Khai thiếu tài sản khi cổ phần hóa: Sẽ quy trách nhiệm cho người đứng đầu

(ĐTCK) Liên quan đến các giải pháp để ngăn chặn tình trạng bỏ sót tài sản nhà nước, đặc biệt là đất đai trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Báo Đầu tư Chứng khoán đã trao đổi với ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính.

Ông nhìn nhận như thế nào về những góc khuất cổ phần hóa đang phơi bày tại không ít doanh nghiệp trong thời gian qua? 

Ở nhiều doanh nghiệp, do công tác chuẩn bị cổ phần hóa chưa tốt, công tác xác định giá trị doanh nghiệp, kê khai quản lý đất đai chưa ổn định, dẫn đến chưa làm chặt chẽ quy trình, làm bỏ sót tài sản Nhà nước, tạo ra những dư luận không tốt.

Khai thiếu tài sản khi cổ phần hóa: Sẽ quy trách nhiệm cho người đứng đầu ảnh 1

 Ông Đặng Quyết Tiến.

Đó là những vấn đề dư luận rất quan tâm và chúng ta cần phải có biện pháp ngăn chặn, hạn chế. Chúng ta có các quy định về quản lý đất đai, quy định về cổ phần hóa, quy định về quản lý tài chính doanh nghiệp… Tuy nhiên, giữa các quy định có chỗ không khớp, tạo ra những lỗ hổng trong cổ phần hóa.

Chẳng hạn, theo quy chế đất đai và quy chế cổ phần hóa, doanh nghiệp nhà nước phải sắp xếp đất đai trước khi cổ phần hóa. Nhưng trong nhiều trường hợp, nếu đợi sắp xếp đất đai xong mới cổ phần hóa thì sẽ làm chậm lộ trình này, nên nhiều doanh nghiệp treo lại việc sắp xếp đất đai. Nhưng sau đó, ai sẽ quản lý việc treo này, đây là một lỗ hổng mà Nghị quyết TW 5 đã chỉ ra và đề rõ nguyên tắc sửa những lỗ hổng trong cổ phần hóa.

Những bức xúc về vấn đề đất đai trong cổ phần hóa đã được sửa đổi tại Nghị định 01/2017/NĐ-CP, quy định rõ thái độ của Nhà nước, pháp luật đất đai là gì, các doanh nghiệp khi cổ phần hóa phải sắp xếp đất đai là việc phải hoàn thành, có nghĩa là phương án đất đai đi trước,  phương án cổ phần hóa đi sau. Phần đất nào không sử dụng Nhà nước sẽ thu hồi.

Khi đã rõ ràng như thế thì bản cáo bạch sẽ rõ ràng, nhà đầu tư sẽ nắm rõ được quỹ đất là đi thuê hay thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp, mục đích sử dụng đất và mình được quyền gì khi đầu tư vào doanh nghiệp.

Nghị định 126/2017/NĐ-CP cũng chỉ rõ, phương án sử dụng đất theo hồ sơ cổ phần hóa phải công khai. Đây là áp lực để các doanh nghiệp cổ phần hóa phải tiến hành ngay phương án sắp xếp đất đai. Trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp nâng cao thì cổ phần hóa mới đảm bảo tiến độ. Còn trường hợp doanh nghiệp có tư tưởng ỷ lại, không muốn thì sẽ chậm chạp trong cổ phần hóa.

Từ năm 2018, khi Nghị định 126/NĐ-CP có hiệu lực, thì các địa phương, bộ ngành, người đứng đầu địa phương, bộ ngành chậm trình phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa, gián tiếp làm chậm tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ bị xem xét xử lý.

Với những vụ việc phát hiện có sai phạm, theo ông cần xử lý như thế nào?

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ rà soát lại quá trình cổ phần hóa, quản lý tài chính doanh nghiệp và Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm. Dù chúng ta có đưa ra xét xử thì tài sản Nhà nước đã mất, tiền của đã bị lãng phí. Vấn đề chính ở đây là phòng hơn chống, đưa ra những tiêu chí, chế tài xử lý vi phạm.

Chẳng hạn, đưa ra tiêu chí doanh nghiệp cổ phần hóa xong thì phải đưa cổ phiếu lên niêm yết ngay để thị trường quản lý, tăng cường giám sát. Càng đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, đa dạng nguồn sở hữu, có sự tham gia của các cổ đông lớn thì nguồn lực của Nhà nước càng được sử dụng hiệu quả hơn. Khi doanh nghiệp buộc phải công khai thông tin, quản trị minh bạch sẽ góp phần ngăn chặn lợi ích nhóm trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước. 

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục