Hợp lực của hai lực kéo và đẩy
Trước hết, về lạm phát do cầu kéo, có thể nói, đang ở trạng thái cực đại ít nhất là trong vòng 5 năm trở lại đây. Điều này bắt nguồn từ ba nguyên nhân chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, do nền kinh tế đang trên đà tăng tốc đáng mừng, thu nhập của các tầng lớp dân cư tất yếu tăng nhanh. Điều này kích thích quảng đại người tiêu dùng “dốc hầu bao” chi tiêu, khiến sức mua xã hội tăng mạnh và giá tiêu dùng được thể tăng cao. Cụ thể, các số liệu thống kê trong nửa đầu năm nay cho thấy, với mức tăng GDP 7,87%, đây là tốc độ tăng kỷ lục so với các mức tăng lần lượt là 7,40%; 7,63% và 7,00% của cùng kỳ các năm 2006, 2005 và 2004. Trong đó, năm 2005 có tốc độ tăng GDP 8,43%, kỷ lục trong vòng 10 năm trở lại đây; năm 2006 đạt 8,17%, còn năm 2004 cũng đạt 7,79%, cao hơn hẳn so với 6 năm trước đó. Trong điều kiện tốc độ tăng GDP giống như các “bậc thang” càng ngày càng cao như vậy, tốc độ tăng của thị trường trong nước cũng không khác gì “bản sao” của bức tranh này. Bởi lẽ, thống kê về tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong cùng kỳ 4 năm trở lại đây cho thấy, các tốc độ tăng này lần lượt là 17,3%; 18,9%; 19,7% và hiện nay là 22,9%.
Trên quy mô toàn cầu, việc tốc độ tăng GDP cao luôn đồng hành với tốc độ tăng lạm phát cao cũng là điều hết sức bình thường.
Thứ hai, do trình độ phát triển của nền kinh tế nước ta còn rất thấp, đồng nghĩa với việc tuyệt đại bộ phận dân cư nước ta còn “đói hàng”. Cho nên, thu nhập tăng cao chính là điều kiện cần và đủ để họ “dốc hầu bao” như vậy. Cụ thể, các kết quả nghiên cứu vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cho thấy, trong năm 2006, tuy GNI (gross national income) bình quân đầu người của nước ta tăng 11,29%, nhưng cũng mới đạt 690 USD, nên chỉ xếp hạng thứ 169 thế giới, thậm chí tụt hạng 4 bậc so với năm 2005. Rõ ràng, với thu nhập còn quá thấp như vậy, khát khao tăng tiêu dùng vẫn còn rất cháy bỏng đối với tuyệt đại bộ phận dân cư của nước ta.
Thứ ba, cũng do trình độ phát triển của nền kinh tế nước ta còn rất thấp như vậy, mặt bằng giá cả của nước ta cũng còn rất thấp, nên giá tiêu dùng còn “đất” để tăng nhanh. Cụ thể, theo các kết quả nghiên cứu cũng của WB, trong khi “rổ GNI” theo giá thực tế toàn cầu năm 2006 chỉ đạt 7.439 tỷ USD, nhưng tính theo đồng giá sức mua (PPP) hay đô la quốc tế thì “nở ra” thành 10.180 tỷ USD, tức là tăng đại nhảy vọt 36,85%. Trong đó, nếu như “rổ GNI” của các quốc gia phát triển quy ra đô la quốc tế nói chung đều “co lại”, thì ngược lại, của các quốc gia đang phát triển đều “nở ra” rất nhiều. Vẫn theo WB, tuy GNI bình quân đầu người theo giá thực tế của nước ta thấp như vậy, nhưng tính theo đô la quốc tế thì đạt 3.300 USD, tức tăng 4,78 lần và với mức “quy chuẩn” cao như vậy, nước ta được đôn lên 19 bậc để xếp thứ 150 thế giới. Có nghĩa là, mặt bằng giá tiêu dùng của nước ta hiện vẫn còn rất thấp so với mặt bằng giá cả chung của thế giới và càng thấp hơn so với mặt bằng giá cả của các nước phát triển. Cho nên, việc giá tiêu dùng được đẩy lên rất nhanh trong điều kiện chúng ta tăng tốc hội nhập là điều tất yếu.
Về lạm phát do chi phí đẩy, do điều kiện đặc thù của nền kinh tế nước ta, lực đẩy cũng đang mạnh hiếm có.
Trước hết, các số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hiện nay cho thấy, chỉ số giá năng lượng đã tăng đại nhảy vọt 24,54% so với đầu năm, trong đó riêng giá dầu mỏ cũng tăng 27,71% (nhóm hàng năng lượng chiếm 47,8% “rổ hàng hoá nguyên liệu thế giới”, riêng dầu mỏ chiếm 39,9%). Đặc biệt, tuy giá của nhóm hàng nguyên liệu phi dầu mỏ (chiếm 52,2%) trong cùng kỳ chỉ tăng 12,85%, nhưng đây lại là nhóm hàng mà giá chỉ bắt đầu tăng đại nhảy vọt từ năm 2006 (chỉ số giá bình quân năm 2003 mới là 82,1 điểm; hai năm 2004 và 2005 chỉ nhích lên 97,3 điểm và 107,3 điểm; năm 2006 tăng đại nhảy vọt lên 137,8 điểm), còn hiện nay đứng ở mức kỷ lục 166,9 điểm (năm 1995 = 100).
Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, việc giá dầu mỏ đã liên tục tăng mạnh từ năm 2004 và đang đứng ở mức đỉnh như giá các loại nguyên liệu phi dầu mỏ thực sự là một “cú song phi” đối với nền kinh tế “sống nhờ” vào nguyên liệu nhập khẩu như nước ta. Ở đây, cần nhấn mạnh rằng, độ mở ở đầu vào nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu nguyên liệu của nước ta, hiện đã lớn vào loại ít có trên thế giới. Do vậy, quy mô nhập khẩu sốt nóng giá cả thế giới vào thị trường trong nước cũng lớn vào loại ít có và điều này đương nhiên cũng được thể hiện trong giá tiêu dùng.
“Cả làng” cùng... nhầm?
Vậy là, với việc giá tiêu dùng lại thêm một lần tăng đột biến tới 0,94% trong tháng 7 này, kỷ lục cao nhất trong vòng 16 năm trở lại đây, tổng mức tăng đã đạt 6,19%, “ngấp nghé” mục tiêu cả năm dự báo hồi đầu năm (6,5%) và cũng không còn quá xa so với mức thấp nhất dự báo lần thứ ba chỉ cách đây tròn 1 tháng (dao động trong khoảng 7,5 - 8,2%). Với xuất phát điểm như vậy và với những động thái hiện nay, hoàn toàn có thể sẽ diễn ra kịch bản giá tiêu dùng cả năm sẽ tăng vượt cả mức dự báo cao nhất vừa qua, chủ yếu do tác động bất lợi rất lớn của việc giá các loại nguyên liệu phi dầu mỏ vẫn tiếp tục tăng “phi mã”. Bởi lẽ, nếu như việc giá dầu mỏ tăng mạnh chủ yếu chỉ tác động gián tiếp đến các doanh nghiệp thông qua chi phí vận tải nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra, thì giá nguyên liệu phi dầu mỏ tăng tác động trực tiếp đến giá thành và giá bán sản phẩm của hầu như tất cả các doanh nghiệp. Việc kim ngạch nhập khẩu xăng dầu chỉ chiếm khoảng 20%, trong khi kim ngạch nhập khẩu các loại nguyên liệu phi dầu mỏ chiếm khoảng 45 - 50% tổng kim ngạch nhập khẩu của nền kinh tế nước ta cho thấy rất rõ điều đó. Nếu vậy, các nhà quản lý nước ta sẽ rơi vào tình trạng “quá tam ba bận” bị “việt vị” ở chỉ tiêu kinh tế rất quan trọng này. Tuy nhiên, nếu nhìn ra thế giới, đây cũng là “chuyện thường ngày ở huyện”, bởi các định chế quốc tế danh tiếng như WB hay IMF cũng thường bị “việt vị” như vậy.
Đơn cử như WB trong dự báo kinh tế, thương mại thế giới năm 2007 thời điểm tháng 4 vừa qua vẫn còn cho rằng, sau 3 năm liên tục tăng “phi mã”, bình quân giá năng lượng thế giới sẽ giảm nhẹ từ 281,0 điểm năm 2006 xuống 264,1 điểm trong năm nay (năm 2000 = 100), tức là sẽ giảm 6,01%; còn giá các loại nguyên liệu phi dầu mỏ tuy sẽ đạt đỉnh trong năm nay, nhưng cũng chỉ nhích từ 151,9 điểm lên 161,4 điểm, tức là chỉ tăng 6,25%. Cũng trong tháng 4 vừa qua, IMF vẫn cho rằng, bình quân giá dầu mỏ thế giới năm nay sẽ giảm 5,5%, còn giá các loại nguyên liệu phi dầu mỏ tăng khiêm tốn hơn nữa, chỉ với 4,2%.
Rõ ràng, với thực trạng hiện nay, rất khó có thể hình dung rằng, “con ngựa bất kham” giá nguyên liệu thế giới sẽ nhanh chóng chịu thuần phục. Trong điều kiện của nền kinh tế nước ta, đồng thời chịu sức ép lạm phát rất lớn từ cả hai phía, tức là ở trong tình thế bị “nội công, ngoại kích”, có lẽ mục tiêu kiềm chế lạm phát tăng thấp hơn tốc độ tăng GDP như đã được Quốc hội phê chuẩn từ cuối năm 2006 là khả thi hơn cả, còn các dự báo thấp xa mức này đều mang đậm ý chí chủ quan.