Kết quả kinh doanh ngân hàng năm 2020: Thắng lớn và hoài nghi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đi ngược lại xu thế khó khăn của không ít doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19, những con số công bố lợi nhuận năm 2020 của khu vực ngân hàng thật đáng kinh ngạc và gây ra nhiều tranh luận trái chiều.
Vietcombank vẫn dẫn đầu hệ thống với lợi nhuận tuyệt đối năm 2020 là 23.000 tỷ đồng. Vietcombank vẫn dẫn đầu hệ thống với lợi nhuận tuyệt đối năm 2020 là 23.000 tỷ đồng.

Lợi nhuận của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tương đương năm 2019 với hơn 23.000 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) tăng vọt tới 43,5% so với năm trước đạt gần 17.000 tỷ đồng, riêng thu nhập ngoài lãi suất tăng 35,2% so với năm 2019, còn Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tuy giảm 16% nhưng cũng đạt hơn 9.000 tỷ đồng và Agribank cho biết, kết quả kinh doanh năm 2020 cũng vượt mục tiêu đề ra với tăng trưởng tín dụng đạt trên 8% và lợi nhuận đạt gần 13.000 tỷ đồng.

Kết quả lợi nhuận đó còn ấn tượng hơn nữa khi biết rằng BIDV đã chủ động giảm thu nhập hơn 6.400 tỷ đồng để thực hiện cơ cấu nợ, hạ lãi suất và miễn giãm lãi, phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, còn Vietcombank đã chủ động chia sẻ cùng doanh nghiệp và người dân 3.700 tỷ đồng thông qua 5 đợt hạ lãi suất, trong khi con số này tại VietinBank là khoảng 5.000 tỷ đồng.

Theo Tổng giám đốc Vietcombank, tổng dư nợ được hỗ trợ giảm lãi suất cho vay khoảng 441.768 tỷ đồng và tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng do giảm lãi suất gần 4.000 tỷ đồng, còn dư nợ được cơ cấu lại theo Thông tư 01/2020 của NHNN là 5.156 tỷ đồng.

Chỉ riêng nhóm 10 ngân hàng thương mại cổ phần có lợi nhuận trước thuế cao nhất năm 2020 gồm Vietcombank, VietinBank, Techcombank (15.800 tỷ đồng), VPBank (13.000 tỷ đồng), MB, ACB, BIDV, HDBank, VIB và OCB đã đạt tổng lợi nhuận trước thuế 114.474 tỷ đồng (năm 2019 là 94.600 tỷ đồng).

Nhiều ngân hàng cổ phần khác cũng đạt kết quả kinh doanh ấn tượng không kém, chẳng hạn Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) công bố lợi nhuận trước thuế tăng 11% so với năm trước (lợi nhuận trước thuế năm 2019 của TPBank là gần 3.900 tỷ đồng), hay Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) thậm chí có mức lợi nhuận trước thuế tăng tới 96% so với năm 2019, đạt hơn 2.500 tỷ đồng...

Năm 2020, tổng tài sản của MSB đạt gần 176.700 tỷ đồng, tăng 12,56% so với năm 2019 và hoàn thành 103,94% so với kế hoạch đặt ra. Lợi nhuận trước thuế đạt bằng 175% kế hoạch năm và dư nợ tín dụng tăng gần 24,76% đạt 79.300 tỷ đồng, tiền gửi của khách hàng và phát hành các giấy tờ có giá đạt hơn 99.200 tỷ đồng - tăng 10,4% so với đầu năm và vượt kế hoạch mục tiêu. Bên cạnh đó, thu nhập từ hoạt động dịch vụ cũng ghi nhận mức tăng 57,14% so với năm 2019, đạt 820,67 tỷ đồng. Tỷ trọng thu nhập ngoài lãi trên tổng thu nhập đạt mức cao 33%.

Cũng trong năm 2020, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của HDBank đạt 5.818 tỷ đồng, tăng 15,9% so với năm trước và hoàn thành 102,8% kế hoạch năm 2020.

Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) đạt lần lượt 20,6% và 1,7%. Hơn nữa, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, HDBank đã dành 34.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi, thực hiện gia hạn thời gian trả nợ, miễn giảm lãi vay.

Tính đến 31/12/2020, tổng tài sản của HDBank đạt 319.127 tỷ đồng, tăng 39,1% so với năm 2019 và hoàn thành 104,5% kế hoạch.

Huy động vốn từ các tổ chức kinh tế và dân cư đạt 208.953 tỷ đồng, tăng 38,4% và hoàn thành 111% kế hoạch. Dư nợ tín dụng đạt 188.228 tỷ đồng, tăng 23% hoàn thành 105,8% kế hoạch.

