Những biến động mới
Trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức vào ngày 20/1/2025, thị trường dầu khí thế giới đã chứng kiến sự suy giảm so với các năm trước. Cụ thể, giá dầu thô thế giới năm 2024 tiếp tục suy giảm so với các năm trước, tiến gần đến mức thấp nhất từ tháng 11/2021.
Tại Báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn (STEO) được công bố tháng 12/2024, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) đưa ra dự báo giá dầu Brent trung bình năm 2025 là 77,59 USD/thùng (giảm so với báo cáo trước đó là 84,09 USD/thùng).
Bên cạnh đó, xu thế đầu tư phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch dẫn đến thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng hóa thạch ngày càng kém hấp dẫn so với giai đoạn trước.
Tuy nhiên, ngành dầu khí của Mỹ và thế giới dự kiến có những thay đổi đáng kể với các chính sách nhằm thúc đẩy sản lượng nhiên liệu hóa thạch theo tuyên bố mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Là nước có hoạt động khai thác dầu khí, Việt Nam chắc chắn sẽ chịu những tác động nhất định từ các chuyển động này của ngành dầu khí thế giới.
Năm 2024, với những nỗ lực vượt bậc, việc gia tăng trữ lượng dầu khí đã hoàn thành kế hoạch trước 30 ngày; đặc biệt, hệ số gia tăng trữ lượng bù trừ vào sản lượng khai thác dầu khí trong nước năm 2024 đạt mức 1,07 lần.
Như vậy, kể từ năm 2015 tới nay, hệ số này mới quay trở lại đạt mốc >1, là mốc nhằm đảm bảo hoạt động bền vững.
Cụ thể, gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 15,2 triệu tấn quy dầu, vượt 26,7% kế hoạch năm 2024 (kế hoạch năm 2024 là 12 - 18 triệu tấn quy dầu, trung bình là 15 triệu tấn quy dầu), tăng 17% so với năm 2023 (năm 2023 đạt 13 triệu tấn quy dầu).
Có 3 phát hiện dầu khí mới (tại Lô 09-1, mỏ Rồng; Lô PM3-CAA, mỏ Bunga Aster-1 và Lô 15-2/17, mỏ Hải Sư Vàng), cùng với kết quả khả quan của một số giếng khoan thẩm lượng khác như DH-28PI (Lô 05-1a), SV-3X (Lô 16-1/15)… đã ghi nhận dấu mốc quan trọng trong 10 năm (từ năm 2015 đến nay), Tập đoàn lại có 3 phát hiện dầu khí mới trong một năm.
Năm 2024, ngành dầu khí đã hoàn thành đưa vào khai thác 2 mỏ/công trình dầu khí mới, là giàn BK23 của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (đưa vào khai thác từ ngày 19/10/2024, sớm hơn 57 ngày so với kế hoạch) và mỏ Bunga Aster vào khai thác từ ngày 5/5/2024.
|
Kết quả, sản lượng khai thác dầu năm 2024 đạt 9,87 triệu tấn, vượt 1,67 triệu tấn (khoảng 20,4%) kế hoạch năm. Trong đó, khai thác dầu ở trong nước đạt 8,1 triệu tấn, vượt 1,39 triệu tấn so với kế hoạch năm và khai thác dầu ở nước ngoài đạt 1,77 triệu tấn, vượt 282.000 tấn. Sản lượng khí năm 2024 ước đạt 6,32 tỷ m3, vượt 1,22 tỷ m3 so với kế hoạch năm.
Ngoại trừ Công ty Biển Đông POC chỉ đạt 95% kế hoạch được giao về sản lượng, đạt 97% doanh thu, 96% lợi nhuận sau thuế, mà nguyên nhân chủ yếu là do EVN huy động điện khí thấp hơn kỳ vọng, các đơn vị trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí như Vietsovpetro, PVEP, Rusvietpetro đều hoàn thành vượt mức chỉ tiêu sản lượng khai thác dầu/khí đồng hành (condensate) kế hoạch cả năm (PVEP vượt 9%; Vietsovpetro vượt 6%, Rusvietpetro vượt 0,4%); các chỉ tiêu tài chính của các đơn vị đều vượt kế hoạch năm từ 3% đến 41%.
Những thách thức mới
Như vậy, nếu kế hoạch tăng khai thác dầu của Mỹ được thực hiện và giá dầu thế giới giảm thì nhiều công ty khai thác dầu khí của thế giới cũng phải đối mặt với lợi nhuận giảm, trong khi chi phí có thể tăng lên.
Tại Việt Nam, lĩnh vực thăm dò khai thác năm 2025 cũng được Tập đoàn Công nghiệp năng lượng quốc gia (Petrovietnam) xác định là “vùng trũng” trong giai đoạn 2021 - 2025 và trong thời gian tới.
Nguyên do, hầu hết các giếng/mỏ đang khai thác ở giai đoạn cuối đời mỏ, nên áp suất thấp và WCT (giai đoạn suy thoái sản lượng dầu khí với hàm lượng nước) cao, dẫn tới lưu lượng khai thác suy giảm; giếng phục hồi chậm sau mỗi lần dừng khai thác; hệ thống thiết bị của các mỏ chủ lực đã cũ; chi phí vận hành cao do hệ thống thiết bị được sử dụng trong thời gian dài, phải thực hiện nhiều biện pháp can thiệp giếng; tình trạng thiếu giàn khoan để triển khai các giếng khoan đan dày.
Trong khi đó, các dự án phát triển mỏ mới triển khai còn chậm do phải trải qua các thủ tục trình, phê duyệt kéo dài, không đủ bù đắp sự sụt giảm tự nhiên của sản lượng khai thác các mỏ (lên tới 10-25%/năm); các dự án khí trọng điểm, dự án khí mới, với đặc thù đầu tư và phát triển mỏ mất nhiều thời gian và phức tạp hơn nhiều so với mỏ dầu, chi phí cao, cần sự thỏa thuận, đầu tư phát triển đồng bộ giữa các khâu, các nhà đầu tư trong chuỗi dự án.
Công tác tìm kiếm thăm dò, gia tăng trữ lượng cho năm 2025 và trong thời gian tới cũng được Petrovietnam đánh giá là có nhiều khó khăn do tình hình biển Đông dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến việc kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí ở các lô còn mở của Tập đoàn.
Bên cạnh đó, việc tìm kiếm, triển khai các dự án thăm dò và khai thác dầu khí tốt ở nước ngoài ngày càng khó khăn, phải cạnh tranh khốc liệt với các công ty quốc tế có kinh nghiệm, tiềm lực mạnh.
Ngay sau khi nhậm chức vào ngày 20/1/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vạch ra một kế hoạch toàn diện để tối đa hóa sản lượng dầu khí của Mỹ.
“Nước Mỹ sẽ lại là một quốc gia sản xuất và chúng ta có thứ mà không một quốc gia sản xuất nào khác có được. Đó là lượng dầu và khí đốt lớn nhất, hơn bất kỳ quốc gia nào trên trái đất và chúng ta sẽ sử dụng nó. Chúng ta sẽ hạ giá xuống, lấp đầy lại các kho dự trữ chiến lược của mình lên đến đỉnh điểm và xuất khẩu năng lượng của Mỹ ra toàn thế giới”, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh.