Thu từ dịch vụ tăng mạnh
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2018 vừa công bố của Vietcombank cho thấy, thu nhập lãi thuần đạt 6.197 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ 2017; lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 35,5%, đạt 881 tỷ đồng; lãi từ chứng khoán kinh doanh tăng 166% lên 277 tỷ đồng. Đáng chú ý, lãi từ hoạt động khác đem về cho Vietcombank 1.602 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ so với quý 1 năm ngoái.
Nhờ đó, Vietcombank ghi nhận mức lãi trước thuế kỷ lục 4.359 tỷ đồng trong quý I/2018 và hoàn thành 1/3 kế hoạch lợi nhuận cả năm. Năm 2017, Vietcombank đạt 5.378 tỷ đồng thu nhập từ hoạt động dịch vụ và sau khi trừ đi chi phí, lãi từ hoạt động này đạt 2.538 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm 2016.
Techcombank cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2018 hợp nhất với khoản thu nhập lãi thuần tăng 16,58 % so với cùng kỳ 2017, đạt 2.564 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng 4,7 lần, lên 441 tỷ đồng; lãi từ góp vốn, mua cổ phần tăng 1,8 lần, lên 894 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lãi từ hoạt động kinh doanh khác của Techcombank ghi nhận sự sụt giảm. Cụ thể, lãi từ hoạt động dịch vụ giảm 10,1% xuống 491 tỷ đồng, từ mua bán chứng khoán kinh doanh giảm 94,25% xuống 10 tỷ đồng, từ kinh doanh ngoại hối giảm 49% còn 45 tỷ đồng.
Nhờ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm khá mạnh (35%) xuống 824 tỷ đồng, nên kết thúc quý đầu năm 2018, Techcombank đạt 2.569 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ 2017.
Tại ACB, lãi trước thuế quý I/2018 đạt 1.490 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 24,3%, đạt 2.373 tỷ đồng; lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 42,3%, đạt 353 tỷ đồng; lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 18,2%, đạt 78 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư tăng 70%, đạt 143 tỷ đồng; các hoạt động khác đem về 350 tỷ đồng lãi thuần, giảm 3,5%. Bên cạnh đó, việc giảm mạnh dự phòng rủi ro từ 50,5% xuống 8,3% cũng đóng góp tích cực vào lợi nhuận chung của ACB.
Với OCB, tuy chi phí hoạt động và dự phòng rủi ro trong quý I/2018 đều tăng cao, riêng dự phòng rủi ro tín dụng tăng gần gấp đôi cùng kỳ 2017, nhưng OCB vẫn đạt lợi nhuận trước thuế hơn 618 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ, qua đó hoàn thành hơn 32% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Có được kết quả này là nhờ doanh thu ở tất cả các mảng hoạt động của OCB đều tăng mạnh. Chẳng hạn, hoạt động từ chứng khoán đầu tư đem về khoản lãi đột biến 277 tỷ, tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ; hoạt động tín dụng đạt hơn 775 tỷ đồng, tăng 62%; lãi từ dịch vụ tăng 47,6%, đạt 62 tỷ đồng...
Tại Sacombank, các khoản thu từ dịch vụ trong quý I/2018 tiếp tục khả quan với doanh thu từ hoạt động dịch vụ đạt 752 tỷ đồng (lãi 544 tỷ đồng sau khi trừ chi phí), tăng 30,3% so với cùng kỳ 2017. Năm 2017, Sacombank lãi 2.623 tỷ đồng từ hoạt động này.
Kỳ vọng bức tranh lợi nhuận 2018 tiếp tục sáng
Theo báo cáo của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s, tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) bình quân của 14 ngân hàng Việt Nam đã tăng từ 0,7% năm 2016 lên 0,9% trong năm 2017. Tổ chức này dự báo, khả năng sinh lời của các ngân hàng sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2018 nhờ điều kiện kinh tế vĩ mô vẫn ổn định và tăng trưởng thu nhập cốt lõi duy trì sự khả quan.
Trên thực tế, kết quả kinh doanh quý I/2018 của nhiều ngân hàng cho thấy các chỉ số ROA, ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn) đều ở mức cao. Đơn cử, tại HDBank, trong quý đầu năm, ROA đạt 1,5%, còn ROE đạt 19,2%. Các chỉ số ROA và ROE của VPBank lần lượt là 3,3% và 34,2%. Với VietinBank các chỉ số này đạt tương ứng 1,12% và 15,33%.
Nhìn chung bức tranh kinh doanh quý I/2018 của các ngân hàng đều có gam màu sáng, với điểm nhấn là khả năng sinh lời được cải thiện khá rõ nét. Với khởi đầu thuận lợi, nhiều ngân hàng kỳ vọng sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra cho năm 2018, thậm chí còn có thể đột biến về lợi nhuận như Vietcombank muốn đạt trên 13.000 tỷ đồng lãi trước thuế, VietinBank là 10.800 tỷ đồng, Techcombank trên 10.000 tỷ đồng, BIDV là 9.300 tỷ đồng, ACB là gần 6.000 tỷ đồng...