Kế hoạch 50 triệu căn nhà của Ấn Độ gặp thách thức

(ĐTCK) Kế hoạch đầy tham vọng “Ngôi nhà cho tất cả” của Ấn Độ đang gặp những trở ngại không dễ vượt qua.

Trong giai đoạn 2015 - 2016, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đã đặt mục tiêu xây dựng 50 triệu căn nhà trong chưa tới 1 thập kỷ tới, hoặc khoảng 7 triệu căn mỗi năm. Cho tới nay, quốc gia này mới chỉ cung cấp thêm 214.560 căn nhà, con số đủ để cho thấy những thách thức khó nhằn mà chương trình phải đối mặt để đạt được mục tiêu.

“Điều này giống như phóng tên lửa lên mặt trăng vậy”, Rajesh Krishnan, CEO Brick Eagle, quỹ đầu tư tư nhân chuyên tham gia hỗ trợ tài chính cho các nhà phát triển căn hộ giá rẻ nhận xét.

Sự cần thiết của kế hoạch “Ngôi nhà cho tất cả” là không phải bàn cãi, bởi có khoảng 65 triệu người Ấn Độ, tương đương với dân số của nước Anh, đang sống tại các căn hộ ổ chuột ở các thành phố lớn như Mumbai, nơi được mệnh danh là khu ổ chuột lớn thứ hai châu Á. Chưa kể, kế hoạch này có thể thúc đẩy tăng trưởng việc làm và đầu tư, trong bối cảnh Chính phủ Ấn Độ dự định dành khoảng 1,3 nghìn tỷ USD trong 7 năm tới để đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, mọi chuyện không hề dễ dàng khi tiến hành. Đối với một quốc gia còn nghèo như Ấn Độ, các nhà phát triển bất động sản không có khả năng để “sản xuất hàng loạt” căn hộ với giá rẻ, trong bối cảnh chi phí đắt đỏ bởi giá đất tại đây vốn không hề rẻ.

Hiện tại, có hơn 96% người dân Ấn Độ sinh sống tại đô thị không sở hữu nhà ở bởi họ có thu nhập thấp hơn 9.310 USD/năm, theo Shirish Sankhe, đối tác của McKinsey & Co tại Mumbai. Điều này đồng nghĩa với việc giá nhà cần phải được giữ ở mức dưới 1 triệu rupees (15.532 USD). Đây là một thách thức chưa thể vượt qua của các nhà thầu xây dựng và công ty bất động sản tại Ấn Độ.

Chưa kể, các yếu tố đẩy chi phí lên cao bao gồm các khoản chi cho chính quyền, cộng đồng địa phương, phí môi trường. Ấn Độ xếp hạng 158 trong 190 quốc gia đang phải giải quyết vấn nạn về thói quan liêu trong cấp phép xây dựng theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, đồng thời đứng thứ 130 trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của tổ chức này.

Neel Raheja, Chủ tịch K. Raheja Corp cho biết: “Tại bất kỳ nơi nào trên thế giới, bạn có thể nhận được giấy phép xây dựng trong 30 ngày. Còn tại đây, việc này có thể mất tới 1 năm, thậm chí 2 năm. Chưa kể nhiều loại giấy phép khác. Đây là những thứ gây khó khăn hơn nữa cho việc xây dựng các căn hộ có giá thành dễ chịu”.

Để lôi kéo các công ty bất động sản tham dự chương trình, Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra một số ưu đãi đối với doanh nghiệp xây dựng nhà ở với mức giá phù hợp với đa số người dân, trong đó có việc giảm lãi suất vay ngân hàng. Trước sự “nhiệt tình” này, các nhà phát triển bất động sản hàng đầu Ấn Độ, bao gồm Mahindra Lifespace Developers Ltd, một công ty thuộc Mahindra Group, Tata Housing Development Company Ltd và Reheja Developers đã nhận lời tham gia, dù những điều làm được cho tới nay là không đáng kể.

Các dự án xây dựng nhà ở với giá hợp lý được đẩy mạnh khắp các thành phố Ấn Độ trong nửa đầu năm 2017, chủ yếu tại các thành phố như Mumbai, Kolkata, Pune và Ahmedabad, nơi 80% các dự án được khởi công thuộc phân khúc này, theo báo cáo của Knight Frank công bố tháng 7/2017. Bên cạnh đó, các nhà phát triển bất động sản cũng chú trọng tới nhóm thu nhập trung bình, với các căn hộ có giá từ 2 – 3,5 triệu rupees.

Cụ thể, Tata Value Homes, công ty chuyên xây dựng nhà giá rẻ của Tata Group đã cung cấp ra thị trường hơn 8.000 căn hộ có giá từ 1,4 triệu rupees tới 7 triệu rupees, theo người phát ngôn công ty này. Mahindra Lifespaces đầu tư vào phân khúc nhà dành cho người thu nhập thấp từ năm 2014 và cho tới nay đã cung cấp ra thị trường 500 ngôi nhà có giá từ 1,8 triệu rupees tới 2,3 triệu rupees, theo Sriram Mahadevan, người đứng đầu bộ phận kinh doanh của Công ty.

Góp phần vào kế hoạch xây dựng 50 triệu căn hộ của Thủ tướng Modi, Chính phủ Ấn Độ cũng đã hoàn tất khoảng 3,6 triệu ngôi nhà từ các dự án dang dở trước đó, theo thông báo từ Bộ Phát triển đô thị Ấn Độ.

Theo các nhà phát triển bất động sản, một trong những biện pháp đẩy mạnh chương trình này là việc tạo ra nguồn đất có giá rẻ cho doanh nghiệp. Anuj Puri, Chủ tịch ANAROCK Property Consultant cho rằng, chính phủ nên tạo nguồn cung đất với chi phí thấp hơn bằng việc giải phóng một phần quỹ đất đang nằm trong tay các công ty nhà nước, đơn cử Công ty Đường sắt Ấn Độ. Hiện tại, chi phí dành cho đất đai chiếm khoảng 50% chi phí của các dự án xây dựng tại thành phố.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục