Sở dĩ thú vị bởi sự kiện thường niên này năm nay mang đến một chủ đề hết sức thiết thân đối với các tòa soạn báo chí truyền thống, đặc biệt là báo in, vốn đang “lép vế” trước hằng hà sa số các phương tiện truyền thông thời thượng khác.
Như nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ trước thềm Diễn đàn rằng, bây giờ thông tin tràn ngập nên “nhiều” không phải là ưu thế của báo chí nữa. Báo chí cũng không đua tranh được với mạng xã hội về tốc độ.
Trong lĩnh vực thông tin kinh tế, TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh quốc cũng nhận định, trào lưu “đọc nhanh, nghĩ nhanh, ra quyết định nhanh” của các nhà đầu tư đang lên ngôi.
Vậy thì báo chí truyền thống sẽ tồn tại thế nào trong môi trường mà cả hai cấu thành quan trọng của một chu trình thông tin là bên cung cấp và bên tiếp nhận đều thay đổi chóng mặt?
Một phần câu trả lời đến từ chủ đề của Diễn đàn Tổng Biên tập 2024 vừa diễn ra. Như nhà báo Lê Quốc Minh khẳng định, báo chí thế giới giờ cũng đi theo xu hướng báo chí xây dựng, báo chí giải pháp, chứ không chạy theo câu khẩu hiệu “ở nơi nào có máu chảy là ở đó có tin” như trước.
Nói một cách đơn giản nhất, báo chí giải pháp là cách đưa tin về các nỗ lực đang được thực hiện để giải quyết các vấn đề hoặc đề xuất các giải pháp có tính khả thi nhằm giải quyết vấn đề đó.
Không chỉ KẾT NỐI các ý tưởng hữu ích và LAN TỎA các bài học thành công, báo chí giải pháp không né tránh tin tức tiêu cực, mà đưa tin về các vấn đề tiêu cực theo hướng xây dựng, tìm ra giải pháp khắc phục để đem lại kết quả tích cực hơn cho cộng đồng.
Hiểu theo cách như vậy, có thể khái niệm báo chí giải pháp (solutions journalism) còn mới nhưng nội hàm của nó đã được Báo Đầu tư triển khai trên các ấn phẩm từ lâu.
Trong 33 năm hình thành và phát triển (27.9.1991 - 27.9.2024), với hàng chục vạn tác phẩm báo chí trên nhiều kênh truyền tải, với Báo Đầu tư, một tác phẩm báo chí chỉ có giá trị khi bên cạnh những số liệu, dữ kiện khả tín là một hệ thống giải pháp ngõ hầu có thể giải quyết được vấn đề mà bài báo đó đặt ra.
Vài năm gần đây, hoạt động tổ chức các diễn đàn kinh tế, hội thảo khoa học, tọa đàm, talkshow… của Báo Đầu tư đã trở thành một thương hiệu uy tín có lẽ cũng chủ yếu bởi tại mỗi sự kiện đều đưa ra được những giải pháp khoa học, khả thi để giải quyết các điểm nghẽn, các vấn đề nóng mà dư luận đang quan tâm.
Từ tính khả thi đó, tự thân các giải pháp này được lan tỏa và trong nhiều trường hợp, nó thay đổi quan điểm, tư duy quản lý của các nhà điều hành, nhà làm luật theo hướng thấu đáo hơn. Đó cũng là một phần quan trọng của sứ mệnh “Kết nối & Lan tỏa” mà Báo Đầu tư đang đặt ra cho mình.
TS. Hồ Quốc Tuấn kể, tại một hội thảo của các chuyên gia phân tích tài chính vào đầu tháng 9 vừa qua ở London, khi được hỏi “điều gì bây giờ là trọng yếu nhất của các phân tích trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng phổ biến?”, một vị có 20 năm kinh nghiệm trong ngành phân tích trả lời rằng, đó là “độc lập (independence) và chuyên sâu (in-depth)”.
Bước vào tuổi 34, để “tồn tại một cách có ích” như kỳ vọng của mỗi người Đầu tư, có lẽ mỗi bài báo của Báo Đầu tư cũng cần định vị được tính “độc lập” và “chuyên sâu” để phụng sự các độc giả “đọc chậm, nghĩ chậm, ra các quyết định trọng yếu”, thay vì “đọc nhanh, nghĩ nhanh, ra quyết định nhanh”...