Vừa qua, TAND tỉnh Thanh Hóa đã xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Vietcombank và Hợp tác xã Minh Quang (địa chỉ huyện Như Xuân, Thanh Hóa).
Được biết, vụ án này đã trải qua quá trình tố tụng trong nhiều năm, qua nhiều cấp tòa từ năm 2016 đến nay. Đây là lần xét xử phúc thẩm thứ 3 do bị đơn tiếp tục kháng cáo với lý do tòa sơ thẩm vi phạm tố tụng, hợp tác xã đã có quyết định giải thể bắt buộc ngày 11/1/2021…
Theo hồ sơ vụ việc, do có nhu cầu vay vốn để sản xuất gỗ dán nên Hợp tác xã Minh Quang đã ký kết hợp đồng tín dụng với Ngân hàng. Từ năm 2011-2012, hai bên đã ký 2 hợp đồng tín dụng, vay hơn 9 tỷ đồng.
Đảm bảo cho khoản vay trên, Hợp tác xã đã thế chấp căn hộ chung cư diện tích 143,4 m2 tại Khu đô thị Mỹ Đình 2, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội (nay là phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm); nhà đất tại huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa và dây chuyền sản xuất bàn ghế, cửa gỗ, ván sàn công nghiệp; xe nâng.
Quá trình vay nợ, Hợp tác xã đã thanh toán một phần nợ và rút tài sản đảm bảo là nhà đất ở huyện Như Xuân, Thanh Hóa và 3 dây chuyền sản xuất. Tính đến năm 2019, Hợp tác xã còn nợ gốc và lãi là 4 tỷ đồng.
Đột ngột ngừng cấp vốn?
Theo bị đơn, hợp đồng tín dụng ngày 31/1/2012 là vô hiệu do giả tạo và vi phạm điều cấm của pháp luật. Hợp tác xã Minh Quang cho rằng, hợp đồng này được lập ra nhằm đảo nợ, ép bên vay nhận lại nợ cũ.
Quá trình hòa giải, bị đơn trình bày, ngày 7/1/2011, hai bên đã ký hợp đồng tín dụng. Sau đó, hợp tác xã đã rút vốn vay của ngân hàng theo tiến độ để tiến hành phương án sản xuất kinh doanh.
Thế nhưng, sau khi rút 3 tỷ đồng thì ngân hàng ngừng việc cấp vốn và không nói rõ lý do. Bị đơn tìm hiểu và qua phát ngôn không chính thức của cán bộ ngân hàng thì nguyên nhân là do ngân hàng đang mất cân đối giữa huy động vốn và cho vay ra. Bị đơn đã nhiều lần yêu cầu trực tiếp và gửi công văn ngày 1/4/2011 để yêu cầu ngân hàng thực hiện nghĩa vụ nhưng ngân hàng không thực hiện.
Bị đơn cho rằng, ngân hàng đã vi phạm hợp đồng và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của hợp tác xã. Do hợp tác xã không rút được tiền vay để hoàn thiện đơn hàng nên không có hàng hóa để giao cho khách hàng dẫn đến bị đối tác phạt và đòi bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, toàn bộ hàng hóa sản xuất dở dang không sử dụng, để lâu mối mọt, ô nhiễm môi trường. Hợp tác xã phải bán thanh lý số hàng hóa trên làm chất đốt.
Hợp tác xã đã đề nghị tòa án buộc ngân hàng phải bồi thường số tiền hơn 11,9 tỷ đồng, đồng thời đối trừ vào nghĩa vụ trả nợ của bị đơn.
Theo bị đơn, ngân hàng “buộc phải biết về nghĩa vụ cấp đủ tiền cho bên vay”.
Sau khi xem xét, tòa phúc thẩm cho rằng, hợp đồng tín dụng được ký kết đúng quy định pháp luật. Các khoản giải ngân của ngân hàng không có khoản nào trùng với số tiền và thời gian trả nợ hợp đồng năm 2011. Vì vậy, hợp đồng năm 2011 không phải là hợp đồng thay thế, đảo nợ.
Mặt khác, ngày 22/1/2021, TAND huyện Như Xuân đã ra quyết định không mở thủ tục phá sản với Hợp tác xã Minh Quang. Như vậy, bị đơn đang trong quá trình xem xét các quyền lợi và nghĩa vụ khi bị giải thể, chưa chấm dứt mọi quyền và nghĩa vụ. Ông Nguyễn Văn M. vẫn là người đại diện cho hợp tác xã.
Tòa phúc thẩm không chấp nhận đơn kháng cáo của bị đơn; buộc hợp tác xã phải trả cho ngân hàng nợ gốc và lãi là hơn 4,3 tỷ đồng. Trường hợp bên vay không trả được nợ thì ngân hàng có quyền phát mại căn hộ chung cư.