Khai mở thị trường mới để thu hút dòng vốn FDI

Trong khi vốn đầu tư từ các thị trường truyền thống đang có dấu hiệu chậm lại, thì việc khai mở các thị trường mới sẽ giúp Việt Nam tiếp tục thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm dù tiếp tục xu hướng sụt giảm trong một số ngành nhưng tín hiệu đã tích cực hơn, trong đó Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore vẫn là nhà đầu tư hàng đầu. Ảnh: Đức Thanh. Đồ hoạ: Đan Nguyễn

“Tam mã” Singapore - Nhật Bản - Hàn Quốc

Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm vẫn tiếp tục xu hướng sụt giảm, nhưng tín hiệu dường như đã tích cực hơn, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Bởi lẽ, với 19,12 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam chỉ giảm gần 2% so với cùng kỳ năm trước.

Đóng góp lớn cho phần vốn này tiếp tục là “tam mã” Nhật Bản - Hàn Quốc- Singapore. Nhiều năm gần đây, Hàn Quốc luôn đứng đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Nhật Bản, Singapore đứng ở các vị trí tiếp theo.

Tuy nhiên, kể từ khi Covid-19 bắt đầu xuất hiện vào đầu năm ngoái, thứ hạng đã có thay đổi. Singapore đã “soán ngôi” của Hàn Quốc, vững ở vị trí thứ nhất. Năm ngoái, đảo quốc này đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam gần 9 tỷ USD, chiếm 31,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. 8 tháng đầu năm nay, con số là trên 6,2 tỷ USD, chiếm gần 32,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

“Trong 8 tháng, vốn đầu tư của Singapore gấp 1,9 lần vốn đầu tư của Nhật Bản và gấp 2,6 lần vốn đầu tư của Hàn Quốc”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.

Việc vốn đầu tư của Singapore vào Việt Nam tăng nhanh, theo Cục Đầu tư nước ngoài, chủ yếu là do có dự án điện khí 3,1 tỷ USD ở Long An. Chỉ riêng dự án này đã chiếm tới 50% tổng vốn đầu tư của Singapore. Điều này cũng giống như năm ngoái, khi Singapore có dự án điện khí 4 tỷ USD ở Bạc Liêu.

Trong khi đó, Nhật Bản nhiều năm nay vẫn đứng ở vị trí thứ hai, trước là sau Hàn Quốc, giờ là sau Singapore. 8 tháng qua, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 3,2 tỷ USD, chiếm 16,8% tổng vốn đầu tư và tăng tới 94,9% so với cùng kỳ. Việc Dự án Nhiệt điện Ô Môn II, với tổng vốn đầu tư trên 1,31 tỷ USD, được cấp chứng nhận đầu tư đã giúp vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam tăng mạnh.

Ngược lại, khiêm tốn hơn, các nhà đầu tư Hàn Quốc chỉ đăng ký đầu tư vào Việt Nam trên 2,4 tỷ USD, chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư, giảm 17,8% so với cùng kỳ.

Tuy vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đang có xu hướng giảm, song Cục Đầu tư nước ngoài vẫn có cái nhìn khá lạc quan đối với đối tác này. Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Hàn Quốc dù chỉ xếp thứ 3 về vốn đầu tư, song lại là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới, cũng như số lượt dự án điều chỉnh vốn.

Cụ thể, 8 tháng năm 2021, Hàn Quốc chiếm 22,1% số dự án mới (gấp lần lượt 1,8 lần và 2,1 lần số dự án mới của Singapore, Nhật Bản) và chiếm 28% số lượt dự án điều chỉnh vốn (gấp lần lượt 3 lần và 2,2 lần số lượt điều chỉnh vốn của Singapore và Nhật Bản).

“Như vậy, nếu xét về số lượng dự án, Hàn Quốc là đối tác có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư nhất trong 8 tháng”, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết.

