Sau hơn ba thập kỷ giữ chức CEO, ngày 3/4 vừa qua, Howard Schultz đã chính thức rời nhiệm sở, chuyển giao quyền lãnh đạo cho cựu Giám đốc tài chính (CFO) Kevin Johnson.
Starbucks hiện đang có khoảng 26.000 cửa hàng cà phê trên toàn thế giới và dự định sẽ mở thêm khoảng 12.000 cửa hàng trong vòng 5 năm tới. Starbucks cũng hy vọng sẽ mở rộng những nỗ lực trong mảng công nghệ di động - một mảng quan trọng đối với sự phát triển của Công ty.
Kể từ khi mua lại 6 cửa hàng ban đầu của Starbucks vào năm 1987, Howard Schultz đã phát triển Công ty từ một chuỗi cửa hàng nhỏ thành một tập đoàn có quy mô quốc tế. Hơn 30 năm qua, Schultz luôn được nhắc đến như một nhà lãnh đạo huyền thoại của Starbucks, một CEO quyết đoán và đầy tham vọng đã đưa Starbucks bành trướng một cách thần tốc cũng như giải cứu Công ty khỏi khủng hoảng.
Giờ đây, Kevin Johnson là cái tên được chọn để thay thế cho “người hùng” Howard Schultz. Nhiều ý kiến cho rằng, việc tiếp quản vị trí CEO tại Starbucks lúc này cũng tương tự như cảnh tiếp quản tại Apple năm 2011, khi mà CEO Tim Cook bị cái bóng của người tiền nhiệm Steve Jobs tràn ngập.
“Tôi không thể cố gắng để trở thành Howard. Tôi không phải là Howard”, Johnson nói với CNBC trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 12 năm ngoái về sự so sánh này.
Tờ New York Times cho biết, Johnson là bạn thân của Howard Schultz, đã tham gia hội đồng quản trị Starbucks được 7 năm. Trước đó, ông từng có chân trong ban giám đốc tại Microsoft và là CEO của công ty công nghệ Juniper Networks. Johnson còn có kinh nghiệm nhiều năm làm việc với Phố Wall, hiểu sự khắc nghiệt của vị trí CEO và là nhà điều hành đích thực.
Có ba điều đã giúp sự nghiệp của ông tiến xa như hiện nay:
Không ngại thay đổi lớn
Khi Johnson rời Microsoft để lãnh đạo Juniper Networks, nền kinh tế Mỹ đang bước vào một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất. Trong tuần đầu tiên của năm 2008, Lehman Brothers sụp đổ. Khi đó, Johnson đã nhận thức rõ rằng, để tồn tại thì cần phải có những thay đổi lớn.
“Tôi đã được thuê để mở rộng công ty và đưa nó lên tầm cao mới. Điều kiện hiện tại không cho phép công ty làm điều đó, và tôi cũng không có nhiều thời gian”, ông kể lại trong một bài blog.
Một lãnh đạo tại Juniper Networks khi đó nói với Johnson: “Nếu ông không thực hiện đủ những thay đổi cần thiết trong khoảng 12 đến 18 tháng đầu tiên, thì mọi thứ đều sẽ là quá muộn.”
Do vậy, ngay từ trước khi nhậm chức, Johnson đã thiết lập một bản kế hoạch 100 ngày. Chiến lược của ông bao gồm “đầu tư thời gian và thiết lập kết nối quan trọng với đội ngũ lãnh đạo, nhân viên, khách hàng chính, nhà đầu tư, đối tác và hội đồng quản trị”.
Vào ngày đầu tiên làm việc, ông đã ngay lập tức bắt tay vào thực hiện những thay đổi đó.
Ưu tiên nhân viên
Brad Brooks, một cựu đồng nghiệp của Johnson cả ở tại Microsoft và Juniper Networks, nói rằng Johnson luôn muốn khuyến khích nhân viên trở thành một phần trong sự phát triển của công ty.
“Rất hiếm người có thể khiến bạn sẵn sàng kề vai chiến đấu. Kevin là một trong số đó”, Brooks nói.
Sheila Gulati, một nhà quản lý cũ tại Microsoft cũng kể lại rằng, Johnson đã đưa ra một chương trình nội bộ, nơi mà bất kỳ nhân viên nào cũng có thể nộp đơn xin tài trợ cho dự án của riêng mình. Cách tiếp cận cởi mở của Johnson đã khuyến khích các chuyên gia thỏa sức sáng tạo và trở nên hợp tác hơn.
Johnson cũng chia sẻ rằng, tại Jupiter Networks, một phần trong chiến lược khi mới nhậm chức CEO của ông là gặp gỡ và học hỏi càng nhiều càng tốt từ chính các nhân viên làm việc cho mình.
Theo hãng tư vấn KRW International, một vị CEO được đánh giá cao và tôn trọng bởi các nhân viên thường sẽ đạt tỷ lệ ROA (lợi nhuận trên tổng tài sản) bình quân 9,35% trong vòng 2 năm, gấp 5 lần so với mức 1,93% của các CEO có điểm số thấp hơn.
Hiểu rõ vai trò của công nghệ trong kinh doanh
Johnson đã bắt đầu sự nghiệp của mình trong vai trò là một kỹ sư tại IBM. Hiểu rằng công nghệ là yếu tố thiết yếu để tăng trưởng kinh doanh, do đó, khi điều hành mảng marketing và bán hàng tại Starbucks, Johnson đã tạo ra mối liên kết chặt chẽ với các nhóm chuyên sâu về công nghệ.
Trong khi làm CFO của Starbucks, ông đã giúp thương hiệu cà phê nổi tiếng này xây dựng chương trình khách hàng thân thiết và ứng dụng trên di động, giúp tạo ra một nguồn doanh thu đáng kể. Theo tờ The City City Business Journal, ứng dụng Starbucks chiếm tới 25% số sản phẩm bán ra.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện tại, khi Starbucks đang ngày càng chú trọng phát triển công nghệ để thúc đẩy doanh số, giới phân tích cho rằng tân CEO có đủ yếu tố cần thiết để duy trì tốt đà hoạt động của Starbucks.
“Đặc biệt là khi bắt đầu, điều quan trọng là phải xem xét cách bạn sắp xếp các quyết định và hành động”, Johnson chia sẻ.