Từ câu chuyện thành công của Mường Thanh
Nhiều người biết đến Công ty Tư nhân Xây dựng số 1 Lai Châu khi doanh nghiệp này tung ra các phương thức bán nhà gây sốc tại Hà Nội với các Dự án VP3 Linh Đàm, Khu đô thị mới Xa La và Khu đô thị mới Đại Thanh. Với sự đình đám của các dự án trên, nhiều người mới biết đến doanh nghiệp tư nhân chưa mấy tên tuổi trong lĩnh vực bất động sản ở Thủ đô này. Song ít ai biết được, đây là một đại gia đáng nể trong làng kinh doanh khách sạn.
Khởi nghiệp kinh doanh lĩnh vực này với Khách sạn Mường Thanh Điện Biên, đến nay, trong tay Công ty đã có gần 20 khách sạn từ 3 - 5 sao tại miền Bắc. Điểm chung của các khách sạn này là đều mang tên Mường Thanh và gắn với địa danh chúng được đầu tư xây dựng như Mường Thanh Linh Đàm (Hà Nội), Mường Thanh Nghệ An, Mường Thanh Hạ Long, Mường Thanh Sapa…
Ông Lê Thanh Thản, Giám đốc Công ty kể lại cơ duyên khiến ông quyết định đầu tư mạnh cho lĩnh vực khách sạn cao cấp. Năm 1999 - 2001, doanh nghiệp có cộng tác với một số nhà thiết kế Thụy Sỹ và đặt phòng tại Khách sạn Daewoo Hà Nội cho khách. Giá phòng khi đó tới gần 200 USD/đêm, nhưng phải đặt trước mấy ngày mới có. Có lẽ do đông khách, nên thái độ đón tiếp khách của Khách sạn không mấy nhiệt tình, vì vậy, với thành công cùng các khách sạn tại Điện Biên, Nghệ An…, ông Thản quyết định sẽ kinh doanh khách sạn cao cấp tại Hà Nội và mở rộng ra các thành phố khác.
Sau đó, khách sạn 4 sao tại Linh Đàm ra đời. Chiến thuật kinh doanh của ông Thản vẫn rất đơn giản: Giá hợp lý và thái độ phục vụ nhiệt tình. Nếu như các khách sạn 4 sao khác tại Hà Nội có giá phòng trên 100 USD/đêm, thì khách sạn của ông chỉ là 40 USD/đêm. Với mức giá trên, khách sạn của ông với không gian yên tĩnh, không khí sạch sẽ, phòng ốc tốt và đi lại thuận tiện, luôn đạt công suất tới 95 - 100%.
Từ Hà Nội, Công ty đã “hành quân” xuống Quảng Ninh với Khách sạn Mường Thanh Hạ Long 4 sao ngay vị trí đắc địa khu vực ngã ba Vườn Đào, tới đây là thêm 1 khách sạn 5 sao nữa, nâng tổng số lên 1.000 phòng tại địa bàn này. Chưa hết, doanh nghiệp này còn mở rộng vào Nha Trang với 2 khách sạn 5 sao quy mô 1.000 phòng. Dự kiến, giá phòng tại đây chỉ 50 USD/đêm cho khách sạn 5 sao. Sau đó, sẽ là cuộc chinh phục thị trường TP. HCM. Dự kiến sang năm 2013, doanh nghiệp này sẽ khánh thành 4 khách sạn quy mô 4 - 5 sao tại thị trường phía Nam.
Với giá phòng mà chuỗi Khách sạn Mường Thanh áp dụng, cuộc cạnh tranh trong phân khúc khách sạn hạng sang sẽ bước sang một giai đoạn mới: Nội thách thức ngoại! Với những thành công hiện tại, nhiều khả năng họ sẽ thành công ở những phân khúc cao cấp, tại những thị trường chiến lược về kinh doanh khách sạn như Hạ Long, Nha Trang, TP. HCM.
