Kế hoạch huy động 55.233 tỷ đồng TPCP: Lo lắng giải ngân

(ĐTCK) Chính phủ vừa chính thức đề nghị Quốc hội cho phép tăng khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) năm 2009 từ 36.000 tỷ đồng lên 47.500 tỷ đồng. Như vậy, nếu cộng cả khối lượng TPCP phát hành năm 2008 nhưng chưa thực hiện được chuyển sang năm nay thì tổng khối lượng TPCP sẽ phát hành năm 2009 lên tới 55.233 tỷ đồng. Đứng trước khó khăn của nền kinh tế, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất này. Thậm chí, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội còn đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán để nâng mức phát hành thêm lên 20.000 tỷ đồng thay vì 11.500 tỷ đồng.
Tăng khối lượng huy động vốn TPCP trong bối cảnh suy thoái kinh tế là cần thiết.

Theo ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, để chống suy giảm kinh tế, việc nâng tổng mức phát hành TPCP lấy nguồn vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nhằm kích cầu đầu tư là cần thiết, nhưng Chính phủ cần xem lại việc sử dụng nguồn vốn này. "Mặc dù năm 2008 đã cắt giảm 25% tổng vốn TPCP nhằm kiềm chế lạm phát, nhưng cũng chỉ giải ngân được khoảng 87,2% nguồn vốn này. Nếu cho nâng tổng mức phát hành, liệu nền kinh tế có hấp thụ hết không?", ông Hiền đặt câu hỏi và đưa ra nhận định: "Việc giải ngân trên 55.000 tỷ đồng TPCP năm nay nhiều khả năng sẽ không hoàn thành, vì vẫn còn rất nhiều tồn tại, trong đó có những điểm cố hữu đã xuất hiện từ lâu nhưng chưa được xử lý dứt điểm, như giải phóng mặt bằng, cơ chế chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, năng lực của chủ đầu tư".

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận, việc giải ngân nguồn vốn TPCP không đúng kế hoạch là do việc áp dụng các văn bản hướng dẫn vẫn còn nhiều vướng mắc. Đơn cử, Thông tư 38/2004/TTLT-BTC-BXD hướng dẫn việc thông báo và kiểm soát giá vật liệu xây dựng đã giao cho địa phương thông báo giá vật liệu xây dựng, nhưng việc báo giá thường chậm trễ và không đầy đủ, không cập nhật, làm mất nhiều thời gian cho việc lập, trình và duyệt dự toán, tổng dự toán. "Thời gian qua, giá một số vật liệu xây dựng chủ yếu biến động mạnh, nhưng lại chưa có quy định xử lý kịp thời, chính sách điều chỉnh giá không theo kịp với sự biến động của thị trường, nên nhiều nhà thầu không tiếp tục triển khai công trình, khiến việc giải ngân nguồn vốn này không đạt kế hoạch đề ra", ông Dũng cho biết.

"Tôi ủng hộ chính sách kích cầu đầu tư thông qua việc nâng khối lượng phát hành TPCP, nhưng tôi cũng hết sức lo ngại cho việc giải ngân nguồn vốn này", bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu và lấy ví dụ, các dự án của ngành y tế không bị cản trở bởi khâu giải phóng mặt bằng, nhưng năm 2008 chỉ giải ngân được 988 tỷ đồng cho các dự án y tế tuyến huyện trong tổng số 3.750 tỷ đồng được Quốc hội cho phép, số còn lại phải chuyển sang năm 2009, nếu bổ sung cho chương trình này thêm 3.000 tỷ đồng nữa thì khó có thể bảo đảm được việc giải ngân.