Mối quan tâm của các nhà đầu tư Hàn Quốc là có thật. Ông Hong Sun, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cũng đã khẳng định điều này.

“Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề tới chuỗi cung ứng. Nếu Việt Nam có các biện pháp để xử lý vấn đề này và tiếp tục thành công trong chống dịch Covid-19, thì sẽ củng cố hơn nữa sự tín nhiệm của các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Hong Sun nói. Cũng theo ông Sun, đây chính là giai đoạn để các doanh nghiệp chuẩn bị và tới đây, sẽ có nhiều nhà đầu tư mới vào Việt Nam.

Nhắc tới câu chuyện sang năm là năm Hàn Quốc và Việt Nam sẽ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, ông Hong Sun bày tỏ kỳ vọng rằng, đây sẽ là dịp để hai bên thúc đẩy hơn nữa hợp tác về đầu tư.

Cả ba nhà đầu tư trên, theo Cục Đầu tư nước ngoài, tới đây vẫn sẽ tiếp tục là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Hiện nay, cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore đều đang đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, trong đó Việt Nam là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Sản xuất thấu kính tại Công ty R Technical ở tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Đức Thanh

Khai mở thị trường mới

Có một thông tin rất thú vị trong báo cáo về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 8 tháng qua. Đó là, trong tháng 8/2021, có một dự án mới đến từ nhà đầu tư Albania. Dự án không lớn, chỉ hơn 1 triệu USD, nhưng vẫn là một tín hiệu vui.

Như vậy, đã có thêm một nhà đầu tư nữa đến từ châu Âu quan tâm đến thị trường Việt Nam, bất chấp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Albania không phải là một nền kinh tế lớn ở châu Âu, nhưng trong bối cảnh Việt Nam đang muốn thu hút nhiều hơn dòng vốn đầu tư có chất lượng từ khu vực này, thì đó là một dấu hiệu tích cực.

Trong bối cảnh dòng đầu tư toàn cầu đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, việc có thêm đối tác mới đã chứng tỏ sức hút của điểm đến đầu tư Việt Nam.

Những tháng gần đây, khi dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sụt giảm, Cục Đầu tư nước ngoài cũng đã nhắc đến nguyên nhân là Covid-19 diễn biến phức tạp ở các đối tác đầu tư lớn của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, nếu khai mở thêm được các thị trường mới thì sẽ rất đáng quý.

Có lẽ, đó cũng là một trong những nguyên nhân mà mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lần đầu tiên phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức hội thảo trực tuyến về tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Đông.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Trung Đông luôn được xem là khu vực có tiềm năng lớn trong hợp tác đầu tư. Tuy nhiên, hiện tại, vốn đầu tư từ khu vực này vào Việt Nam còn hạn chế, chưa phản ánh đúng tiềm năng, lợi thế. Tính đến nay, dù đã có 13/16 quốc gia Trung Đông đầu tư vào Việt Nam, song con số chỉ dừng lại ở 136 dự án và 917 triệu USD, rất khiêm tốn. Cơ hội đang ở phía trước khi các nước Trung Đông đang đẩy mạnh xu hướng đầu tư ra nước ngoài.

Để thu hút dòng đầu tư từ thị trường này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc đề xuất 3 định hướng hợp tác, trong đó có việc nghiên cứu mô hình hợp tác với các đối tác thứ 3 để cùng hợp tác đầu tư các dự án lớn tại Việt Nam, tương tự mô hình Dự án Lọc dầu Nghi Sơn. Cùng với đó, xây dựng cơ chế hợp tác, kết nối các quỹ đầu tư lớn của khu vực Trung Đông trong phát triển các dự án hạ tầng lớn ở Việt Nam.

Tính lũy kế, Hàn Quốc đứng đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, với trên 72,3 tỷ USD vốn đăng ký. Đứng thứ hai là Nhật Bản, với trên 63,8 tỷ USD. Còn Singapore đứng thứ ba, với 62,5 tỷ USD.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục