Sau phiên giảm mạnh hôm thứ Ba do lo ngại lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lên mức cao nhất 4 năm sẽ gây áp lực lên lạm phát, nợ công, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của các công ty, phố Wall có phiên lình xình trong ngày thứ Tư khi nhà đầu tư vừa lo lắng về lãi suất trái phiếu tăng cao, lai vừa hưng phấn với kết quả kinh doanh quý I khả quan của các doanh nghiệp.
Cả 3 chỉ số chính của phố Wall giằng co nhẹ quanh ngưỡng tham chiếu, trong đó Dow Jones và S&P 500 kịp đóng cửa với sắc xanh, còn Nasdaq thiếu chút may mắn.
Về diễn biến của một số cổ phiếu đáng chú ý, cổ phiếu của Boeing tăng mạnh 4,2%, Facebook tăng, Comcast cũng tăng 2,7% sau khi các hãng này công bố kết quả kinh doanh vượt dự báo. Trong khi đó, cổ phiếu Caterpillar giảm 6,2% dù kết quả kinh doanh khả quan, nhưng giới đầu tư lo ngại chi phí sẽ tăng cao hơn trong tương lai.
Theo dữ liệu của Thomson Reuters, trong số 31% số doanh nghiệp trong S&P đã công bố lợi nhuận đến thời điểm này, có 81,2% số doanh nghiệp có lợi nhuận cao hơn hoặc như dự báo. Các nhà phân tích dự đoán, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong quý I sẽ tăng trưởng 22%.
Kết thúc phiên 25/4, chỉ số Dow Jones tăng 59,70 điểm (+0,25%), lên 24.083,83 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,84 điểm (+0,18%), lên 2.639,40 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 3,62 điểm (-0,05%), xuống 7.003,74 điểm.
Những lo ngại về lãi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh lên mức cao nhất 4 năm đã kéo lãi suất trái phiếu châu Âu tăng theo, lấn át kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp vừa công bố, khiến chứng khoán châu Âu đồng loạt giảm điểm trong phiên thứ Tư, xuống mức thấp nhất 1 tuần.
Kết thúc phiên 25/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 46,08 điểm (-0,62%), xuống 7.379,32 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 129,52 điểm (-1,02%), xuống 12.422,30 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 30,86 điểm (-0,57%), xuống 5.413,30 điểm.
Tương tự, chứng khoán châu Á cũng chìm trong sắc đỏ trong phiên thứ Tư khi nỗi lo về lãi suất trái phiếu tăng mạnh bao trùm giới đầu tư. Trong đó, chứng khoán Hồng Kông trở lại hết những gì đã có trong phiên trước đó, chứng khoán Trung Quốc cũng quay đầu giảm do ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu bất động sản, năng lượng và công nghiệp nặng sau khi tăng mạnh nhất 2 năm trong phiên thứ Ba khi nhà đầu tư phản ứng tích cực với quyết tâm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Kết thúc phiên 25/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 53,91 điểm (-0,24%), xuống 22.224,21 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 308,09 điểm (-1,01%), xuống 30.328,15 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 10,95 điểm (-0,35%), xuống 3.117,97 điểm.
Sau phiên tăng tốt hôm thứ Ba do nhà đầu tư lo ngại về lạm phát và đồng USD điều chỉnh giảm, giá vàng đã giảm trở lại trong phiên thứ Tư, thậm chí còn trả lại cả vốn và lãi có được trong phiên thứ Ba xuống mức thấp nhất 4 tuần khi đồng USD lại tăng vọt trở lại, lên mức cao nhất gần 3 tháng rưỡi.
Kết thúc phiên 25/4, giá vàng giao ngay giảm 7,2 USD/ounce (-0,54%), xuống 1.322,6 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 giảm 10,2 USD/ounce (-0,77%), xuống 1.322,8 USD/ounce.
Giá dầu thô sau phiên điều chỉnh trước đó do áp lực chốt lời, đã lấy lại đà tăng trong phiên thứ Tư khi nhà đầu tư lo ngại về căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Iran có thể làm gián đoạn nguồn cung. Ngoài ra, lo ngại sản lượng dầu sụt giảm tại Venezuela sau căng thẳng giữa Tập đoàn Chevron (Mỹ) và hãng dầu mỏ quốc doanh PDVSA, khiến tập đoàn của Mỹ phải rút các nhân viên điều hành của mình sau khi 2 nhân viên của hãng này bị bỏ tù vì tranh chấp hợp đồng với PDVSA.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu không mạnh do dữ liệu vừa công bố cho thấy, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước tăng thêm 2,2 triệu thùng, trong khi theo dự báo là giảm 2 triệu thùng. Kho dự trữ tại trung tâm trung chuyển Oklahoma cũng tăng 459.000 thùng.
Kết thúc phiên 25/4, giá dầu thô Mỹ tăng 0,35 USD (+0,51%), lên 68,05 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,14 USD (+0,19%), lên 74,00 USD/thùng.