“Khả năng tăng tín dụng ngoại tệ sẽ không còn”

(ĐTCK-online) Ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng trong 6 tháng qua tăng trưởng quá thấp, nhất là tín dụng bằng VND.
Ông Lê Đức Thúy Ông Lê Đức Thúy

Tính đến tháng 6/2010, tín dụng tăng trên 10%, nhưng tín dụng bằng tiền đồng chỉ tăng 4,5%, còn tín dụng ngoại tệ tăng đến 27% và đã đến giới hạn. Việc huy động vốn ngoại tệ thấp hơn dư nợ cho vay liệu có gây áp lực lên tỷ giá? ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Thúy về vấn đề này.

 

Tín dụng ngoại tệ được đánh giá là vẫn có xu hướng tăng. Như vậy, có gây áp lực lên cầu ngoại tệ vào cuối năm khi các hợp đồng tín dụng ngoại tệ đến hạn, thưa ông?

Nếu nói xu hướng tín dụng ngoại tệ có tăng nữa hay không thì tôi chưa thể đưa ra đánh giá. Tuy nhiên, gần đây số dư về ngoại tệ huy động của ngân hàng (tức tiền gửi ngoại tệ trên tổng cán cân của hệ thống) đã ít hơn so với tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ. Mặt khác, tốc độ tiền gửi ngoại tệ tính đến cuối tháng 6/2010 đã âm 2,5% so với đầu năm 2010. Trong khi đó, cho vay bằng ngoại tệ tăng xấp xỉ 30% so với đầu năm. Điều đó đã phần nào cho thấy sự bất cân xứng giữa nguồn vốn huy động và nhu cầu cho vay thực tế bằng ngoại tệ. Vì thế, theo tôi, trong thời gian tới, khó có thể tăng được dư nợ cho vay bằng ngoại tệ.

Còn rủi ro về tỷ giá và trong vay vốn bằng ngoại tệ thì nếu một khi DN vay nhiều ngoại tệ, nhưng thực sự nguồn vốn cần không phải bằng ngoại tệ, trong khi họ không tạo ra được ngoại tệ, thì đến thời điểm trả nợ cho ngân hàng sẽ làm áp lực lên cầu ngoại tệ và ảnh hướng đến tỷ giá. Tuy nhiên, tỷ giá sẽ tăng thực tế nhiều hay ít còn tùy thuộc vào khả năng điều tiết của NHNN.

 

Nhưng hiện nay do áp lực lãi suất tiền đồng cao, DN vẫn muốn vay ngoại tệ khiến tăng trưởng dư nợ không khả quan như ngân hàng mong muốn, nên một số nhà băng muốn khai thác triệt để tín dụng ngoại tệ. Điều đó liệu có quá rủi ro?

Với người kinh doanh thì bao giờ cũng muốn tìm kiếm cơ hội có lợi nhuận và trong khuôn khổ pháp luật cho phép thì họ luôn muốn cố gắng thực hiện điều đó. Nhưng theo tôi, nếu điều chỉnh tốt chính sách lãi suất VND và như tôi đã khuyến nghị cần có một số thay đổi trong các quy định về điều chỉnh thị trường liên ngân hàng và vai trò người cho vay cuối cùng là NHNN, thì có thể làm cho áp lực về tăng lãi suất VND trên thị trường sẽ giảm đi. Đồng thời, tốc độ giảm lãi suất cho vay bằng tiền đồng sẽ nhanh hơn và như vậy sẽ làm giảm bớt căng thẳng giữa vay VND và USD. 

 

Vậy theo ông, giải pháp tháo gỡ vấn đề này như thế nào để có thể giảm được lãi suất?

Theo tôi cần tháo gỡ các rào cản hành chính và trái nguyên lý đối với hoạt động của thị trường liên ngân hàng và các hoạt động của NHTM, nhằm tạo điều kiện giảm mạnh hơn lãi suất huy động và cho vay. Chẳng hạn, quy định không được dùng quá 20% vốn liên ngân hàng làm vốn tín dụng đang làm cho thị trường liên ngân hàng mất vai trò điều hòa cung - cầu vốn. NHTM nhỏ cạnh tranh huy động vốn làm mặt bằng lãi suất huy động tăng cao thì không thể giảm lãi suất cho vay, trong khi lãi suất liên ngân hàng rất thấp. Đặc biệt, sắp tới đây khi tỷ lệ an toàn vốn được nâng lên 9% thì tăng trưởng tín dụng còn khó hơn, vì ngân hàng phải kiểm soát hiệu quả sử dụng vốn.

 

Đánh giá của ông như thế nào về xu hướng tín dụng trong những tháng còn lại của năm nay, cũng như việc hoàn thành mục tiêu kiểm soát tín dụng cả năm?

Tôi cho rằng, với tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện nay thì khó có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 25% năm 2010 như NHNN đề ra. Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta không quá quan tâm đến mục tiêu tăng trưởng tín dụng ấy có hoàn thành hay không, mà điều quan trọng hơn đó chính là DN có được đáp đủ nhu cầu vốn, với lãi suất hợp lý hay không. Do đó, chúng ta cần quan tâm đến tăng trưởng của DN và tăng trưởng của nền kinh tế có tốt hay không, chứ không nên lấy chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng như là một thước đo của sự tăng trưởng kinh tế.

Vân Linh thực hiện
Vân Linh thực hiện

Tin cùng chuyên mục