Bí quyết thành công của doanh nghiệp Việt Nam không chỉ về giá mà còn ở cung cách quản lý và cách dùng người. Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Linh Đàm (Hà Nội) tuổi đời mới 24, vừa đi du học tại Anh Quốc về và tỏ ra có năng lực trong quản lý, điều hành, áp dụng được những cách thức quản trị hiện đại vào hoạt động doanh nghiệp.
Đến những thoái lui của nhà đầu tư ngoại
Trong khi nhà đầu tư nội đang gặt hái được những thành công trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn cao cấp, thì thời gian gần đây, phân khúc này lại chứng kiến sự thoái lui của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Đơn cử như việc Tập đoàn Daewoo bán lại 70% cổ phần tại Khách sạn Daewoo Hà Nội cho đối tác nội trong liên doanh là Hanel, VinaCapital rao bán 50% cổ phần tại Khách sạn Metropole (Hà Nội), cũng chính tập đoàn này bán toàn bộ phần vốn góp tại Khách sạn Hilton (Hà Nội)… Trong đó, đa số các giao dịch mua khách sạn trên được thực hiện bởi nhà đầu tư trong nước, như Sovico mua lại cổ phần tại hệ thống Khách sạn Furama, BRG mua cổ phần tại Khách sạn Hilton, Hanel mua cổ phần tại Daewoo…
Việc thiếu bóng nhà đầu tư ngoại trong các giao dịch mua khách sạn cao cấp thời gian qua không hẳn do khối này hạn chế về năng lực tài chính, mà lý do chính theo ông Gregory Crovo, Luật sư Công ty Kelvin Chia Partnership, là quá trình xét duyệt hồ sơ cấp phép cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài thường phức tạp hơn nhà đầu tư trong nước, nhất là những giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất như lĩnh vực khách sạn.
Một điểm đáng lưu ý là không phải đại gia nào mua cổ phần trong các thương vụ chào bán liên quan đến khách sạn cũng nhằm mục đích kinh doanh và trụ lại trong lĩnh vực này. Rất nhiều thương vụ mà bên mua chỉ nhằm mục đích trung gian kiếm lời, bởi những lô đất xây dựng khách sạn đều ở các vị trí đắc địa và rất có thể được chuyển đổi công năng sau thời gian khai thác khác dài.
Cũng có nhiều thương vụ, do một lý do nào đó, bên mua chưa thể chuyển nhượng được cho khách khác đã phải tạm thời tham gia điều hành, vận hành khách sạn. Tuy nhiên, sự không chuyên nghiệp hoặc không tâm huyết đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động và chất lượng dịch vụ của loại hình kinh doanh đặc biệt này. Đã xuất hiện những lời phàn nàn về chất lượng của một khách sạn 5 sao tại Hà Nội khi ông chủ mới tiếp quản và tham gia điều hành.
Dù do yếu tố khách quan hay chủ quan, sự thoái lui của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn cao cấp thời gian qua cho thấy những khó khăn thực sự của phân khúc này.
Tuy nhiên, sự thành công của hệ thống Khách sạn Mường Thanh cho thấy, những báo cáo về việc kinh doanh tiêu cực của các khách sạn cao cấp tại Hà Nội trong nhiều năm qua không thuyết phục.
Được ưu tiên ở những vị trí đất vàng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, vào Việt Nam dưới hình thức chủ yếu là liên doanh (phía Việt Nam góp đất, phía nước ngoài góp vốn xây dựng), nhưng đóng góp cho ngân sách của các khách sạn này rất khiêm tốn, vì chủ yếu kết quả kinh doanh lỗ.
Nếu như trước kia, nói đến khách sạn hạng sang, phần lớn phải đề cập đến những tên tuổi nước ngoài, thì nay nhiều thương hiệu khách sạn 5 sao do các ông chủ Việt Nam sở hữu đã cạnh tranh ngang ngửa, thậm chí có phần vượt trội so với các nhà đầu tư ngoại. Tới đây, thị trường sẽ còn được chứng kiến nhiều chiêu thức kinh doanh thú vị khác khi một loạt dự án của các nhà đầu tư Việt Nam nhập cuộc như Công ty Tư nhân Xây dựng Lai Châu, Tập đoàn Bim Group…