KDC sẽ lên sàn ngoại

(ĐTCK-online) Đại hội cổ đông thường niên tổ chức ngày 23/4 vừa qua của CTCP Kinh Đô (KDC) đã thông qua việc phát hành riêng lẻ 20 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài. Đối tác sẽ dùng số cổ phiếu này để phát hành chứng chỉ lưu ký toàn cầu (GDR) niêm yết tại TTCK nước ngoài.
Sau sáp nhập, ngoài ngành bánh kẹo, Kinh Đô chính thức bước sang lĩnh vực kem và các sản phẩm từ sữa Sau sáp nhập, ngoài ngành bánh kẹo, Kinh Đô chính thức bước sang lĩnh vực kem và các sản phẩm từ sữa

Theo phương án, giá phát hành sẽ được chiết khấu tối đa 20% so với mức giá đóng cửa bình quân của cổ phiếu KDC trong 20 phiên giao dịch liên tục gần nhất trước ngày phát hành. Nhưng mức giá đảm bảo không thấp hơn giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu của Công ty tại báo cáo tài chính quý gần nhất. 20 triệu cổ phiếu phát hành này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm. Ngay sau khi UBCK cho phép, KDC sẽ xúc tiến kế hoạch phát hành.

Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc của KDC cho biết, việc tăng vốn lần này là nhằm mở rộng sản xuất - kinh doanh và đầu tư các dự án trong lĩnh vực bánh kẹo, kem và các sản phẩm từ sữa.

Như vậy, nếu kế hoạch này được thực hiện thì KDC là doanh nghiệp thứ 2 sau HAG thực hiện niêm yết ở TTCK nước ngoài thông qua GDR.

Năm 2011, KDC đặt kế hoạch doanh thu 4.200 tỷ đồng, lợi nhuận 550 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu và lợi nhuận đến từ mảng sản xuất - kinh doanh thực phẩm tăng trưởng lần lượt 26,6% và 19% so với năm trước. Về mảng bất động sản, KDC xác định thị trường tốt, cơ hội đến, các khoản đầu tư này sẽ giúp Công ty đạt mức lợi nhuận đột biến và tạo sự đột phá.

Năm 2010, KDC đạt doanh thu 1.934 tỷ đồng, tăng 26%; lợi nhuận gộp chiếm 35,4% doanh thu. Sau sáp nhập, tổng doanh thu riêng ngành thực phẩm của Tập đoàn đạt mức 3.317 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 420 tỷ đồng. Quý I/2011, doanh thu ngành thực phẩm cả Tập đoàn ước đạt 640 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Đây là minh chứng rõ nét nhất về hiệu quả hoạt động của Tập đoàn sau khi hoàn tất sáp nhập.

Vào thời điểm 31/12/2010, tổng vốn hóa của KDC là 6.155 tỷ đồng, tổng tài sản của Tập đoàn lên tới 5.040 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 3.738 tỷ đồng, chiếm 74% tổng nguồn vốn. Hiện tại, không có nhiều DN ngành thực phẩm nội địa có thể vươn tới các con số trên.

Ông Nguyên cho biết, sự kiện sáp nhập thành công NKD và Ki Do vào KDC trong năm 2010 đã tạo tiền đề trong định hướng mở rộng hoạt động của KDC qua việc thâu tóm, sáp nhập nhiều công ty khác trong ngành thực phẩm để đưa KDC trở thành một tập đoàn thực phẩm hàng đầu Việt Nam và châu Á.

Trong thời gian tới, KDC sẽ thực hiện sáp nhập CTCP Thực phẩm Kinh Đô Sài Gòn, CTCP Bánh kẹo Vinabico và một số công ty thực phẩm khác vào Tập đoàn. “Ngoài các tên tuổi trên, hiện tại, KDC đang ở trong giai đoạn mua lại các công ty khác, thông tin sáp nhập sẽ được công bố ở thời điểm chín muồi”, ông Nguyên tiết lộ.

N.Giang
N.Giang

Tin cùng chuyên mục