Khai thác lợi thế cạnh tranh động để thu hút FDI

0:00 / 0:00
0:00
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhấn mạnh, để tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam phải khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh động.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)

Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Nhìn sâu vào những con số thống kê, có thể thấy, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã có sự chuyển hướng? Ông nhận xét gì về điều này?

Đúng là dòng vốn FDI vào Việt Nam đã có sự chuyển hướng rất rõ. Nếu trước đây, lĩnh vực bất động sản thường đứng thứ hai (sau chế biến, chế tạo) về tổng vốn đăng ký cấp mới, thì vài năm gần đây, đã “nhường chỗ” cho lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước và điều hòa.

Đơn cử, năm 2023, số lượng dự án FDI cấp mới và tổng vốn rót vốn vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt kỷ lục (hơn 1.000 dự án và trên 21,5 tỷ USD); vốn rót vào sản xuất, phân phối điện, khí, nước và điều hòa cũng rất cao, đạt hơn 2,37 tỷ USD…

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam năm 2023 đạt hơn 23,18 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm qua. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tới 82,3%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí chiếm gần 6%; cao hơn 220 triệu USD so với lĩnh vực bất động sản.

Thời gian tới, tỷ trọng vốn FDI thực hiện trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa sẽ càng tăng, do vốn đăng ký mới và tăng thêm của 2 ngành này tăng rất mạnh trong những năm vừa qua.

Vốn FDI chảy vào ngành nào, lĩnh vực nào, khu vực nào cũng tốt, nhưng chúng ta đang trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nên mong muốn nguồn vốn này vào những ngành cần khuyến khích, những ngành mà doanh nghiệp nội địa chưa thể làm chủ được công nghệ cao. Vì vậy, sự chuyển hướng đầu tư của khu vực FDI là điều rất đáng mừng.

Còn về chất lượng nguồn vốn thì sao, thưa ông?

Khu vực FDI với sự có mặt của hơn 100 tập đoàn đa quốc gia, trong đó có những tên tuổi hàng đầu thế giới như Samsung, LG, Honda, Toyota, Intel, Mitsubishi, Panasonic... đã góp phần đưa Việt Nam từng bước tham gia mạng giá trị và chuỗi sản xuất toàn cầu, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu.

Nhà đầu tư nước ngoài đã bước đầu thực hiện một số công đoạn sản xuất, lắp ráp ở các nhà máy tại Việt Nam đối với một số sản phẩm công nghệ cao, công nghiệp chế tạo. Tiêu biểu là Samsung đã và đang giúp Việt Nam mở rộng hoạt động xuất khẩu từ chế biến sang công nghệ cao để tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn trên thế giới.

Năm 2023, Việt Nam không chỉ thu hút được lượng FDI kỷ lục, mà còn đón hàng loạt tập đoàn công nghệ cao, đặc biệt là những “ông lớn” sản xuất chip bán dẫn của Hoa Kỳ như Marvell, Boeing, Qualcom, Ampere, ARM, Boeing, Nvidia, Intel, Synopsys, Google, Amkor... sang tìm hiểu để đầu tư vào Việt Nam sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược toàn diện.

Năm qua, Việt Nam và Nhật Bản cũng đã trở thành Đối tác Chiến lược toàn diện của nhau, nên chắc chắn, những doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản cũng không muốn đứng ngoài “cuộc chơi lớn” này.

Việc thu hút doanh nghiệp FDI công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ tại Việt Nam đã đạt được những kết quả gì, thưa ông?

Báo cáo do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ thực hiện cho thấy, cơ cấu doanh nghiệp FDI có sự chuyển dịch sang các ngành có hàm lượng công nghệ cao. Cụ thể, 49,5% số doanh nghiệp FDI được khảo sát hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp/chế tạo; 39% trong lĩnh vực dịch vụ/thương mại và 7% trong lĩnh vực xây dựng áp dụng công nghệ cao. Cùng với đó, việc thu hút doanh nghiệp FDI công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Việc các tập đoàn công nghệ toàn cầu như Intel, Samsung... đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực sản xuất công nghệ tại Việt Nam là nhân tố góp phần thúc đẩy doanh nghiệp trong nước cải thiện năng suất, đổi mới công nghệ, áp dụng các mô hình sản xuất mới để phát triển và thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa. Đây là minh chứng cho thấy, doanh nghiệp trong nước đang từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, lan tỏa giá trị từ dòng vốn FDI tới nền kinh tế.

Dòng chảy FDI trên thế giới sẽ có những thay đổi kể từ năm 2024, khi các nước thực hiện quy định về thuế tối thiểu toàn cầu. Theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để tiếp tục thu hút nguồn vốn này?

Thực hiện quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, lợi thế so sánh về thuế suất hấp dẫn của Việt Nam không còn nữa. Vì vậy, để tiếp tục thu hút nguồn vốn FDI, cần phát huy 2 lợi thế so sánh, đó là lợi thế so sánh tĩnh và so sánh động

Lợi thế so sánh tĩnh là chúng ta có nguồn nhân lực dồi dào, cần cù, chịu khó, sáng tạo; có nguồn tài nguyên khá lớn phục vụ ngành công nghiệp công nghệ cao; tham gia 16 hiệp định thương mại tự do với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới; chính trị, an ninh ổn định.

Lợi thế so sánh tĩnh này không gia tăng mạnh được, nên phải dựa nhiều hơn vào lợi thế so sánh động, gồm cơ chế, chính sách; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động; giảm chi phí đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ để doanh nghiệp Việt Nam liên kết sâu hơn, rộng hơn với doanh nghiệp FDI...

Chỉ có như vậy, Việt Nam mới duy trì được dòng vốn FDI, đặc biệt là thu hút tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao thay vì chỉ tập trung thu hút những ngành thâm dụng lao động phổ thông, gia công sản xuất, giá trị gia tăng thấp.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục