Do tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, đặc biệt ở các tỉnh thành phía Nam, nhằm xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm địa phương, đặc biệt là nông sản, thủy sản của các tỉnh khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên, Bộ Công Thương chủ trì tổ chức “Hội nghị kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021”.
Hội nghị sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến với điểm cầu chính tại Hà Nội, kết nối với các điểm cầu trong và ngoài nước, bao gồm Phiên toàn thể và các Phiên giao thương trực tuyến vào lúc 14 giờ chiều ngày 6/8/2021.
Hội nghị kết nối tiêu thụ, nông thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021 dự kiến sẽ thu hút gần 500 đại biểu trong và ngoài nước, gồm đại diện Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND và các cơ quan chức năng một số tỉnh, thành khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Hiệp hội ngành hàng, các tổ chức hỗ trợ kinh doanh, đại diện các kênh phân phối, sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp thu mua xuất nhập khẩu trong nước, nhà nhập khẩu nước ngoài, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, cung ứng nông sản, thực phẩm khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên…
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 15,78 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 8,52% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nhìn chung hầu hết các mặt hàng thuộc nhóm nông, thủy sản đều ghi nhận sự tăng trưởng. Trong đó, cao su là mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất với mức tăng lên tới 33,6% về lượng và tăng 73,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 914 nghìn tấn, trị giá 1,5 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn, hạt tiêu và nhân điều lần lượt tăng trưởng 24,1%; 49,8% và 14% so với cùng kỳ năm 2020.
Tương tự, hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong nhóm này là thủy sản và hàng rau quả cũng tăng lần lượt là 12,0% và 15% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong khi đó, xuất khẩu mặt hàng gạo đạt 1,9 tỷ USD, giảm 0,6% (lượng giảm 10,6%); cà phê đạt 1,8 tỷ USD, giảm 1,7% (lượng giảm 9,3%); chè đạt 113 triệu USD, giảm 0,3% (lượng giảm 4,5%).
Dù vậy, tại thị trường trong nước, do nhiều tỉnh thành phía Nam đang áp dụng Chỉ thị 16 để phòng chống dịch nên việc tiêu thụ các sản phẩm nông thủy sản đã bị ảnh hưởng. Nhiều loại nông sản đến kỳ thu hoạch tiêu thụ chậm, rớt giá thậm chí không tiêu thụ được.
Phương án đưa nông thủy sản bán trên các sàn thương mại điện tử đã được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với Sendo, Tiki, Lazada, Shopee, Postmart...triển khai khá hiệu quả, phần nào hỗ trợ các địa phương tháo gỡ đầu ra cho nông sản.