Tương tự, năm 2020, tổng tài sản của VIB tăng trưởng 32,6% so với đầu năm, đạt 245.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 42,2% so với năm 2019, đạt 5.803 tỷ đồng. Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn bình quân (ROEE) đạt 30,0%, giúp VIB tiếp tục giữ vững vị trí trong nhóm cao nhất toàn ngành về hiệu quả kinh doanh. Tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp dưới 1,5%.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn do dịch bệnh và thiên tai, nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận khiến cho không ít người băn khoăn, hoài nghi, thậm chí còn cho rằng với tư cách là trung gian tài chính thì ngân hàng đang hưởng lợi trên lưng của khách hàng bất chấp tình cảnh khốn khó của họ. Để giải tỏa những băn khoăn nghi ngại này cần tìm hiểu nguyên nhân “thắng lớn” của khu vực ngân hàng năm 2020.

Dịch vụ là điểm tựa

Trước hết, mặc dù tăng trưởng kinh tế năm 2020 chỉ đạt 2,91%, thấp xa so với con số 7,02% năm 2019, song các chỉ tiêu tiền tệ cơ bản đều không biến động quá mạnh.

Cụ thể, tính đến 21/12/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 12,56% so với cuối năm 2019 (cùng thời điểm năm 2019 tăng 12,1%, đến 28/12/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 13,26%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 12,87% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 12,48%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,14% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 12,14% và đến 31/12/2020, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 12,13%).

Hệ thống tổ chức tín dụng đã cung ứng hơn 9 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế, ngay cả trong năm 2020, khi dịch Covid-19 hoành hành cũng bổ sung thêm cho thị trường hơn 1 triệu tỷ đồng.

Rõ ràng, tín dụng ngân hàng hầu như không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và duy trì lợi nhuận từ tăng quy mô cho vay nền kinh tế.

Tăng trưởng kinh tế dự báo lạc quan trong năm nay là cơ sở để ngân hàng tăng chỉ tiêu lợi nhuận.

Tăng trưởng kinh tế dự báo lạc quan trong năm nay là cơ sở để ngân hàng tăng chỉ tiêu lợi nhuận.

Thứ hai, trong năm 2020, NHNN đã chủ động giảm 3 lần lãi suất điều hành với quy mô lớn 1,5 - 2,0%/năm, vừa tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN, vừa tạo lập cơ sở điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất tương thích với diễn biến lạm phát. Nhiều ngân hàng thương mại đã tận dụng tốt cơ hội từ chênh lệch tốc độ giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay để tăng quy mô lợi nhuận.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cổ phần cũng tích cực chia sẻ lợi nhuận thông qua giảm lãi suất cho vay.

Chẳng hạn, VIB đã dành nguồn lực chủ động thực hiện Thông tư 01 và Chỉ thị 02 của NHNN liên quan đến quản trị vận hành và hỗ trợ khách hàng trong thời gian Covid-19.

VIB là một trong các ngân hàng tiên phong đưa ra gói hỗ trợ cho cả khoản vay hiện hữu và khoản vay mới, với mức lãi suất giảm từ 0,5 - 2,0% và đã thực hiện cơ cấu nợ cho hơn 2.500 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng dư nợ trên 3.400 tỷ đồng, đồng thời thực hiện giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu cho hơn 8.300 khách hàng, mức giảm lãi suất từ 0,5 - 2,0%, trong đó có 8.100 khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

VIB cũng đã chủ động cho vay mới gần 140.000 tỷ đồng với lãi suất giảm từ 0,5 - 1,2% so với năm 2019, trong đó cho vay khôi phục và duy trì sản xuất cho các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là hơn 12.000 tỷ đồng. Đồng thời, đã miễn, giảm nhiều loại phí giao dịch cho khách hàng, trong đó có giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng, giao dịch thanh toán trực tuyến.

Thứ ba, các ngân hàng thương mại đã nỗ lực cắt giảm chi phí và nợ xấu. Thực hiện Thông tư 01/2020/NHNN-TT, tính đến cuối năm 2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 335.000 tỷ đồng, đồng thời miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 600.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng và đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) hơn 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 400.000 khách hàng.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống tổ chức tín dụng giảm dần và duy trì dưới 2% trong giai đoạn từ cuối năm 2017 đến tháng 7/2020 và chỉ tăng lên 2,09% vào cuối tháng 10/2020 do tác động của dịch Covid-19.

Tỷ lệ nợ xấu bao gồm cả nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức 4,36%, giảm mạnh so với mức 10,08% vào cuối năm 2016 và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu 5% đã đặt ra.

