Từ chỗ chỉ có 10 mã chứng khoán đăng ký giao dịch trên UPCoM của 10 năm trước, đến nay, thị trường đã có 833 mã chứng khoán đăng ký giao dịch. Sự lớn mạnh về quy mô của thị trường ở cả số lượng cổ phiếu, quy mô vốn hoá cũng như thanh khoản là một trong những minh chứng về mức độ cần thiết cũng như tốc độ tăng trưởng của sàn UPCoM.
Tuy nhiên, ý nghĩa của UPCoM không chỉ là ở những con số thể hiện quy mô thị trường, mà còn là nhiều vấn đề khác. Tiêu chuẩn để một mã chứng khoán được đăng ký giao dịch trên UPCoM khá thông thoáng, chỉ cần đáp ứng điều kiện về công ty đại chúng và có hồ sơ đăng ký giao dịch là đủ. Với quy định này, UPCoM ra đời đã đáp ứng được nhu cầu giao dịch tập trung của nhà đầu tư khi sở hữu chứng khoán của những công ty đại chúng chưa đáp ứng điều kiện niêm yết, hoặc không muốn niêm yết. Các trường hợp doanh nghiệp bị huỷ niêm yết bắt buộc cũng không còn trở thành nỗi ám ảnh cho các nhà đầu tư vốn dĩ trở thành “nhà đầu tư dài hạn bất đắc dĩ”.
Thứ hai là vấn đề minh bạch thông tin. Nếu trước kia, thông tin về các công ty đại chúng chưa niêm yết khá mù mờ, thì nay, với UPCoM, nhóm doanh nghiệp này đã minh bạch hơn, dù chưa được như kỳ vọng.
Thứ ba, sàn UPCoM thúc đẩy tính thành công các đợt cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước gắn với các doanh nghiệp đăng ký giao dịch chứng khoán. Và cuối cùng, điều chúng tôi nhận thấy chính là UPCoM tác động gián tiếp lên việc tăng mức độ yêu cầu nhận thức của nhà đầu tư khi ra quyết định đầu tư.
Mặc dù không có quy định nào thể hiện, nhưng lượng không nhỏ nhà đầu tư vẫn có tâm lý mặc định cổ phiếu niêm yết là cổ phiếu đạt tiêu chuẩn tốt. Với UPCoM, khái niệm cổ phiếu tốt hoặc không tốt (về yếu tố cơ bản, không tính yếu tố kỹ thuật) sẽ không thể dễ dàng nhìn thấy, dù dưới góc độ giá, thanh khoản hay các vấn đề khác. UPCoM không có nghĩa là xấu, và giá 1.000 đồng/cổ phiếu cũng không có nghĩa là cổ phiếu đó không thể trả cổ tức đều đặn mỗi năm vài nghìn đồng/cổ phiếu.
Bà Vũ Nam Hương, Thành viên ban Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính, VNDIRECT
Hiện tại, sàn UPCoM vẫn chưa phát triển tương xứng với kỳ vọng của cơ quan quản lý, quy mô và tiềm năng của mình, đặc biệt ở vấn đề thanh khoản. Tôi cho rằng, có nhiều nguyên nhân của tình trạng này.
Trước hết là ở sự mặc định của nhà đầu tư khi cho rằng, UPCoM là nơi giao dịch của những cổ phiếu kém chất lượng. Sự thật là có những mã chứng khoán bị huỷ niêm yết bắt buộc từ HOSE, HNX và sau đó giao dịch tập trung tại UPCoM, nhưng cũng có những mã mà yếu tố cơ bản rất tốt, nhưng DN vẫn đăng ký giao dịch tại UPCoM thay vì niêm yết.
Ðiểm yếu thứ hai là nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hoá đăng ký giao dịch tại UPCoM nhưng tính đại chúng thực sự không lớn. Ðây là lý do vốn hoá lớn nhưng thanh khoản nhiều mã gần như không có.
Ðiểm thứ ba là vấn đề margin cho các mã trên UPCoM. Nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lướt sóng có xu hướng sử dụng các công cụ đòn bẩy tài chính. Tuy nhiên, các cổ phiếu trên UPCoM lại không được phép margin. Các công cụ phái sinh cũng đang chủ yếu áp dụng cho VN30. Ðó là thiệt thòi cho UPCoM, dù nhiều mã thanh khoản lớn, hoặc kết quả kinh doanh rất tốt. Thêm vào đó, nhà đầu tư ngoại không giao dịch nhiều trên UPCoM cũng tác động không nhỏ đến vấn đề thanh khoản sàn.
UPCoM có nhiều lợi thế so với các sàn khác như biên độ giao dịch lớn hơn; nhiều doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá…, nhưng 3 trở ngại trên cần được giải tỏa để tạo sự phát triển cân bằng hơn cho sàn này. Tôi cho rằng, theo thời gian, cùng với chủ trương thoái vốn của nhà nước ngày một quyết liệt, vốn hoá UPCoM sẽ tăng và thanh khoản sẽ được cải thiện.
Giao dịch nhà đầu tư nước ngoài đã tăng mạnh 2 năm gần đây, vấn đề này có thể sẽ khắc phục mạnh nếu có thêm nhiều doanh nghiệp tốt lên sàn. Nếu cơ quan quản lý cho phép áp dụng margin và cân nhắc các sản phẩm phái sinh cho một số mã trên UPCoM thì tôi tin rằng, thanh khoản sẽ được cải thiện rất nhanh.