Kết nối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước: Chỉ mình Samsung là chưa đủ

Nền kinh tế Việt Nam như một chiếc xe, chiếc xe đó không thể vận hành trơn tru nếu chỉ có một bánh là các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoạt động mạnh mẽ, mà cần có sự kết nối chặt chẽ giữa các bộ phận.
Ông Shim Won Hwan,Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam vừa có chuyến “thị sát” 3 doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm Công ty Thành Long PCB (Bắc Ninh), Công ty Hanel Plastics (Sài Đồng, Hà Nội) và Công ty HTMP (Mê Linh, Hà Nội).

Câu chuyện của Samsung

Cách đây 2 hôm (ngày 20/6/2017), ông Shim Won Hwan vừa có một chuyến công tác đặc biệt, ngay sau khi quay trở lại Việt Nam để một lần nữa ngồi vào vị trí Tổng giám đốc của Tổ hợp Samsung Việt Nam. Đó là đi “thị sát” 3 doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm Công ty Thành Long PCB (Bắc Ninh), Công ty Hanel Plastics (Sài Đồng, Hà Nội) và Công ty HTMP (Mê Linh, Hà Nội).

Tuy nhiên, đây không phải là việc làm mới của lãnh đạo Samsung. Bởi kể từ năm 2015 đến nay, tức là kể từ khi Samsung chính thức thực hiện chương trình tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng phụ kiện của chính mình, thì năm nào cũng vậy, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam đều có những chuyến thị sát như vậy.

Nhưng đây là lần đầu tiên ông Shim Won Hwan thực hiện chuyến công tác này. Và cũng là lần đầu tiên, trong danh sách các doanh nghiệp nhận sự hỗ trợ của Samsung có một công ty chuyên sản xuất bản mạch điện tử PCB, tức là trong lĩnh vực công nghiệp kỹ thuật, chứ không chỉ là chuyên sản xuất bao bì hay sản xuất khuôn mẫu như trước đây.

Việc tạo dựng mối liên kết chặt chẽ giữa khu vực kinh tế trong nước và FDI là vấn đề quan trọng hiện nay

- Thứ trưởng Đặng Huy Đông

“Việc chuyển hướng tư vấn và hỗ trợ sang ngành công nghiệp kỹ thuật giúp các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất được các linh kiện phức tạp hơn và tham gia vào chuỗi giá trị cao hơn. Đây chính là sự khẳng định mạnh mẽ cho cam kết đầu tư lâu dài và bền vững tại thị trường Việt Nam của Samsung”, ông Shim Won Hwan nói.

Thực tế, đầu tháng 4 năm nay, Samsung đã chính thức công bố việc mở rộng phạm vi hỗ trợ tư vấn sang lĩnh vực công nghiệp kỹ thuật trong chương trình tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng phụ kiện năm 2017. Điểm đặc biệt của chương trình chính là Samsung sẽ mở rộng phạm vi tư vấn hỗ trợ sang lĩnh vực công nghiệp kỹ thuật như điện/điện tử (bản mạch điện tử PCB, loa TV, bộ dây dẫn điện...) để giúp các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất các linh kiện điện tử phức tạp có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo kế hoạch, năm 2017, Samsung sẽ tư vấn hỗ trợ cho 12 doanh nghiệp Việt Nam, nâng tổng số doanh nghiệp được tư vấn lên con số 26, tính từ năm 2015. Điểm đáng chú ý, đây cũng là lần đầu tiên, các công ty con của Samsung như Samsung Display Việt Nam và Samsung Điện cơ Việt Nam (Samsung Electro Mechanics Vietnam) sẽ tham gia vào chương trình hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp cung ứng Việt Nam. Thậm chí, nhà cung cấp cấp 1 sẽ tham gia hỗ trợ các nhà cung cấp cấp 2, cấp 3…

“Những thay đổi mang tính bước ngoặt này là minh chứng cho cam kết của Samsung trong việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia sâu hơn trong chuỗi cung ứng phụ kiện của Samsung và góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam”, ông Shim Won Hwan nhấn mạnh.

Thực tế, cả 3 doanh nghiệp mà Samsung hỗ trợ lần này đều đã là nhà cung cấp của Samsung. Trong đó, Công ty Điện tử Thành Long hiện là nhà cung ứng cấp 2 của Khu tổ hợp Samsung CE Complex (SEHC -TP.HCM) và là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất trong hệ sinh thái các nhà cung ứng của Samsung tại Việt Nam, cung cấp bản mạch điện tử PCB thuộc nhóm những linh kiện phức tạp, có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao.

Còn Hanel Plastics hiện là nhà cung ứng cấp 1 của Samsung Display Vietnam, chuyên sản xuất xốp, khuôn nhựa và ép nhựa. Trong khi đó, HTMP Việt Nam hiện là nhà cung ứng cấp 1 của Samsung Điện cơ (Electro-Mechanics) Việt Nam, chuyên sản xuất khuôn và ép nhựa.

Sau 3 tháng nhận được hỗ trợ của Samsung, quy trình sản xuất của cả ba doanh nghiệp này đã được cải thiện đáng kể. Chẳng hạn, tỷ lệ hàng lỗi nội địa của Thành Long đã giảm 68,5%; số ngày tồn kho của Hanel Plastics giảm 73%, giúp giảm chi phí tồn kho từ 6,97 tỷ xuống còn 4,36 tỷ đồng; còn tỷ lệ lỗi tại các công đoạn sản xuất, đặc biệt là tại công đoạn Hot Stamping (in phủ bề mặt bằng nhiệt cho các sản phẩm nhựa) tại HTMP đã giảm đến 60%...

Đây chính là những yếu tố quan trọng để cả ba nhà cung cấp này tiếp tục được Samsung lựa chọn cung ứng nhiều hơn nữa sản phẩm của mình cho các tổ hợp sản xuất của Samsung tại Việt Nam. Hiện tại, chỉ có khoảng 5-10% sản lượng của các nhà cung cấp này là được dành cho Samsung.

Trao đổi với Báo Đầu tư, lãnh đạo các doanh nghiệp này đều bày tỏ mong muốn rằng, muốn được nhận nhiều hơn nữa đơn hàng của Samsung - cũng giống như mong muốn của rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác.

Thông tin cho biết, sau khi kết thúc chương trình tư vấn cho 3 doanh nghiệp ở phía Bắc, bắt đầu từ ngày 22/6/2017, Samsung Việt Nam tiếp tục triển khai chương trình tư vấn tại TP.HCM cho 3 doanh nghiệp khác, gồm Công ty Việt Nhật (sản xuất bộ dây dẫn điện), Công ty cổ phần Điện tử Bình Hòa (Biến thế) và Công ty TNHH Tiến Thịnh (Dây đồng).

Và điều đó có nghĩa, “cửa” trở thành nhà cung cấp cho Samsung đang được rộng mở hơn đối với doanh nghiệp Việt. Bởi kể từ năm 2015 đến nay, hầu hết các doanh nghiệp nhận sự hỗ trợ của Samsung đã lần lượt được tham gia chuỗi cung ứng cho Samsung.

Đến nay, thông tin từ Samsung cho biết, con số các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của Samsung đã tăng gấp nhiều lần so với năm 2015. Cụ thể, từ 4 nhà cung ứng cấp 1 thuần Việt, hiện Samsung đã có 25 doanh nghiệp Việt là nhà cung ứng cấp 1. Ngoài ra còn có 190 doanh nghiệp Việt là nhà cung cấp cấp 2. Các nhà cung cấp này hiện cung ứng linh, phụ kiện cho cả ba tổ hợp công nghệ của Samsung tại Việt Nam, là SEV, SVT và SEHC.