Điển hình như tỷ lệ nợ xấu/cho vay khách hàng tại HDBank chỉ 0,93%, thuộc nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất.

Toàn bộ trái phiếu VAMC đã được tất toán trước thời hạn. Các chỉ tiêu an toàn không ngừng được nâng cao, trong đó tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được kiểm soát chỉ 24,8% so với mức tối đa theo quy định là 40% và hệ số an toàn vốn CAR (theo Basel II) đạt 12,1% so với 8% theo quy định.

VIB lại có lựa chọn khác khi tỷ trọng bán lẻ thuộc nhóm cao nhất thị trường. VIB hiện có hơn 3 triệu khách hàng, nên tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của mảng bán lẻ đã tăng 72% trong năm 2020 và chiếm trên 10% trong tổng huy động của mảng kinh doanh này.

Trong cơ cấu thu nhập, thu nhập từ dịch vụ thu phí của VIB tăng nhanh, hiện chiếm tỷ trọng 21%, nằm trong nhóm cao nhất thị trường. Trong đó, thu nhập phí từ hoạt động bán bảo hiểm liên kết ngân hàng (bancassurance) chiếm 50%.

Tương tự, năm tài chính 2020, tỷ trọng CASA trên tổng tiền gửi của mảng ngân hàng đạt 29%, đưa MSB nằm trong top 5 ngân hàng có tỷ trọng CASA cao nhất hệ thống.

Đây là cơ sở để tối ưu hóa nguồn vốn, đưa biên lợi nhuận thuần (NIM) năm 2020 đạt mức 3,4%. Bên cạnh đó, bằng các hình thức tiết giảm chi phí linh hoạt, chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) năm 2020 giảm hơn 10% so với năm 2019.

Rõ ràng, việc giảm áp lực nợ xấu, giảm chi phí và trích lập dự phòng rủi ro khiến cho các ngân hàng thương mại mạnh dạn hơn trong mở rộng quy mô hoạt động và có thêm điều kiện tăng lợi nhuận.

Thứ tư, thu nhập ngoài lãi suất của nhiều ngân hàng tăng mạnh nhờ đa dạng hóa hoạt động đi đôi với cắt giảm chi phí và áp dụng công nghệ hiện đại.

Điển hình như VietinBank đã chủ động nỗ lực tái cơ cấu toàn diện mọi mặt hoạt động, chuyển đổi mô hình kinh doanh, cải thiện chất lượng dịch vụ, gia tăng cơ cấu thu nhập ngoài lãi, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn và chi phí hoạt động của ngân hàng, tăng tỷ trọng của các phân khúc khách hàng có hiệu quả sinh lời cao như bán lẻ, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Lãi từ dịch vụ của HDBank năm 2020 tăng gấp rưỡi so với năm 2019. HDBank triển khai chiến lược chuyển đổi số mạnh mẽ, nổi bật là dự án số hóa sản phẩm "Di HDBank" - khách hàng thực hiện các giao dịch ngân hàng số mọi lúc mọi nơi.

HDBank cũng tiên phong triển khai xác thực thông tin khách hàng trực tuyến (eKYC) và là ngân hàng Việt Nam đầu tiên thực hiện phát hành, cung cấp dịch vụ thanh toán, bảo lãnh tín dụng thư (L/C) trên nền tảng công nghệ blockchain.

Lạc quan năm 2021

Năm 2021, NHNN tiếp tục cấp chỉ tiêu tín dụng sơ bộ cho các tổ chức tín dụng, trong đó Techcombank và TPBank là những ngân hàng được cấp hạn mức cao nhất, với lần lượt 12,5% và 11,5%. Hai ngân hàng được cấp chỉ tiêu tín dụng cao tiếp theo là MB và Vietcombank với 10,5%, tiếp đến là ACB với 9,5%, VIB được 8,5%, BIDV và VietinBank cùng 7,5% trong khi Agribank, Eximbank là 6,5%...

Mặc dù vậy, các ngân hàng đều đưa ra kế hoạch rất cao trong năm 2021, thậm chí có những nhà băng đưa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng gấp tới 3 - 4 lần chỉ tiêu.

Ảnh tác giả

Ngân hàng lãi lớn trong năm 2020 và dự báo năm 2021 tiếp tục đạt lợi nhuận cao chủ yếu là do nhiều điều kiện khách quan thuận lợi và nỗ lực chủ quan của các ngân hàng.

TS. Vũ Đình Ánh

Chẳng hạn, VIB thông qua kế hoạch chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của năm 2021 là 31%, còn MSB chốt chỉ tiêu 25%, trong khi BIDV cũng thông qua kế hoạch tăng trưởng tín dụng khoảng 9%. Kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2021 của Vietcombank là 12%, VietinBank tối đa là 12%, Sacombank khoảng 20%, Kienlongbank khoảng 28,5%...

Theo đó, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank năm 2021 có thể đạt tới 29.300 tỷ đồng, tăng 27,3% so với năm 2020 nếu tăng trưởng tín dụng, tiền gửi và tài sản lần lượt là 12,8%, 10,9% và 14%.

Nếu tăng trưởng tài sản, tiền gửi và tín dụng lần lượt là 6%, 8% và 12% như kế hoạch của Vietcombank thì lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 12% lên 25.200 tỷ đồng. Đáng lưu ý là để hỗ trợ nền kinh tế, Vietcombank đã công bố giảm lãi phải trả cho ngân hàng từ 5 - 10% cho các khách hàng doanh nghiệp và giảm 0,2% lãi suất cho vay hộ kinh doanh cá thể đối với những khách hàng chịu tác động của dịch Covid-19.

Việc cắt giảm lãi suất sẽ kéo dài trong 3 tháng, kết thúc vào ngày 22/5/2021. Có khoảng 105.000 khách hàng với tổng giá trị khoản vay là 350.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 40% dư nợ của Vietcombank) sẽ được hưởng hỗ trợ của chương trình này.

Lợi nhuận trước thuế năm 2021 của VietinBank có thể tăng trưởng tới 43,5%, đạt hơn 24.000 tỷ đồng do tỷ lệ NIM sẽ tăng nhẹ lên mức 2,74% nhờ tỷ suất sinh lợi tài sản ổn định, trong khi chi phí vốn giảm nhẹ so với năm 2020.

Chi phí vốn của VietinBank giảm bắt nguồn từ lãi suất huy động giảm và CASA tăng khi vẫn đang thực hiện miễn phí chuyển khoản cho cả khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp.

Quý IV/2020, Vietinbank đã thực hiện mua lại toàn bộ trái phiếu VAMC và thực hiện trích lập dự phòng 100% cho tài sản này nên năm 2021 VietinBank không còn phải trích lập cho trái phiếu VAMC nữa dẫn tới chi phí dự phòng giảm và tạo ra dư địa tăng trưởng cao.

Dự báo lợi nhuận trước thuế của BIDV năm 2021 có thể đạt 13.500 tỷ đồng, tăng 46,4% so với năm 2020 với tăng trưởng tín dụng đạt 10% và tăng trưởng tiền gửi (bao gồm giấy tờ có giá) đạt 11,8%, còn tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 1,6% và tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu ở mức 88%, cùng với chi phí dự phòng giảm 10% so với cùng kỳ, tương đương 2.300 tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng cổ phần khác cũng có kỳ vọng lợi nhuận tăng cao trong năm 2021.

Lợi nhuận trước thuế của HDBank năm 2021 có thể ở mức 7.150 tỷ đồng, tăng 22,8% so với năm 2020 khi tăng trưởng tín dụng 20%, tăng trưởng thu nhập từ phí 62,4%, chỉ số CIR ở mức 45% và chi phí tín dụng giảm 4 điểm cơ bản, còn 1,06%.

Năm 2021, VIB đặt kế hoạch lợi nhuận hơn 7.500 tỷ đồng, tăng 29,4% so với năm 2020 thông qua tăng trưởng cho vay và huy động đi đôi với các sản phẩm dịch vụ thu phí, cùng các sản phẩm mang hàm lượng công nghệ cao.

MSB đặt kế hoạch tổng tài sản đạt 190.000 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2020 và lợi nhuận trước thuế tăng 30%, đạt khoảng 3.280 tỷ đồng thông qua tiếp tục đầu tư trọng điểm cho các dự án chuyển đổi số, mở rộng và nâng cao tính năng eKYC,...

Tóm lại, ngân hàng lãi lớn trong năm 2020 và dự báo năm 2021 tiếp tục đạt lợi nhuận cao chủ yếu là do nhiều điều kiện khách quan thuận lợi và nỗ lực chủ quan của các ngân hàng. Lợi nhuận lớn là điều kiện để các ngân hàng chia sẻ hơn nữa với khách hàng thông qua giảm thêm lãi suất cho vay, kể cả lãi suất các khoản cho vay cũ, đồng thời tăng tính hấp dẫn của các dịch vụ ngân hàng thông qua áp dụng công nghệ hiện đại và chính sách phí cạnh tranh hơn.

TS. Vũ Đình Ánh
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2021

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục