JVC: Vì sao trễ hẹn báo cáo tài chính kéo dài?

(ĐTCK) Chủ tịch Hội đồng quản trị JVC cho biết, Công ty có thể còn phải trích lập thêm, dù năm tài chính 2015-2016 đã bị hạch toán lỗ tới 713,5 tỷ đồng!
JVC: Vì sao trễ hẹn báo cáo tài chính kéo dài?

Ngày 21/7, Sở GDCK TP. HCM (HOSE) đã có công văn nhắc nhở CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (mã JVC) về việc chậm nộp BCTC công ty mẹ và hợp nhất kiểm toán năm 2015 lần thứ 2, báo cáo thường niên năm 2015.

Theo quy định tại Thông tư 52/2012/TT-BTC ngày 5/4/2012 của Bộ Tài chính, thời hạn công bố báo cáo tài chính năm là không quá 90 ngày kể từ khi kết thúc năm tài chính, thời hạn công bố báo cáo thường niên là không quá 20 ngày kể từ khi công bố báo cáo tài chính năm được kiểm toán.

Năm tài chính của JVC từ ngày 1/4/2015 đến 31/3/2016 hiện đã quá thời hạn gần 1 tháng, nhưng vẫn chưa được công bố báo cáo tài chính kiểm toán. Trước đó, ngày 1/7/2016, HOSE cũng đã có văn bản nhắc nhở JVC lần 1 về vấn đề này.

Động thái gần nhất, ngày 15/7/2016, HOSE đã có công văn công bố thông tin về ngày đăng ký cuối cùng tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 của JVC, với ngày đăng ký cuối cùng là 26/7/2016. Việc thực hiện chốt danh sách cổ đông họp Đại hội đồng cổ đông thường niên cho thấy JVC có thể đang trong giai đoạn hoàn thành báo cáo tài chính kiểm toán.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Đỗ Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc JVC cho biết, Công ty đang tích cực làm việc với đơn vị kiểm toán để làm rõ các khoản công nợ, bảo lãnh, xem xét khả năng thu hồi lại công nợ. Cũng theo ông Tùng, Ban lãnh đạo Công ty đang đàm phán với kiểm toán để thống nhất phương án trích lập dự phòng, với nhiều khả năng sẽ tăng trích lập dự phòng so với báo cáo tài chính quý IV/2015 đã công bố.

Theo báo cáo tài chính Công ty mẹ quý IV/2015 đã điều chỉnh của JVC, năm 2015, Công ty lỗ hơn 678 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu còn 1.187,83 tỷ đồng trên vốn điều lệ 1.125 tỷ đồng. Trên báo cáo tài chính hợp nhất điều chỉnh, JVC hạch toán lỗ 713,5 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu cuối kỳ còn 1.178,7 tỷ đồng.

So với báo cáo tài chính quý IV/2015 đã công bố trước đó, JVC sẽ bị lỗ nặng hơn, nhưng vốn chủ sở hữu lại tăng nhẹ do công ty điều chỉnh lại lợi nhuận năm tài chính 2014-2015.

Chưa rõ việc tăng trích lập dự phòng của JVC sẽ diễn ra như thế nào, nhưng nhìn vào cơ cấu chằng chịt các khoản phải thu của các bên có liên quan, trong đó, khoản còn lại sau dự phòng lên tới 403 tỷ đồng - tiền ứng cho các bên có liên quan và thanh toán hộ, câu chuyện sa sút tài chính của JVC có thể còn chưa chấm dứt.

Uyên Phạm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục