninh đăng ký hoàn thành nhiều nhất với 5 dự án, quy mô 6.000 căn, tiếp theo là Bình Dương với 20 dự án, quy mô 4.500 căn và Hải Phòng với 8 dự án, quy mô gần 4.000 căn. Còn Hà Nội đăng ký hoàn thành 3 dự án với gần 1.200 căn hộ, TP.HCM đăng ký hoàn thành 6 dự án, quy mô gần 3.800 căn hộ.
Ngoài ra, nhiều địa phương cũng đặt mục tiêu hoàn thành hơn nghìn căn nhà ở xã hội trong năm 2024 có thể kể đến là Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Hà Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Đắk Lắk, Cần Thơ, An Giang...
Hàng trăm dự án chờ gỡ vướng
Theo Bộ Xây dựng, tính đến nay, Hà Nội và TP.HCM mới tháo gỡ vướng mắc cho 35-40% dự án bất động sản, còn hàng trăm dự án trên khắp cả nước vẫn đang chờ được gỡ vướng.
Cụ thể, Hà Nội đứng đầu với 246 dự án, TP.HCM 143 dự án, Cần Thơ 34 dự án, Bình Định 16 dự án và Hải Phòng 4 dự án. Bộ Xây dựng vừa đề nghị các địa phương đẩy nhanh việc gỡ vướng và báo cáo Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6/2024.