Những DN báo lãi đột biến
CTCP Phát triển hạ tầng kỹ thuật (IJC) cho biết, lợi nhuận của IJC có thể đạt 115 tỷ đồng trong quý IV/2013, trong khi lợi nhuận 9 tháng đầu năm chỉ đạt 43,5 tỷ đồng. Theo IJC, lợi nhuận của Công ty thường tập trung vào quý IV, vì đây là thời điểm Công ty hạch toán doanh thu từ một số công trình trọng điểm. Không chỉ tại IJC, một số DN kinh doanh bất động sản cũng có lợi nhuận cao trong quý này như CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG), với lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt trên 65 tỷ đồng, giúp lợi nhuận sau thuế cả năm của HDG đạt 110 tỷ đồng. Ngoài ra, theo lãnh đạo HDG, Công ty hiện không có tồn kho bất động sản và số dư tiền mặt tính đến thời điểm cuối năm 2013 đạt trên 200 tỷ đồng.
CTCP Kết cấu kim loại và lắp máy Dầu khí (PXS) cũng dự kiến lợi nhuận quý IV sẽ cao gần bằng 9 tháng đầu năm. Do vậy, trong năm 2013, PXS có thể đạt doanh thu 1.006 tỷ đồng và lợi nhuận dự kiến 120 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty đã thực hiện trả khoản nợ vay dài hạn liên quan đến việc đầu tư vào Bãi cảng chế tạo thiết bị dầu khí với số tiền 160 tỷ đồng trong quý IV/2013.
Một số DN kinh doanh các sản phẩm khí gas cũng dự báo trong quý IV sẽ có lợi nhuận cao hơn so với 3 quý đầu năm, do nhu cầu sử dụng khí nén thiên nhiên (CNG) thường tăng lên vào cuối năm. CTCP Khí hóa lỏng miền Nam (PGS) cho biết, giá LPG trên thị trường từ đầu quý III đã tăng trở lại, giá gas trong nước cũng được điều chỉnh tăng nên PGS đã vượt kế hoạch lợi nhuận khi kết thúc quý III với trên 150 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt kế hoạch hơn 40% và lợi nhuận quý IV vẫn khả quan.
… và bất ngờ báo lỗ
Ở chiều ngược lại, một số DN lại có kết quả kinh doanh kém khả quan trong quý cuối cùng của năm 2013. CTCK Ngân hàng Á Châu (ACBS) vừa bất ngờ báo lỗ gần 130 tỷ đồng trong quý IV/2013. Lý do thua lỗ được ACBS cho biết là do doanh thu tự doanh giảm tới 95% so với cùng kỳ năm 2012. Các mảng môi giới, tư vấn, lưu ký chứng khoán và doanh thu khác đều tăng mạnh so với cùng kỳ, song chi phí lại vượt quá doanh thu. Khoản lỗ trong quý IV đã kéo lợi nhuận sau thuế cả năm 2013 của ACBS xuống còn hơn 90 tỷ đồng.
Hai “anh bạn” khác trong ngành với ACBS là Chứng khoán Đà Nẵng (DNSC) và Chứng khoán Kenanga Việt Nam (KVS) cũng vừa báo lỗ trong quý IV, song mức lỗ không lớn. Lũy kế cả năm 2013, DNSC lãi 400 triệu đồng, còn KVS lỗ gần 7 tỷ đồng.
Trước đó, CTCP Hữu Liên Á Châu (HLA) cũng làm nhiều cổ đông thất vọng khi công bố BCTC hợp nhất quý IV/2013 với khoản lỗ hơn 131 tỷ đồng (HLA bắt đầu niên độ kế toán từ 1/4) trong khi 3 quý đầu năm, Công ty vẫn có lãi tương đối ổn định, dẫn đến khoản lỗ ròng 115,5 tỷ đồng. Nguyên nhân thua lỗ theo HLA là do Công ty bán hàng dưới giá vốn. Theo HLA, các ngành bất động sản, xây dựng, trang trí nội thất, xe máy, vận tải biển… là các ngành sử dụng đầu ra sản phẩm của Công ty đều khó khăn, dẫn đến doanh thu của HLA sụt giảm. Bên cạnh những giải trình nguyên nhân kết quả thua lỗ do khó khăn chung do biến động giá nguyên liệu đầu vào, HLA cũng đưa ra những biện pháp khắc phục trong năm 2014 với những mục tiêu là tái cơ cấu Công ty, cắt giảm chi phí tài chính, tăng sản lượng và thực hiện thoái vốn khỏi các công ty liên kết. Dù HLA đã có giải trình, nhưng xem ra chưa làm chưa làm cổ đông thỏa lòng.
CTCP Đầu tư - Kinh doanh nhà (ITC) vừa quyết định chuyển nhượng lại Dự án Intresco Tower dưới giá trị sổ sách và Công ty sẽ ghi nhận khoản lỗ khoảng 250 tỷ đồng này vào quý IV, dẫn đến quý IV và cả năm 2013 của ITC lỗ nặng.
Tình trạng chậm nộp BCTC có lặp lại?
Ngày 25/1 là hạn cuối cùng để các DN niêm yết nộp BCTC quý IV/2013, nên số DN trên 2 sở GDCK công bố báo cáo hiện mới chỉ mới đếm trên đầu ngón tay.
Theo một lãnh đạo Sở GDCK TP. HCM, phần lớn các DN sẽ công bố báo cáo vào thời hạn cuối cùng; trong đó, sẽ vẫn còn tình trạng các DN xin gia hạn nộp báo cáo quý. Hơn nữa, quý IV là quý cuối cùng của năm, DN thường mất nhiều thời gian tập hợp chứng từ, đối chiếu số liệu…, do vậy sẽ không tránh khỏi tình trạng DN chậm nộp BCTC khi đã đến hạn, dù hiện nay tình trạng này đã được khắc phục đáng kể.
Hoàng Anh