Ngày 12/5, một thành viên ban điều hành của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed-Ngân hàng trung ương Mỹ), Thống đốc Michelle Bowman cho biết có thể Fed cần tăng lãi suất hơn nữa nếu lạm phát không giảm rõ rệt trong những tuần tới.
Phát biểu tại một hội nghị ở thành phố Frankfurt (Đức), bà Bowman nêu rõ nếu lạm phát vẫn cao và thị trường lao động vẫn eo hẹp thì Fed có thể sẽ cần thắt chặt thêm chính sách tiền tệ.
Kể từ tháng 3/2022, Fed đã tăng lãi suất 10 lần liên tiếp nhằm kiềm chế lạm phát của Mỹ hiện vẫn ở mức cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% do cơ quan này đề ra. Mới đây nhất, ngày 3/5 vừa qua, Fed đã tăng lãi suất cơ bản lên 5-5,2%, mức cao nhất trong khoảng 16 năm.
Trong khi đó, thị trường việc làm tại Mỹ cho đến nay vẫn sôi động với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục, mặc dù tăng trưởng kinh tế gần đây đã giảm tốc. Theo bà Bowman, các báo cáo việc làm và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) không cho thấy rõ lạm phát đang trên đà đi xuống.
Thống đốc Bowman cho biết bà sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ dữ liệu sắp tới khi cân nhắc chính sách tiền tệ thích hợp chuẩn bị cho cuộc họp tiếp theo của Fed dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới.
Đầu tuần này, Chủ tịch Fed chi nhánh New York, ông John Williams cũng để ngỏ khả năng tăng lãi suất để chống lạm phát và cho biết quyết định sẽ phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế.
Cùng ngày 12/5, Thống đốc Ngân hàng trung ương Thụy Điển (Riksbank), ông Erik Thedeen cho biết ngân hàng này có thể phải tăng lãi suất nhiều hơn nếu lạm phát không giảm nhanh như dự kiến.
Riksbank đã tăng lãi suất từ mức 0 một năm trước đây lên mức 3,5% vào tháng 4 vừa qua nhằm đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%. Riksbank dự định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản nữa vào tháng 6 hoặc tháng 9 năm nay. Tuy nhiên, tác động của các đợt tăng lãi suất không lớn như dự kiến.
Nền kinh tế vẫn ổn định với tỷ lệ thất nghiệp tương đối thấp, giá bất động sản thậm chí đã bắt đầu phục hồi nhẹ sau những lần giảm mạnh trước đó. Lạm phát đã giảm từ 9,4% trong tháng 2 xuống 8% trong tháng 3.
Theo ông Thedeen, việc giảm lạm phát khó khăn hơn nhiều so với dự báo trước đây của Riksbank và các nhà kinh tế. Nếu lạm phát không giảm rõ rệt trong vòng 6 tháng tới, điều này chắc chắn sẽ tác động đến chính sách tiền tệ của Riksbank.