Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Tài chính, đây sẽ là bước đột phá trong đổi mới hệ thống thanh toán giao dịch TPCP theo thông lệ quốc tế; thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế của thị trường, tạo tiền đề phát triển các dịch vụ thanh toán TPCP xuyên biên giới; đảm bảo an toàn, thông suốt trong việc thanh toán các giao dịch TPCP nói riêng và toàn thị trường nói chung.
Cùng với sự ra đời của các sản phẩm/dịch vụ mới của thị trường như chứng khoán phái sinh, chứng quyền có đảm bảo, vay và cho vay TPCP để bán..., việc triển khai thanh toán tiền giao dịch TPCP qua NHNN sẽ góp phần đưa thị trường chứng khoán phát triển lên một tầm cao mới.
Theo ông Dương Văn Thanh, Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, hệ thống thanh toán tiền giao dịch TPCP theo mô hình qua một ngân hàng thương mại là tương đối phù hợp khi quy mô thị trường vừa và nhỏ. Tuy nhiên, hiện nay thị trường TPCP đã phát triển lên một tầm cao mới với quy mô niêm yết, giá trị giao dịch, giá trị thanh toán ngày càng tăng.
Tính riêng 6 tháng đầu năm, quy mô niêm yết của thị trường TPCP lên tới 979 nghìn tỷ đồng, tương đương 18% GDP, giao dịch bình quân phiên đạt 7.700 tỷ đồng gấp 21 lần năm 2009 và giá trị thanh toán trên thị trường TPCP đạt 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 586% so với năm 2010.
Với mô hình mới, ngân hàng quyết toán tiền giao dịch TPCP là NHNN vì chỉ NHNN, với tiềm lực tài chính và các cơ chế cho vay bù đắp thiếu hụt thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, mới có thể giải quyết được các vấn đề này.
"Quyết sách mới có hiệu lực từ 1/8/2017 sẽ tăng sự an toàn, thông suốt trong việc thanh toán các giao dịch TPCP trên thị trường chứng khoán Việt Nam", ông Thanh nhấn mạnh.