Cũng nhờ sự gia tăng nhanh chóng số lượng nhà cung ứng tại Việt Nam, mà tỷ lệ nội địa hóa của hai tổ hợp SEV, SEVT đã lên tới 57%. Có nghĩa rằng, trong tổng kim ngạch xuất khẩu trên 36,2 tỷ USD trong năm 2016 của Samsung, giá trị gia tăng mà Việt Nam được hưởng đã lên tới trên 20 tỷ USD - một con số thực sự rất quý giá đối với nền kinh tế Việt Nam.

Nhưng còn cần gì nữa?

Không thể phủ nhận những nỗ lực của Samsung trong phát triển chuỗi cung ứng ở Việt Nam và thực sự, họ đã làm được rất nhiều điều cho kinh tế Việt Nam. Nhưng thực tế thì nền kinh tế Việt Nam cần nhiều hơn thế, và chỉ một mình Samsung là chưa đủ.

Thậm chí, ví von một cách hình ảnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khi phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) mới đây còn cho rằng, nền kinh tế Việt Nam như một chiếc xe, chiếc xe đó không thể vận hành trơn tru nếu chỉ có một bánh là các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoạt động mạnh mẽ, mà cần có sự kết nối chặt chẽ giữa các bộ phận.

“Do đó, việc tạo dựng mối liên kết chặt chẽ giữa khu vực kinh tế trong nước và FDI là vấn đề quan trọng hiện nay”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.

Thực tế, đây là điều đã được nhắc tới lâu nay. Tuy nhiên, sự liên kết giữa khu vực trong nước và FDI còn lỏng lẻo, và do đó, nhiều chuyên gia kinh tế đã bày tỏ sự lo ngại về chuyện có tới hai khu vực kinh tế trong một nền kinh tế, thậm chí còn lo ngại nguy cơ “FDI hóa” nền kinh tế, khi mà khu vực FDI đã phát triển vượt trội, lấn lướt khu vực trong nước.

Đề cập vấn đề này, ông Hiroshi Karashima, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, để tăng cường sức hấp dẫn của Việt Nam với vai trò là một nước sản xuất, vấn đề hết sức quan trọng là Việt Nam cần “làm giàu môi trường công nghiệp” để tạo ra các giá trị gia tăng.

“Tức là cần thiết phải tạo ra các ngành công nghiệp phụ trợ bằng cách phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Hiroshi Karashima nói và cho rằng, để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ cần phải có những doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.

Thậm chí, đề cập một cách cụ thể hơn, Trưởng nhóm công tác Công nghiệp ô tô và xe máy của VBF cho rằng, các nhà cung ứng linh kiện trong nước không nên “đi tắt” để trở thành nhà cung cấp cấp 1 trong ngắn hạn.

“Thay vào đó, họ cần phải cải thiện các vấn đề về chất lượng, chi phí, giao hàng bằng việc nâng cao chất lượng và tăng năng suất, cắt giảm chi phí, cải tiến năng lực quản lý và tuân thủ các quy tắc và luật quốc tế. Còn các doanh nghiệp FDI nên đưa ra những hướng dẫn cho các nhà cung cấp, bao gồm các tiêu chí để trở thành nhà cung cấp của họ, nhằm giúp các nhà cung cấp tiềm năng trong nước…”, vị này nói.

Cũng theo vị này, các nhà sản xuất, hay các nhà cung cấp FDI nên có chính sách mở để sử dụng các nhà cung cấp đáp ứng được những yêu cầu đã đề cập, dù đó là công ty trong nước hay nước ngoài.

Các nhà cung ứng nên chủ động đưa mình vào danh sách các nhà cung cấp linh kiện. Còn Chính phủ thì nên có cơ chế thu hút các nhà cung cấp nước ngoài vào Việt Nam để nâng cao năng lực của nhà sản xuất trong nước, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước mở rộng đầu tư trong sản xuất linh kiện.

Nguyên Đức

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục