Bánh trung thu Việt Nam có 2 loại là bánh nướng và bánh dẻo. Vỏ bánh dẻo màu trắng, làm bằng bột nếp trộn với đường ngọt lịm, vỏ bánh nướng là bột mì dậy men trộn với trứng gà và rượu rồi nướng vàng ươm.
Bánh trung thu cổ truyền Việt Nam thơm ngon, hấp dẫn với phần nhân thập cẩm gồm: hạt sen, thịt mỡ, vừng, lạp sườn, đậu xanh, lá chanh quyện vào nhau, tạo nên hương vị ngọt ngào, thơm ngậy. Bánh trung thu thường có hình tròn, tượng trưng cho hình trăng tròn ngày rằm, sự đoàn viên, khát vọng về hạnh phúc. Do đó, bánh trung thu Việt Nam còn có tên gọi là “Nguyệt Đoàn” hay "bánh Nguyệt".
Bánh trung thu vừa là món quà, vừa là giá trị đặc trưng không thể thiếu trong ngày Tết Trung thu ở Việt Nam.
Ngày nay, bánh trung thu Việt Nam được sáng tạo thêm nhiều hình dạng, hương vị và cách làm khác nhau nhằm đáp ứng khẩu vị của từng người, nhưng chiếc bánh trung thu truyền thống vẫn được tìm mua để dâng lên tổ tiên, ông bà, cha mẹ như cách lưu giữ và trân trọng những giá trị cổ xưa.
2. Hàn Quốc – bánh nửa vầng trăng Songpyeon
Songpyeon là tên gọi bánh trung thu ở Hàn Quốc, nghĩa là bánh gạo hình bán nguyệt. Bánh Songpyeon được làm bằng cách trộn bột gạo với nước nóng. Sau đó, nhồi bột và bánh với nhân đậu xanh, mè đen, hạt dẻ hoặc các loại nhân khác rồi hấp chín.
Khi bánh Songpyeon chín sẽ được xếp lên lớp lá thông tươi để giữ nguyên hình dạng bánh, đồng thời tạo hương vị lạ cho bánh. Ngoài màu trắng truyền thống, bánh còn được biến tấu với nhiều màu sắc đẹp mắt: màu hồng từ quả dâu, xanh đậm từ ngải cứu, vàng từ bí đỏ… Bánh thành phẩm dẻo, dai, ngọt thanh, nhẹ nhàng và mang hương vị của lá thông tươi.
Người Hàn Quốc dùng bánh Songpyeon trong ngày Tết Chuseok (tết Trung thu hay lễ Tạ ơn), cầu cho mùa màng thêm bội thu. Vào ngày này, mọi gia đình Hàn Quốc sẽ hướng về gia đình, tụ họp và cùng nhau làm bánh Songpyeon.
Bên cạnh đó, người Hàn cũng có niềm tin mạnh mẽ rằng thiếu nữ nào làm bánh Songpyeon ngon và đẹp sẽ gặp được người chồng như ý, phụ nữ đã có gia đình sẽ sinh được con gái xinh xắn. Chính vì thế, phụ nữ Hàn Quốc dành rất nhiều tình cảm vaf tâm trí cho việc làm bánh Songpyeon.
3. Trung Quốc - bánh mặt trăng
Bánh trung thu của người Trung Quốc tên yue bing (bánh mặt trăng), có nơi còn gọi là bánh đoàn viên vì Tết Trung thu là tết đoàn viên.
Người Trung Quốc cũng có tập tục đoàn tụ gia đình trong ngày Tết Trung thu. Bất cứ ai làm ăn ở xa, vào ngày này cũng trở về quê hương để gặp lại gia đình, họ hàng và cùng ăn bữa cơm đoàn viên.
Vì vậy, bánh trung thu ở Trung Quốc thường có hình tròn giống bánh trung thu của Việt Nam, tượng trưng cho “đoàn viên”.
Ở Trung Quốc chỉ có bánh nướng, không có bánh dẻo như Việt Nam. Tùy theo từng vùng, miền mà người Trung Quốc có cách làm bánh trung thu khác nhau. Nhân bánh khá phong phú, được làm từ: thịt quay, đậu xanh, đậu đỏ, khoai môn, trà xanh, hạt sen, khoai môn, trái cây, trà xanh, hải sản.
Ngày nay, nhân bánh trung thu ở Trung Quốc còn được làm từ chocolate, kem và phô mai và có nhiều hình thù hơn: hình vuông, hình con giống. Trên bề mặt bánh thường in chữ với ý nghĩa tốt lành.
Người Trung Quốc còn có loại bánh trung thu của riêng mình là bánh “da tuyết”. Bánh “da tuyết” giống bánh dẻo nhưng vỏ bánh mỏng hơn, làm từ các loại bột nếp, bột gạo và bột mì. Loại bánh này được giữ lạnh sau khi làm và ăn lạnh.
4. Nhật Bản – bánh Tsukimi Dango
Bánh trung thu ở Nhật Bản là Tsukimi Dango ((thường gọi là Dango) – một loại bánh làm từ bột gạo, khá giống bánh gạo mochi, có nhiều hình dạng khác nhau, nhưng phổ biến nhất là hình tròn. Cách làm bánh gần giống bánh trôi nước, sau đó chúng được nướng sơ cho nóng giòn, quết một lớp mật ngọt lên trên bề mặt bánh.
Người Nhật thường dùng bánh Tsukimi Dango kèm với trà và bột đậu nành hay đậu đỏ trong ngày tằm tháng Tám âm lịch – Tết Trung thu.
Trong truyền thuyết của đất nước “mặt trời mọc”, thỏ ngọc sống trên mặt trăng và giã bánh dày. Chính vì vậy, người Nhật tin rằng nếu ăn bánh Tsukimi Dango vào ngày trăng rằm tháng 8 thì có thể nhìn thấy thỏ ngọc.
“Tháp bánh” được bày ở cửa sổ hoặc hiên nhà, nơi có ánh trăng chiếu vào rõ nhất. Sau khi cúng xong, mọi người trong nhà cùng nhau thưởng trăng và ăn bánh.
Mục đích chính của hành động này là để dâng lên thần linh, tổ tiên và cầu mong mùa lúa sắp tới vào mùa thu sẽ được bội thu.
5. Philippines – bánh hopia
Hopia là tên gọi những chiếc bánh trung thu của người Philippines. Đây là những chiếc bánh nướng đơn giản, tuy không nhiều màu sắc hay hoa văn cầu kỳ nhưng cũng vô cùng hấp dẫn bởi phần nhân bánh đa dạng, thơm ngon.
Bánh độc đáo ở phần bột ngoài xếp lớp giòn, khi bẻ đôi chiếc bánh để lộ phần nhân khá hấp dẫn. Nhân bánh hopia có thể là đậu xanh, đậu đỏ, thịt lợn, khoai lang tím…
Có nhiều phiên bản bánh hopia như: hopiang mungo (bán nướng đậu xanh), hopiang baboy (bánh nướng thịt heo), hopiang hapon (bánh nướng Nhật Bản), hopiang ube (bánh nướng khoai lang tím)...
6. Singapore – bánh dẻo nhân sầu riêng
Tục đón Tết Trung thu ở Singapore chịu nhiều ảnh hưởng từ Trung Quốc, nhưng bánh trung thu ở Singapore rất khác biệt và có nhiều thay đổi so với bánh trung thu truyền thống Trung Quốc.
Có thể xem bánh dẻo nhân sầu riêng là loại bánh trung thu mang bản sắc của Singapore. Hầu hết người dân ở đây đều thích hương vị của loại bánh này.
Bánh dẻo nhân sầu riêng cũng như các loại bánh trung thu khác ở Singapore được làm biến tấu từ bánh “da tuyết” của Trung Quốc. Không chỉ có màu trắng, bánh trung thu ở Singapore có nhiều màu sắc phong phú.
Thông thường, màu của vỏ bánh được “phối" phù hợp với loại nhân bên trong. Như bánh màu vàng là nhân sầu riêng, bánh màu xanh có nhân trà xanh, màu hồng cho nhân khoai môn... Bánh “da tuyết” có vị thanh, ít dầu mỡ và tốt cho sức khỏe.