Qua việc thực hiện giám sát sử dụng nguồn vốn TPCP, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, việc bố trí vốn cho các dự án, công trình còn chưa sát với thực tế, chưa tập trung bố trí vốn cho các dự án, công trình có hiệu quả, sớm đưa vào sử dụng. "Sự phối hợp chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn đầu tư giữa các cơ quan Trung ương và địa phương còn nhiều vấn đề chưa thống nhất, nên có dự án khi hoàn thành, đưa vào sử dụng hiệu quả đạt thấp", ông Hiển cho biết.

Tính đến ngày 31/12/2008, Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HASTC) đã tổ chức được hơn 40 đợt đấu thầu TPCP, huy động được 7.008 tỷ đồng trên 31.700 tỷ đồng gọi thầu. So với năm 2007, nhiều phiên đấu thầu không thành công, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2008, liên quan tới chính sách tiền tệ thắt chặt, lạm phát. Tuy nhiên, vào quý III, quý IV/2008, các cuộc đấu thầu TPCP đạt kết quả tương đối khả quan, đặc biệt lãi suất trúng thầu thấp hơn lãi suất ngân hàng. Hiện có khoảng 80 tổ chức tài chính là thành viên đấu thầu trái phiếu tại Trung tâm.

Trên thị trường thứ cấp, hiện nay có khoảng 530 loại TPCP được niêm yết và giao dịch tại HASTC, với tổng giá trị niêm yết khoảng 160.000 tỷ đồng.

Vẫn theo ông Hiển, mặc dù đã nhiều lần chấn chỉnh hoạt động đầu tư từ nguồn vốn TPCP, song tình trạng dự án, công trình không có khả năng hấp thụ vốn vẫn được bố trí vốn còn tồn tại. "Thực tế này đã và đang làm cho hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay này đạt rất thấp. Nhiều công trình, dự án kéo dài vượt quá quy định và cùng với sự biến động của giá cả nguyên nhiên vật liệu, đền bù, giải phóng mặt bằng…, đã làm cho tổng mức đầu tư ngày một tăng cao, từ mức 63.064 tỷ đồng năm 2003 lên 110.000 tỷ đồng năm 2006 và dự kiến, hiện nay để hoàn thành các công trình, dự án được đầu tư từ TPCP sẽ lên đến gần 230.500 tỷ đồng. Số tiền này nếu không sử dụng thực sự hiệu quả sẽ tạo gánh nặng cho ngân sách trong việc trả gốc và lãi suất huy động.

Để hỗ trợ Chính phủ trong việc kích cầu đầu tư, chống suy giảm kinh tế, ông Hiển đề xuất nâng mức huy động TPCP năm 2009 lên 20.000 tỷ đồng; tuy nhiên, để bảo đảm nguồn vốn này phát huy hiệu quả thì Chính phủ cần rà soát kỹ công tác chuẩn bị đầu tư, xem xét kỹ nhu cầu vốn và khả năng có thể giải ngân của từng dự án, công trình không chỉ của năm 2009 và cả các năm tiếp theo. "Việc sử dụng vốn TPCP phải tuân thủ nguyên tắc cần đến đâu bố trí đến đấy, không phân bổ bình quân, nhỏ giọt; kiên quyết không bố trí thừa vốn, chỉ bố trí vốn cho các địa phương có dự án triển khai ngay đã đủ thủ tục đầu tư; các dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị mặt bằng thì chỉ được bố trí vốn ở mức độ hợp lý", ông Hiển kiến nghị.

"Năm 2009, giá dầu thô giảm sẽ khiến ngân sách giảm thu từ 50.000 - 90.000 tỷ đồng, cộng với việc thực hiện các chính sách giãn, hoãn, giảm thuế sẽ khiến ngân sách giảm thêm ít nhất 20.000 tỷ đồng nữa. Tổng số thu ngân sách năm nay chỉ đủ để chi cho công tác quản lý nhà nước, giải quyết những vấn đề cấp bách, nên bổ sung khối lượng TPCP là cần thiết", Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên bày tỏ quan điểm đồng tình.    

Mạnh Bôn
Mạnh Bôn

Tin cùng chuyên mục