Khai thác “mỏ vàng” du lịch MICE

0:00 / 0:00
0:00
Những người làm du lịch tích cực chuẩn bị cho lộ trình phục hồi, phát triển khi dịch được kiểm soát. Trong đó, du lịch MICE là một trong những “mỏ vàng” sẽ được tập trung khai thác.
Ngoài hoạt động chính, nhiều công ty du lịch MICE đã đầu tư, thiết kế thêm nhiều hoạt động trải nghiệm, gia tăng dịch vụ nhằm kích cầu du lịch. Ngoài hoạt động chính, nhiều công ty du lịch MICE đã đầu tư, thiết kế thêm nhiều hoạt động trải nghiệm, gia tăng dịch vụ nhằm kích cầu du lịch.

Dư địa rất lớn

Theo dự báo, sau khi Covid-19 được khống chế, nhu cầu du lịch MICE (du lịch kết hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, sự kiện…) sẽ rất cao do các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân gia tăng nhu cầu tương tác để trao đổi công việc và kết nối giao thương.

Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) nhận định, đến năm 2025, riêng ngành công nghiệp du lịch MICE sẽ thu trên 1.400 tỷ USD, trong đó, 2 khu vực lớn nhất là châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam đang nổi lên là điểm đến du lịch MICE hàng đầu khu vực.

Còn theo Tổng cục Du lịch, trong 10 triệu khách quốc tế đến Việt Nam năm 2016, có khoảng 20% là khách MICE. Trung bình mỗi khách du lịch MICE châu Âu chi tiêu 700 - 1.000 USD/ngày, khách châu Á chi tiêu hơn 400 USD/ngày. Lượng khách MICE ở các công ty lữ hành cũng tăng 10 - 15% mỗi năm.

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đánh giá, với mức chi tiêu này, doanh thu từ loại hình du lịch MICE có giá trị cao gấp 6 lần các loại hình khác, thời gian lưu trú của khách MICE cũng dài gấp 3 - 4 lần khách du lịch thông thường.

Các chuyên gia du lịch cho hay, lợi thế tuyệt vời của du lịch MICE là ít mang tính mùa vụ, có thể khai thác liên tục trong năm. Ngoài ra, du lịch MICE còn là loại hình kết hợp hữu hiệu giữa công vụ và nhu cầu xê dịch đang như chiếc lò xo bị nén lâu ngày.

Chính bởi thế, thời gian qua, các công ty du lịch MICE đã đầu tư, thiết kế thêm nhiều hoạt động trải nghiệm, gia tăng dịch vụ để kích cầu du lịch. Các sự kiện như giải thể thao, sự kiện văn hóa, âm nhạc… đã tạo sức hút để kéo khách tới các điểm đến.

Việc phát triển du lịch MICE có liên quan tới phát triển nhiều sản phẩm du lịch, trong đó đặc biệt gắn với du lịch đô thị và du lịch golf. Ở chiều ngược lại, phát triển sản phẩm du lịch đô thị tại các thành phố lớn sẽ thúc đẩy phát triển du lịch MICE, kết hợp mua sắm, các loại hình vui chơi giải trí, công viên chuyên đề, dịch vụ giải trí về đêm, tìm hiểu văn hóa, thưởng thức ẩm thực và đời sống đô thị.

Phân tích thị trường du lịch MICE sau khi Covid-19 được kiểm soát, ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch MICE Việt Nam (VMC) cho biết: “Chắc chắn khi đó, nhu cầu tổ chức hội nghị, hội thảo, gặp mặt, khen thưởng, triển lãm, tổ chức sự kiện… sẽ rất cao do các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân ngày càng có nhiều hoạt động tương tác để trao đổi công việc và kết nối giao thương. Bên cạnh đó, phần hoạt động nội bộ doanh nghiệp, chế độ người lao động cũng ngày một gia tăng”.

Cuộc khảo sát mới đây của VMC với khách hàng Việt Nam cho thấy, có 25- 40% nhân sự của một tổ chức được cử đi công tác thường xuyên theo dạng cá nhân và nhóm. Thống kê thực tế cho thấy, mỗi tổ chức, doanh nghiệp lớn thường có nhu cầu sử dụng dịch vụ MICE 3 lần trong năm, đó là tổ chức khởi động kinh doanh, dự án vào đầu năm; tổ chức chuyến đi cả công ty kết hợp các hoạt động trò chơi tập thể vào giữa năm và tổ chức tổng kết kinh doanh - khen thưởng vào cuối năm.

Ông Đức Anh cho rằng, du lịch MICE ở Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển. Lượng khách MICE của thị trường khách quốc tế vào Việt Nam (inbound) đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Trong đó, lượng khách quan trọng từ các sự kiện chính trị, ngoại giao và giao lưu hợp tác giữa các tổ chức nước ngoài với Việt Nam tăng mạnh do nhu cầu kết nối giao lưu vì lợi ích mỗi bên ngày một cao.

Quy hoạch điểm đến và phát triển sản phẩm

Theo ông Nguyễn Đức Anh, để sớm khắc phục những hậu quả do dịch bệnh và chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sắp tới, các doanh nghiệp du lịch MICE cần cố gắng ổn định hoạt động với xu hướng chính là thu hẹp diện tích văn phòng và tinh gọn bộ máy nhân sự; lựa chọn phân khúc thị trường hợp lý; xây dựng sản phẩm mới, áp dụng công nghệ để hoạt động văn minh và hiệu quả hơn.

“Xu thế sử dụng công nghệ là tất yếu, không thể đảo ngược. Vì vậy, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để phát triển du lịch là đầu tư cho hiện tại và tương lai”, Chủ tịch VMC khẳng định.

Về chiến lược, TS. Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, muốn phát triển du lịch MICE chuyên nghiệp, bền vững, cần điều phối, quy hoạch điểm đến và phát triển sản phẩm; khuyến khích các địa phương phát triển và xúc tiến sản phẩm du lịch MICE; tăng cường liên kết với các ngành khác để làm mới sản phẩm du lịch.

Bên cạnh loại hình du lịch nghỉ dưỡng mà nhiều khách du lịch lựa chọn, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn du lịch cộng đồng gắn với sản xuất nông nghiệp địa phương, du lịch MICE và giải trí trong điều kiện đảm bảo an toàn, thích ứng với tình hình mới.

Các chuyên gia còn nhấn mạnh việc chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch MICE, tăng cường nâng cao trình độ, kỹ năng và thái độ phục vụ, đảm bảo tính chuyên nghiệp trong dịch vụ phục vụ khách. Các doanh nghiệp cần tăng cường phối hợp với cơ sở đào tạo để cải tiến chương trình giảng dạy phù hợp với nhu cầu. Cùng với đó, người lao động cũng cần nâng cao nhận thức, rèn luyện, học tập, nâng cao tay nghề để phục vụ đối tượng khách MICE.

Hồ Hạ
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục